Không tăng đại trà học phí
- Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2015 | 2:29:18 PM
Trước lo ngại của học sinh, phụ huynh về tăng học phí theo nghị định mới, đại diện Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD&ĐT), ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, có ý kiến về việc này.
Ảnh minh họa
|
Theo ông Bùi Hồng Quang, quan điểm xây dựng học phí đối với giáo dục đại học chia làm 2 nhóm trường. Đối với các cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ): Học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp. Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý. Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị chưa tự chủ), mức thu học phí tăng dần hàng năm khoảng 10%, do vậy khả năng bù đắp chi phí đào tạo còn thấp, tính trung bình đến năm học 2019-2020 mức học phí mới đáp ứng được một phần chi phí đào tạo, phần còn lại do NSNN cấp phát.
Trong điều kiện hiện nay kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân còn thấp nên không thể tăng đại trà học phí mà việc xây dựng học phí lần này chưa tính đến tăng đồng loạt để bù đắp chi phí. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó học phí chỉ là một yếu tố.
Ngoài ra đối với các trường công lập, học phí chỉ là một nguồn thu của cơ sở giáo dục, trên thực tế những năm trước đây và cho đến hiện nay, về cơ bản nhà nước vẫn đảm bảo hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo hoạt động giáo dục, giảng dạy của các cơ sở giáo dục được diễn ra bình thường, đảm bảo chất lượng.
Cũng theo ông Quang, từ năm học 2015-2016, một số trường đại học sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ hoạt động (bao gồm cả tự chủ về tài chính) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, mức học phí của các trường này tính trung bình gấp khoảng trên 2 lần so với các trường chưa tự chủ. Chính sách học phí mới không tác động lớn đến người học so với trước đây vì các lý do: Học phí mầm non, phổ thông vẫn tăng bình quân hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, và vẫn do địa phương quy định đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân tại địa phương như trước đây. Học phí đại học chương trình đại trà tại trường chưa tự chủ tăng 10%, tăng chậm hơn giai đoạn 2011-2015 (trước đây khoảng 20%/năm).
Các trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí có cao hơn mức học phí các trường áp dụng hiện nay. Tùy tình hình cụ thể các trường xác định mức học phí phù hợp để một mặt nâng cao chất lượng đào tạo nhưng mặt khác đảm bảo được mức chi trả của người dân. Đến nay đã có 11 trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với học sinh nghèo, học sinh diện chính sách, vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây…
(Theo TPO)
Các tin khác
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 6 đến 14 tuổi bằng vaccine tiếp nhận viện trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.
Tỉ lệ tinh giản biên chế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tối thiểu sẽ là 10% biên chế trong giai đoạn từ năm 2015-2021.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp thông qua mạng internet.
Ngày 7/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sau hơn 5 năm thí điểm tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả vắcxin sốt xuất huyết ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca sốt xuất huyết nhập viện và 93% ca sốt xuất huyết nặng.