Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học mới
- Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2014 | 8:16:24 AM
Năm học mới, toàn ngành tập trung triển khai Kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
|
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014 - 2015.
Theo đó, năm học 2014 - 2015, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đối với từng cấp, bậc học có những nhiệm vụ, trọng tâm cụ thể.
Giáo dục mầm non
Trong Năm học mới, Bộ GD-ĐT tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non; triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.
Bộ đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm/lớp mầm non độc lập, tư thục ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.
Giáo dục phổ thông
Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo và tự học.
Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Chỉ đạo và hướng dẫn các trường phổ thông căn cứ chương trình giáo dục của cấp học chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục trong năm học đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước và ở những địa phương có điều kiện để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu quả. Tiếp tục mở rộng triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cấp tiểu học; triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam cấp THCS. Mở rộng áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương;
Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá học sinh; mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các cấp học phổ thông, nhất là cấp tiểu học. Phát động sâu rộng, nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học và dạy học thông qua di sản.
Giáo dục thường xuyên
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020.
Tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện theo hướng:
Giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương; đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đào tạo tại các trung tâm, chú trọng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Củng cố mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã nhằm giúp trung tâm hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
Giáo dục chuyên nghiệp
Mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạogắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành và địa phương.
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực người học nâng cao hiệu quả đào tạo;
Kết hợp dạy chương trình bổ túc văn hóa với đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và phối hợp với các trường phổ thông để thực hiện giáo dục hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Tổ chức quán triệt trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để mỗi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức đúng và hành động thiết thực triển khai các hoạt động đổi mới của ngành.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong việc thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Nghiên cứu để chuyển việc đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ chú trọng bằng cấp sang chú trọng năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh.
Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2016.
Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho các cơ sở đào tạo giáo viên, cho đội ngũ nhà giáo và sinh viên học ngành sư phạm.
Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
Trong Năm học mới, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục; sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục.
Các tỉnh, thành phố ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục và đào tạo trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đảm bảo chất lượng; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học, học liệu và hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Chỉ đạo tổ chức rà soát, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học, bảo đảm sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng, thiết bị hiện có và mua mới; tiếp tục triển khai phong trào tự làm đồ dùng dạy học tại các nhà trường.
Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bảo đảm đủ quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, phù hợp với yêu cầu xây dựng trường học theo hướng hiện đại hóa, trường đạt chuẩn quốc gia.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình và Dự án về giáo dục đào tạo theo mục tiêu và lộ trình đã được phê duyệt.
(Theo VOV)
Các tin khác
Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu thắt chặt kiểm định chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường.
Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.
YBĐT - Mới đây, Ủy ban MTTQ, Ban vận động Ngày vì người nghèo huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tổ chức lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho gia đình anh Hà Văn Sơ - là hộ nghèo thôn Lừu 2, xã Hát Lừu.
YBĐT - Ngày 19/8, Cổng Thông tin điện tử Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đối thoại trực tuyến với nhân dân về chủ đề: “Thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Yên Bái”.