Xây dựng đội ngũ công nhân Yên Bái ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/4/2016 | 3:52:13 PM

YBĐT - Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Trong thành tựu chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ công nhân tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Vương Văn Bằng (đứng giữa) thăm và tặng quà cán bộ, công nhân Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.
Đồng chí Vương Văn Bằng (đứng giữa) thăm và tặng quà cán bộ, công nhân Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.

Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, vấn đề lao động và thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Các Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của GCCN. Phong trào đòi làm việc 8 giờ phát triển mạnh ở nước Mỹ cùng với sự phát triển của tổ chức công đoàn.

Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chi-ca-gô tiến hành bãi công và lôi cuốn ngày càng đông người tham gia, cùng ngày đó, các trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5 nghìn cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như: New York, Pixbox, Baltimore, Washington... có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể GCCN.

Nhiều thủ lĩnh công đoàn đã bị bắt và bị kết án tử hình trong cuộc tàn sát đẫm máu của giới chủ tư bản và cảnh sát. Mặc dù vậy, khí phách của công nhân và yêu cầu thiết thực của cuộc đấu tranh đã gây chấn động lớn trong GCCN toàn thế giới. Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14/7/1889, đại biểu của GCCN thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới - Ngày Quốc tế lao động.

Ở Việt Nam, sự kiện thành lập Tổng công hội đỏ miền Bắc Việt Nam (1929) đã đánh dấu sự trưởng thành to lớn, quan trọng về chất của GCCN Việt Nam, đặc biệt sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), GCCN Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do, dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, công nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Xác định xây dựng GCCN lớn mạnh trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và của toàn xã hội, năm 2008, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng GCCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH”, Đảng ta xác định: “GCCN nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước...".

Với vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho GCCN và người lao động, tổ chức công đoàn Việt Nam luôn là tổ chức cách mạng của Đảng, hoạt động vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của GCCN và nhân dân lao động, góp phần tích cực xây dựng GCCN vững mạnh làm động lực đi đầu trong mọi giai đoạn cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới CNH-HĐH đất nước.

Đối với tỉnh Yên Bái, GCCN ra đời cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, cụ thể là từ khi thực dân Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đến giữa năm 1904, chúng đã tuyển mộ hơn 1 vạn người để xây dựng công trường đường sắt. Cùng đó là việc chúng tuyển mộ hàng ngàn công nhân khai thác mỏ, công nhân làm trong các đồn điền của chủ Pháp.

Đến năm 1938, có công nhân cơ khí làm việc ở xưởng Đề pô Yên Bái. Đời sống của công nhân dưới thời Pháp thuộc vô cùng cực khổ, chế độ làm việc khắc nghiệt, thời gian lao động trên 10 tiếng một ngày. Vì vậy, công nhân Yên Bái đã có nhiều cuộc đứng lên đấu tranh chống lại giới chủ. Tuy số lượng còn ít, tổ chức chưa chặt chẽ nhưng đội ngũ công nhân, lao động của tỉnh đã kế thừa truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, liên tục đứng lên đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến.

Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, công nhân Yên Bái đã cùng toàn dân đứng lên làm cách mạng, góp phần viết lên những truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái. Năm 1944, với hình thức ban đầu là Hội Ái hữu đề - pô xe lửa Yên Bái, đến ngày 28/7/1947, tổ chức Công đoàn tỉnh Yên Bái được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Từ lúc chỉ có 5 - 6 tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS), đến nay, Công đoàn tỉnh Yên Bái đã có 1.128 CĐCS với gần 40 nghìn đoàn viên công đoàn trong tổng số gần 41.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ở các đơn vị có tổ chức công đoàn.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Công đoàn Yên Bái đã bám sát với nhiệm vụ kinh tế chính trị của địa phương, sát cánh với đội ngũ công nhân, người lao động trong tỉnh tham gia sản xuất, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương không ngừng phát triển, có đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới CNH, HĐH đất nước.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 13,5%. Trong đó, nông - lâm nghiệp 5,4%/năm, công nghiệp - xây dựng 17,1%/năm, thương mại- dịch vụ 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế trong GDP đến năm 2015, nông - lâm nghiệp 25%, công nghiệp - xây dựng 41%, thương mại - dịch vụ 34%. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 25 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 là 45%. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2015 đạt hơn 15.000 tỷ đồng.

