“Ba bỏ” thành công từ công tác dân vận
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/10/2014 | 8:47:47 AM
YBĐT - Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, anh túc - loài cây độc gây nghiện dần bị xóa bỏ trên địa bàn Trạm Tấu (Yên Bái).
Từ nhiều năm nay, cây lúa đã được đưa vào gieo trồng khi cây thuốc phiện được phá bỏ.
Ảnh: Ruộng lúa ở xã Hát Lừu Trạm Tấu (Ảnh: Thanh Miền).
|
Những năm 90 của thế kỷ trước, Trạm Tấu được biết đến là “thủ phủ” của cây thuốc phiện (anh túc) cây này được trồng thành những cánh đồng bạt ngàn trải rộng khắp các xã, có thời điểm diện tích lên tới cả nghìn ha. Đằng sau đó là hàng loạt vấn đề người Mông Trạm Tấu phải đối mặt mà nghiêm trọng nhất là việc thiếu lương thực, sức khỏe bị tàn phá bởi hàng ngàn người nghiện thuốc phiện.
Trước thực trạng đó, năm 1992, Nhà nước chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện. Trong suốt hơn 20 năm thực hiện, cuộc chiến chống loài hoa anh túc ở huyện vùng cao Trạm Tấu diễn ra hết sức quyết liệt. Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã mà cuộc chiến “ba bỏ” (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ buôn bán tàng trữ) thuốc phiện trên huyện vùng cao này đã đạt được những kết quả quan trọng. Số nghiện hút thuốc phiện giảm từ trên 1.000 người (lúc cao điểm nhất) xuống còn 200 người năm 2014.
Có được kết quả đó, hàng năm, Ban chỉ đạo 138 huyện Trạm Tấu đều được kiện toàn ở 12 xã, thị trấn với 58 tổ công tác theo từng thôn, bản. “Cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo là các già làng, trưởng bản có uy tín, tiếng nói của họ có sức nặng, dân bản tin tưởng và nghe theo. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của Công an huyện mà trực tiếp là Đội phòng chống ma túy.
Ông Hoàng Văn Phán - Đội trưởng Đội phòng chống ma túy Công an huyện Trạm Tấu - người đã có hơn 30 năm lăn lộn với cuộc chiến xóa bỏ trồng loài “hoa độc” cho biết: "Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước chủ trương phá bỏ cây anh túc, thời điểm đó Trạm Tấu có cả nghìn ha. Cho đến nay, số diện tích đó cơ bản đã bị xóa bỏ. Khó có thể nói hết gian nan của cuộc chiến này. Những chuyến đi phá bỏ, vận động tái trồng cây anh túc, mỗi cán bộ phải mang trên mình 20 - 30kg lương thực, đi hàng tuần đến những bản xa nhất của Bản Mù, Tà Xi Láng, Làng Nhì...
Chỉ có leo lên núi, chỉ tận tay thì người vi phạm mới chịu phá nhổ cây. Muốn vậy, “phải 3” cùng với dân, phải nghe cái tai của người Mông, hiểu và nói “cái lý” của người Mông thì dân mới nghe và làm theo". “Muốn người dân nghe thì phải có cán bộ và tranh thủ được người có uy tín giúp đỡ” - ông Phán đúc kết.
Vấn đề nan giải nhất khi xóa bỏ cây thuốc phiện là tìm loại cây thay thế và cây lúa đã được lựa chọn. Chính vì vậy, song hành với công tác triệt phá, công tác vận động người dân khai hoang ruộng nước được Trạm Tấu đặc biệt quan tâm. Sức mạnh của cả hệ thống chính trị được phát huy cao độ. Công tác khuyến nông chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân làm lúa nước được thực hiện một cách bền bỉ, trong đó có cả sự kiên trì, tâm huyết của những cán bộ vùng xuôi công tác trên huyện vùng cao này. Để rồi hôm nay, Trạm Tấu đã có thể tự bảo đảm an ninh lương thực, những diện tích cây thuốc phiện trước đây đã được thay thế bằng những cánh đồng lúa xanh mướt hai vụ.
Song song với công tác triệt phá cây anh túc, công tác cai nghiện cũng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, huyện đều mở các lớp cai tại cộng đồng cho hàng trăm lượt người nghiện. Sau nhiều năm kiên trì, từ hàng nghìn đối tượng nghiện đã giảm xuống còn 203 người, nằm trong độ tuổi trên 35; số thanh niên nghiện mới hầu như không có. Dù đã gặt hái được những thành công nhưng hiện nay, việc tái trồng cây thuốc phiện vẫn lác đác diễn ra ở các bản xa, giáp ranh với huyện Bắc Yên (Sơn La), giao thông đi lại khó khăn nên Trạm Tấu xác định, công tác vận động và tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Thông qua công tác tuyên truyền, đại bộ phận nhân dân đã nhận thức được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, của gia đình trong công tác phòng chống buôn bán ma túy, tái trồng cây thuốc phiện.
Đúc kết kinh nghiệm từ cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện ở Trạm Tấu cho thấy thành công là ở công tác dân vận. Bởi địa bàn xa xôi, hẻo lánh, nếu không nhờ tai mắt của quần chúng, nếu người dân chưa được đả thông tư tưởng thì bản thân họ cũng sẽ không thực hiện. Một trong những kinh nghiệm của Công an Trạm Tấu trong công tác chống tái trồng cây thuốc phiện là đã làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ của các già làng, người có uy tín.
Bằng nhiều hình thức, cán bộ, chiến sĩ công an đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người có uy tín, già làng, trưởng bản để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của họ, đề nghị họ vận động con cháu trong dòng họ không trồng cây thuốc phiện. Khi làm tốt công tác dân vận và có thêm tiếng nói của già làng, người có uy tín thì trận tuyến phòng chống tái trồng loài cây độc này sẽ ngày càng vững chắc.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Những kết quả đạt được từ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Đó cũng là động lực để ngành y tế có những bước đi vững chắc trong các năm tiếp theo.
WHO mới đây thông báo, đã có hai loại vaccine chống lại virus Ebola đang được phát triển bởi GlaxoSmithKline và NewLink cho những kết quả tích cực trong giai đoạn đầu thử nghiệm.
YBĐT - Trong đời, tôi có vinh dự 5 lần được về bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần, dù là về thăm, về làm việc với tư cách người sưu tầm tư liệu lịch sử hay đưa các đoàn thiếu nhi, học sinh về chúc thọ Đại tướng là một lần tôi có thêm những kỉ niệm hết sức sâu sắc và thiêng liêng.
YBĐT - Ngày 1/10, Ban tổ chức những ngày lễ lớn của tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), 25 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014), đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức những ngày lễ lớn tỉnh Yên Bái chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh…