Dạy trẻ ở ngôi trường mang tên nhà bác học
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2014 | 8:58:50 AM
YBĐT - Xác định rõ tầm quan trọng đó của việc dạy học mầm non, chính là viên gạch đầu tiên xây cho nền móng trí tuệ và nhân cách cho trẻ... đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Lê Quý Đôn (thành phố Yên Bái) luôn nỗ lực trau dồi tư cách đạo đức và trình độ chuyên môn, bảo đảm dạy tốt, học tốt, xứng đáng là những người mẹ hiền thứ hai của trẻ.
Giờ chơi trò chơi của các cháu lớp 4 tuổi.
|
Có mặt tại trường vào một buổi sáng cuối thu, chúng tôi thực sự ấn tượng trước tình cảm của cô và trò ở đây. Từ những cháu bé lớp 2 tuổi cho tới lớp 5 tuổi đều vui vẻ, hớn hở khi vẫy tay chào ông, bà, cha mẹ để theo các cô giáo vào lớp. Tiếng các em ríu rít như những chú chim non vang rộn khắp sân trường, có bé vội theo bạn chạy vào lớp nô đùa, những bé nhỏ hơn ôm cổ các cô giáo và "bye! bye!" bố mẹ với đôi tay bé xíu cùng ánh mắt biết cười. Đặc biệt là không có một tiếng trẻ nào khóc nhè như thường thấy ở một số trường mầm non khác. Theo chân cô và trò vào thăm các lớp học chúng tôi đã tìm được câu trả lời vì sao các bé ở đây lại thích tới trường.
Ở lớp trẻ 3 tuổi, ngay sau khi ổn định chỗ ngồi, các cô giáo phân công rõ ràng, cô phát đồ chơi cho trẻ, cô tiếp tục bón đồ ăn sáng cho những bé chưa kịp ăn do bố mẹ vội đi làm. Thấy có người lớn vào, đám trẻ cùng để đồ chơi xuống bàn và đồng thanh: "Chúng con chào các bác, các chú ạ" mà chưa cần cô giáo giới thiệu. Sau đó, các nhóm trẻ lại tiếp tục chơi, tiếp tục ăn. Những em bé tự giác xúc ăn được các cô động viên, khích lệ: "Bé Bông ăn giỏi quá, bạn Bi lớp mình hôm nay xúc cơm không làm rơi tí nào, các con cùng xúc ăn như hai bạn nhé"… Với những bé ăn chậm, các cô đi vòng quanh vừa bón vừa động viên các cháu. Sang lớp 4 tuổi, lại là những trò chơi mang tính khám phá cao hơn. Các cháu tập xếp nhà, ghép hình, tập làm cô giáo, làm bác sĩ, làm nhân viên bán hàng, làm nhạc sĩ... thông qua hoạt động góc rất thú vị.
Cô giáo Phạm Thị Phượng, sinh năm 1991, tốt nghiệp Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái tâm sự: "Góc hoạt động này như một xã hội thu nhỏ, chúng em hướng dẫn cho các cháu tự chọn các trò chơi cho mình. Bé trai thường thích chơi trò xây dựng, khám phá thiên nhiên, còn bé gái thích chơi đồ hàng, làm bác sĩ, làm cô giáo".
Cháu Phạm Duy Anh, lớp 4 tuổi vừa ghép hình vừa nói: "Con rất thích chơi trò xây nhà cao tầng, lớn lên con sẽ xây nhà thật to cho bố mẹ con", còn bé Nguyễn Thị Trúc Xuân thì bẽn lẽn khoe: "Các mẹ ở trường dạy con biết hát, biết vẽ bông hoa, con cá, con thích học môn nhạc nhất ở trường".
Nhằm tạo lập cho trẻ tính độc lập và tự tin, các cô giáo của trường đã không ngừng học hỏi, sáng tạo và theo sát các bé để nắm bắt tâm tư, sở thích của con trẻ, qua đó có những phương pháp định hướng và hình thành nhân cách cho trẻ tốt hơn. Với những trẻ quá nghịch, các cô sắp xếp cho chơi cùng với các bé nhút nhát hơn để điều tiết tính điềm đạm, kiên trì và cẩn thận cho trẻ bằng cách cho các cháu cùng học vẽ, thi vẽ tranh, tô màu cho tranh; đối với những bé trầm tính hơn lại kết hợp với các bé năng động, nhanh nhẹn để học môn âm nhạc, tập đánh vần các chữ cái...
Chị Phạm Minh Thái ở tổ 37, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) là phụ huynh của cháu Phan Thảo Nguyên, lớp 5 tuổi tâm sự: "Trước đây con tôi học ở trường khác, qua tìm hiểu bạn bè cơ quan, tôi đã chuyển cho cháu vào Trường, năm nay là năm học thứ ba. Tôi thấy rất yên tâm vì giáo viên ở đây tâm huyết và yêu trẻ. Cháu sinh ra được 0,8kg rất yếu, trước đi học ở trường khác rất hay khóc nhè nhưng sang trường này cháu khỏe hơn và rất thích đi học". Quả thực, vừa là cô giáo vừa là người mẹ hiền thứ hai của bé nên mỗi giáo viên nhà trường, ngoài lòng yêu nghề, mến trẻ đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tu dưỡng bản thân để làm tấm gương sáng cho trẻ soi vào.
Cô giáo Trần Thanh Mai - giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, đang trực tiếp dạy tâm sự: "Hầu hết thời gian để phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách cho trẻ là ở trường với cô giáo. Vì thế, ngoài tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chúng tôi phải chú ý từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử giữa giáo viên với giáo viên và giáo viên với các cháu để làm gương cho các cháu học tập".
Để bảo đảm cho trẻ phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đó là việc xây dựng trường và lớp học an toàn, không để xảy ra bất kỳ tai nạn nào đối với trẻ thông qua Ban chăm sóc sức khỏe học sinh và thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, phối hợp với cán bộ y tế phường khám sức khỏe định kỳ và cân đo chấm biểu đồ cho trẻ...
Nhờ đó, gần 100% số trẻ của Trường đạt cân nặng và chiều cao phát triển bình thường; tỷ lệ chuyên cần của các cháu nhà trẻ đạt 88%, mẫu giáo 92%; tỷ lệ bé ngoan nhà trẻ đạt 85%, mẫu giáo đạt 90%. Qua khảo sát trên từng trẻ của nhà trường cho thấy, 97% trẻ phát triển thể chất, 98% trẻ phát triển nhận thức, 94% trẻ phát triển ngôn ngữ, 98% trẻ phát triển thẩm mỹ và 99% trẻ phát triển tình cảm xã hội. Đặc biệt, trong 156 trẻ toàn trường đạt bé khỏe bé ngoan, có 57 cháu đạt bé ngoan xuất sắc.
Hiện tại, Trường Mầm non Lê Quý Đôn có 16 cán bộ, giáo viên với 1 chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên làm nòng cốt trong các phong trào thi đua dạy và học của nhà trường. Năm học 2013 - 2014, nhà trường có 9 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, trong đó, 7 giáo viên cấp cơ sở, 1 giáo viên cấp thành phố và 1 giáo viên cấp quốc gia. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo sức mạnh trong xây dựng và củng cố chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng lớp mầm non tương lai cho quê hương dưới ngôi trường mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.
Thanh Hương
Các tin khác
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chủ trì viết sách giáo khoa? Cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa thế nào để đảm bảo công bằng? Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều chuyên gia giáo dục tại “Diễn đàn Một chương trình, nhiều bộ SGK trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn.” ngày 6/11, tại Hà Nội.
Tối 6-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2014 và phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
YBĐT - Ngày 6/11, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức sơ kết một năm thực hiện Kế hoạch 97/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” giai đoạn 2014 – 2015 theo Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.