Đối thoại để thấu hiểu và chia sẻ
- Cập nhật: Thứ hai, 29/6/2015 | 3:08:29 PM
YênBái - YBĐT - "Lắng nghe trẻ em nói" - khẩu hiểu của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2015 dành cho toàn xã hội. Trong phạm vi gia đình, người lớn chúng ta - những người làm cha mẹ liệu đã làm được và làm tốt việc này?
Lắng nghe con nói - yếu tố quan trọng để hiểu con.
|
Những tâm sự đắng lòng
Thật khó để có thể kể về những bất ổn với bố mẹ cho một người xa lạ nhưng dường như nỗi bức xúc đã dồn nén từ lâu nên khi có người gợi đến cũng khiến nó bung ra không ngần ngại, cô bé Nga sau một hồi do dự bỗng tuôn trào cảm xúc trước tôi: "Em và bố mẹ chưa bao giờ có được một cuộc nói chuyện nào quá 5 phút. Bất kể chuyện gì, chỉ sau vài câu là y như rằng bố mẹ quay ra mắng em. Nếu em nói lại, bố mẹ sẽ nói ngay là em chỉ thích cãi. Im lặng thì bố mẹ lại mắng là điếc, là câm. Chạy lên phòng thì thể nào cũng bị kéo lại và nói là láo rồi lại mắng chửi em tiếp. Có ai thích bị mắng chửi bao giờ đâu, phải không chị! Thế mà mẹ em còn bảo: "Mày thích bị ăn chửi hay sao mà cứ chọc tức tao vậy". Là do bố mẹ không hiểu em đấy chứ vì có bao giờ nghe em nói đâu mà hiểu được. Em buồn lắm chị ạ!"… Và tôi cảm nhận nỗi buồn dâng ngập đôi mắt em.
Ánh mắt đó, tôi cũng đã từng thấy ở Quỳnh - con một chị bạn, khi vô tình chứng kiến cuộc "nói chuyện" giữa em và mẹ. Quỳnh xin đi học nhảy, em vừa dứt lời, chị bạn tôi đã buông câu phản đối:
- Không lo mà học đi, nhảy với nhót cái gì. Tiền để ăn học chứ không phải ăn chơi.
- Nhưng con sẽ dùng tiền tiết kiệm của con để học. Cũng chỉ tuần một buổi thôi ạ! Quỳnh giải thích.
- Vớ vẩn. Đã nói không là không. Không phải nói nhiều. Mẹ Quỳnh tỏ ra kiên quyết. Tôi thấy một sự ấm ức, chán nản và mệt mỏi hiện ra trên nét mặt Quỳnh nhưng mẹ em không để ý. Bữa đó, tôi đã tìm cách động viên, chia sẻ với em. Quỳnh trút bầu tâm sự trong nước mắt: "Cháu chỉ muốn ba mẹ cháu hiểu rằng cháu cũng có những niềm đam mê riêng và hãy cho cháu thực hiện nó. Tại sao ba mẹ lại bảo thủ như vậy? Thử nghĩ xem một ngày có 24 tiếng mà cháu chỉ được ngủ bốn, năm tiếng, thời gian còn lại đều là học và học. Cháu là người chứ có phải cái máy đâu. Cháu cần được giải trí, được thư giãn đầu óc chứ không phải chỉ biết học. Ba mẹ cháu có biết là cháu bây giờ thực sự đang rất mệt mỏi và căng thẳng”.
- Sao cháu không nói với ba mẹ điều này? Tôi thắc mắc.
- Giá mà ba mẹ cháu cũng nghe cháu nói như cô. Cháu rất muốn nói ra ý kiến, suy nghĩ của mình cho ba mẹ nghe nhưng cháu sợ vì nhiều lúc cháu đưa ra ý kiến nào đó thì ba lại trừng mắt nhìn cháu, còn mẹ thì không cho cháu lời khuyên nào cả. Nhiều lúc cháu sợ phải nói ra ý kiến của mình cho người khác nghe vì sợ họ cũng im lặng như vậy.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao khi tôi hỏi chuyện, cũng phải khó khăn lắm Quỳnh mới mở lòng, dù tôi và gia đình em chẳng hề xa lạ.
Còn Dũng - cậu trai 14 tuổi, ánh mắt bình thản sau cặp kính cận, dường như cuộc sống khá bình yên với Dũng thì phải. Cậu ta cứ lặng lẽ nãy giờ như chẳng có gì để nói, tôi nghĩ mình đã chọn nhầm đối tượng khai thác? Chợt Dũng nhìn tôi, ánh mắt không còn cái vẻ bình thản lúc trước và đề nghị: "Cô có thể đóng vai bố mẹ cháu lúc này để cháu nói được không ạ?".
Thì ra, Dũng cũng rất nhiều chất chứa: "Con không phải là đứa con mẫu mực như bố mẹ mong muốn nhưng con đã và đang cố gắng để trở thành đứa con như thế nhưng tại sao bố mẹ lại không hiểu con. Có bao nhiêu chuyện con muốn tâm sự cùng bố mẹ nhưng con không thể vì con nghĩ bố mẹ chẳng bao giờ nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực. Con có làm gì sai thì bố mẹ có thể khuyên bảo con nhẹ nhàng cơ mà, sao lại cứ phải mắng chửi, sỉ nhục con. Đã bao giờ bố mẹ đặt mình vào vị trí của con chưa để xem cảm nhận của con như thế nào. Tại sao bố không bao giờ cho con giải thích những chuyện mà bố đã hiểu lầm con, hiểu sai con. Bố luôn khẳng định là bố đúng, rồi có khi còn tát con. Chỉ là con đã lớn rồi, con đủ mạnh mẽ để không khóc. Con nghĩ những bạn nhà nghèo, học giỏi là vì họ luôn nhận được sự động viên từ bố mẹ. Mẹ luôn so sánh con như thế này, thế khác nhưng có bao giờ bố mẹ động viên con khi con thất bại, khen ngợi con khi con đạt điểm tốt, cố gắng học chưa. Tâm lý con có thể ổn định để học tốt được không khi mà những hành động, cử chỉ của bố mẹ luôn là ác mộng trong những giấc ngủ của con. Làm ơn, hãy hiểu con dù chỉ một chút thôi".
Dũng bỏ kính ra sau một hồi nói không ngừng nghỉ. Em gục mặt xuống hai bàn tay. Tôi biết, em đang che giấu giọt nước mắt của một cậu trai. “Ác mộng”- từ ấy xem ra là nặng nề để nói về ba mẹ nhưng với Dũng cảm giác đó là thật. Tôi không biết nói gì với em, chỉ biết ước giá như ngồi trước mặt em lúc này không phải là tôi mà chính là bố mẹ của em để nghe được những gì em vừa nói. Và tôi hiểu, như đề nghị ban đầu - Dũng còn ước điều đó hơn tôi.
Rất nhiều tâm trạng, nỗi niềm riêng tư chất chứa trong lòng những đứa trẻ như Nga, như Quỳnh, như Dũng nhưng tất thảy đều có một mẫu số chung, đó là sự khát khao được tỏ bày, được lắng nghe, được bố mẹ hiểu mình hơn. Các em không thể hiểu tại sao bố mẹ cứ luôn trách mắng, trút giận vào mình? Sao chẳng bao giờ lắng nghe và tìm hiểu đã có chuyện gì xảy ra với con? Khi muốn chuyện trò, phân bua điều gì cũng chẳng bao giờ được chia sẻ. Có chuyện, muốn giải thích thì bị cho là hỗn, vô lễ.
Thậm chí có em kể: Là con gái, đôi khi em cũng thích điệu đà một chút. Nhưng vừa mặc váy mới nói đùa là đi chơi mà mẹ bảo là đi chơi với trai à mà thế này thế kia... Có khi xin qua nhà bạn học bài một chút nhưng khi về vẫn bị mẹ mắng. Học đã mệt và căng thẳng vậy mà chẳng được quan tâm, mẹ chẳng hỏi xem hôm nay con thế nào, có chuyện gì lại cứ mắng mỏ…? Và rồi như một lẽ tất nhiên, những tâm sự bị kìm nén lâu ngày không được giải tỏa của các em rất có thể đến lúc nào đó bung ra thành những suy nghĩ, những ý định tiêu cực, thậm chí là cực kì tiêu cực mà ba mẹ không hề hay biết.
"Nhiều lúc con nghĩ không biết con có phải là con của bố mẹ không nữa"; "Đôi lúc con muốn bỏ nhà đi” hay “Làm sao để có thể từ bỏ cuộc sống đáng ghét này, hình như bố mẹ không còn quan tâm đến em nữa, em tủi thân lắm và nghĩ rằng mình chỉ là đồ bỏ đi"… Đó là những suy nghĩ vô cùng bất ổn mà các em đã tâm sự với tôi. Ai dám chắc những suy nghĩ tiêu cực đó không trở thành hành động một cách dại dột, mà người thiết lập những suy nghĩ đó cho các em không ai khác chính là cha mẹ. Nguyên nhân đều bắt đầu từ việc cha mẹ không lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu con cái.
Hãy biết lắng nghe con
Không tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc, ý kiến của con cái, tự cho mình quyền được áp đặt con cái theo ý của mình là sai lầm cơ bản khiến cha mẹ không có ý thức và không biết cách lắng nghe con. Thay vì lắng nghe và thấu hiểu, lại muốn và buộc con cái làm theo điều mình muốn chứ không phải điều chúng muốn và khi không nhận được sự hợp tác lại cho rằng con cái là không biết nghe lời, là sai trái. Đây là con đường ngắn nhất cha mẹ chọn sự "đối đầu" của con cái thay vì "đối thoại" với mình - cũng chính là sự thất bại của cha mẹ trong việc hiểu con. Trong khi có hiểu con mới có thể có cách giáo dục con hiệu quả như cha mẹ muốn.
"Lắng nghe con" phải được thai nghén từ trong ý thức của cha mẹ. Không có ý thức này, cha mẹ ngay từ đầu đã bước chân sang con đường đối đầu trong những giao tiếp với con cái. Khi đó, không những không bao giờ biết đến lắng nghe mà cha mẹ còn đã vội vàng đóng kín mọi ý định bày tỏ suy nghĩ, sự khao khát chia sẻ cảm xúc của con cái với mình và nhanh chóng quy kết con cái là bướng bỉnh, là cãi lại, phản kháng.
Hình thành được ý thức lắng nghe con rồi nhưng lắng nghe thế nào cho hợp lý, có hiệu quả là không hề đơn giản với cha mẹ. Nghiêm túc, chăm chú có lẽ là điều đầu tiên cần thể hiện ở cha mẹ trong cuộc giao tiếp với con cái để con cái tìm thấy được sự quan tâm, tôn trọng của cha mẹ với những điều mình sắp bày tỏ, cũng là tạo dựng sự khởi đầu tin tưởng cho cuộc trò chuyện. Nghe lời con nói bằng tai nhưng phải biết cảm nhận, thấu hiểu cảm xúc của con bằng sự đồng cảm như một người bạn và cả trái tim yêu thương của bậc sinh thành là điều vô cùng cần thiết.
Vỗ về, an ủi, động viên khi cần thiết, giải thích phải trái, đưa ra lời khuyên trên cơ sở kinh nghiệm từng trải của người đi trước và hiểu được cảm xúc của con cũng là những điều quan trọng không thể thiếu. Có vậy, cha mẹ mới có thể thành công trên con đường đồng hành, giáo dục, định hướng cho con những điều hợp lý nhất khi đã hiểu con. Ngược lại, con cái có được sự sẻ chia, tìm được điểm tựa và cảm nhận sâu sắc sự yêu thương từ cha mẹ. Cuộc đối thoại hướng đến thấu hiểu và nhân lên yêu thương đạt được trọn vẹn ý nghĩa.
Nên hiểu rằng đã là thật may mắn khi con cái chủ động bước vào cuộc đối thoại với cha mẹ. Vậy các bậc cha mẹ hãy biết nhanh chóng chớp lấy những thời điểm ấy để bắt đầu cho những cuộc lắng nghe và hành trình hiểu con. Nếu không có may mắn đó, cha mẹ nên biết cách tự tạo ra cơ hội để được lắng nghe con nói. Hãy chú ý quan sát thái độ của con xem có gì khác thường thì chủ động khơi gợi câu chuyện, hoặc theo các chuyên gia, cha mẹ có thể chủ động kéo con vào cuộc đối thoại, sẻ chia bằng những câu hỏi như: “Ngày hôm nay của con thế nào?”, “Bạn bè con đợt này ổn cả chứ?”, “Có gì bất ổn không con?”, “ Con có cần giúp gì không?”...
Chọn đối thoại, đừng chọn đối đầu; lắng nghe, biết cách lắng nghe và thấu hiểu - nếu như cha mẹ nào cũng nghĩ và hành động được thế có lẽ con trẻ không còn những tâm sự đắng lòng trong mối quan hệ với các đấng sinh thành.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Bám sát các chỉ thị, nghị quyết của hội phụ nữ cấp trên và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, những năm qua Hội Phụ nữ xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội; đẩy mạnh thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng Hội vững mạnh.
Bộ trưởng cho biết: “Đề thi đã in xong, đảm bảo bí mật tuyệt đối. Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp ngành giáo dục tổ chức kỳ thi này”.
“Ở kì thi THPT quốc gia thì công tác thanh tra, kiểm tra sẽ toàn diện hơn. Với cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi chung nên mọi hành vi về thi hộ sẽ dễ dàng được phát hiện. Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tiếp tục hậu kiểm sau kì thi nên thí sinh đừng hi vọng gian lận” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
YBĐT - Từ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, mà nòng cốt là trạm y tế xã, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em CSSKBMTEDTTS) không ngừng được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực cải thiện sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em (BMTE) thông qua hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi, giúp họ tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình.