Góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015: Ưu tiên tập trung giai đoạn đầu đời của trẻ
- Cập nhật: Thứ ba, 6/10/2015 | 4:56:36 PM
Sáng 6-10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức Hội thảo Góp ý xây dựng Luật Trẻ em (sửa đổi) 2015 với chủ đề “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ và giám sát độc lập thực thi quyền trẻ em”.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị Dự thảo Luật ưu tiên tập trung giai đoạn đầu đời của trẻ, để đảm bảo có được lợi ích cao nhất cho trẻ, gia đình, cộng đồng.
|
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đề nghị dự thảo Luật ưu tiên tập trung vào giai đoạn đầu đời của trẻ, để đảm bảo có được lợi ích cao nhất cho bản thân trẻ, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Bác sĩ, tiến sĩ (BS,TS) Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã cung cấp những bằng chứng khoa học cho luận điểm này. Ông nói: “Não bộ của con người được xây dựng dần theo thời gian. Trong đó, giai đoạn bắt đầu từ trong bào thai và hai năm sau khi sinh ra mang ý nghĩa then chốt trong việc quy định tốc độ hình thành, chất lượng phát triển của não bộ và các khả năng con người. Gene và trải nghiệm của trẻ từ chăm sóc gia đình và cộng đồng trong những năm đầu đời tương tác với nhau làm nên kiến trúc não bộ của trẻ và là cơ sở hình thành, phát triển các khả năng sau này”.
Thẳng thắn nhận xét rằng dự thảo hiện nay chưa bắt kịp thành tựu khoa học về phát triển trẻ em thế kỷ 21, TS Trần Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật giải thích một số thuật ngữ cơ bản về phát triển toàn diện trẻ em, cũng như đưa vào chương về các quyền và bổn phận của trẻ em một nội dung mới. Đó là: “Trẻ em được ưu tiên chăm sóc cho sự phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời”.
Vẫn theo ông Trần Tuấn, quyền nêu trên cần được coi là quyền cơ bản, điều chỉnh các nội dung có liên quan khác trong toàn bộ dự Luật. Chẳng hạn, Luật cần chế định việc đưa chương trình đào tạo cha mẹ và các thành viên trong gia đình về kiến thức, kỹ năng và thái độ chăm sóc cho trẻ phát triển toàn diện ngay từ giai đoạn đầu đời vào gói dịch vụ y tế dự phòng do bảo hiểm y tế chi trả. Hoặc đối với các trẻ bị “toxic stress” (do bị bạo lực về thân thể, bị bỏ bê hoặc xao nhãng chăm sóc; khiến trẻ bị thường xuyên căng thẳng, sợ hãi...), cần xây dựng các dịch vụ can thiệp hỗ trợ chăm sóc trẻ tại gia đình và cộng đồng đáp ứng các tình huống khác nhau, bao gồm cả việc đưa trẻ ra khỏi gia đình “toxic stress”.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, việc khám chữa bệnh (KCB) bằng y dược học cổ truyền (YDHCT) chiếm một tỷ lệ tương đối trong hoạt động KCB nói chung của ngành y tế tỉnh. Ở tuyến tỉnh, có Bệnh viện YDHCT, là địa chỉ KCB thường xuyên của đông đảo bệnh nhân. Các bệnh viện đa khoa huyện, thị, thành phố đều có khoa y học cổ truyền hoặc tổ YDHCT.
YBĐT - Với tinh thần văn nghệ sỹ hướng về Đảng, tối 5/10, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã tố chức đêm thơ - nhạc chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
YBĐT - Bước vào một quán ăn bên lề đường ở thành phố Yên Bái, chúng tôi cảm thấy lạc lõng khi giữa một dãy bàn khoảng hơn chục cái, ở đó, gần chục con người đang ngồi ăn và bấm điện thoại. Khi phát minh ra điện thoại, con người muốn thế giới mà họ đang sinh sống xóa bỏ khoảng cách địa lý để xích lại gần nhau hơn bằng phương tiện và công nghệ. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, giờ đây điện thoại đang làm mọi người xa nhau hơn.
YBĐT - Sáng 6/10, tại Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp tỉnh Yên Bái.