 Trong 5 năm, Yên Bái đã thu hút 145 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng và 99 triệu USD. Từ việc phát triển các dự án, số lượng công nhân, người lao động cũng tăng đáng kể. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, củng cố, ngày càng vững mạnh. Đạt được những kết quả quan trọng, đúng định hướng đó là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự vượt khó, năng động của các doanh nghiệp; sự kiên trì khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp của tổ chức công đoàn; sự nỗ lực thi đua lao động, phát huy sáng kiến của đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh.


Để góp phần xây dựng GCCN Việt Nam ngày càng phát triển, tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu xây dựng các khu, cụm công nghiệp trở thành địa bàn quan trọng, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với chính sách khuyến khích phát triển các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động để tạo thêm nhiều chỗ, việc làm mới, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH.

Như vậy, phát triển doanh nghiệp là mũi nhọn, tổ chức công đoàn phải có trong các loại hình doanh nghiệp là điều kiện “cần” và “đủ”, đó là sự vận động tất yếu, khách quan, đúng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 20 của Đảng. Với “Vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng GCCN của công đoàn”, những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung phát triển đoàn viên, đội ngũ công nhân lao động bằng cách tuyên truyền, vận động các loại hình doanh nghiệp thành lập CĐCS và mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho thêm nhiều lao động trên địa bàn. Công đoàn tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tập hợp các ý kiến, trao đổi, thương lượng và đối thoại với người sử dụng lao động và cùng giải quyết các vấn đề thấu tình, đạt lý, giúp người sử dụng lao động có điều kiện và thời gian tập trung vào việc hoạch định phát triển doanh nghiệp, làm việc với đối tác, thu hút đầu tư, ký kết hợp đồng kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế...

Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa đội ngũ công nhân lao động; chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu cho chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết xã hội cho công nhân lao động, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và được hưởng quyền lợi về chính trị.

Thứ ba, quan tâm tới công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong đội ngũ công nhân; các cấp công đoàn đã thường xuyên giới thiệu công nhân, lao động ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Công nhân lao động có cơ hội được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bảo đảm các chế độ và quyền lợi do Nhà nước quy định, chăm lo cả về vật chất và tinh thần.

Năm 2016, kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế lao động và phát động Tháng Công nhân diễn ra trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp và bước vào năm thứ 5 triển khai tổ chức Tháng Công nhân theo Thông báo Kết luận số 77-TB/TW ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đây cũng là dịp để đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn ôn lại truyền thống vẻ vang của mình cùng với việc góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, xây dựng niềm tự hào của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Thời gian tới, đặc biệt trong Tháng Công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để đoàn viên, người lao động - đội ngũ công nhân trong tỉnh được hưởng ngày "Tết lao động" thực sự có ý nghĩa. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho CNVCLĐ được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời, nâng cao đời sống, động viên tinh thần người lao động; tiếp tục không ngừng trí thức hóa đội ngũ công nhân, góp phần xây dựng GCCN lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của tỉnh, của đất nước, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Vương Văn Bằng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Các tin khác
Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Ban giám đốc Công ty Benchmark (xã Văn Phú), Công đoàn Viên chức tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh… tổ chức chương trình “Cảm ơn đoàn viên” với nhiều hoạt động thiết thực như: tôn vinh, khen thưởng, tặng quà, tư vấn sức khỏe…

Hưởng ứng Tháng công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Ban Tổ chức lễ tang và gia đình đồng chí Tiêu Đức Hội -nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn xin trân trọng cảm ơn:

Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 7 giờ ngày 3-5, các bệnh viện tại TP Long Khánh đã tiếp nhận cấp cứu 469 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng.

Ngày càng nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh quan tâm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp", "Nhà sạch, ngõ sạch", góp phần thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” được các cấp hội phụ nữ Yên Bái triển khai trong nhiều năm qua đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp của hội viên, phụ nữ và nhân dân. Phong trào không chỉ tạo một diện mạo mới cho nông thôn, nâng cao chất lượng không gian sống mà còn giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh tại gia đình cũng như cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục