Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần sự vào cuộc của người dân

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2016 | 9:58:33 AM

YBĐT -Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra thường ở các huyện vùng cao, vùng sâu và nơi tập trung đông người…

Nông dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái chăm sóc rau màu. (Ảnh: nhandan.com.vn)
Nông dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái chăm sóc rau màu. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Từ năm 2015 đến tháng 4/2016, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến phức tạp. Đến nay, đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 432 người mắc, 8 người tử vong. Riêng 4 tháng năm 2016, có 7 vụ, với 194 người mắc, 4 người tử vong. Qua đây, đã cảnh báo cấp thiết và cần có sự vào cuộc toàn diện hơn nữa của các cấp, các ngành và mọi người dân...

Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra thường ở các huyện vùng cao, vùng sâu và nơi tập trung đông người… Nguyên nhân, do nhận thức về ATVSTP của người dân chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống kinh tế còn khó khăn, nhận thức hạn chế.

Điển hình, cuối tháng 4/2015, ghi nhận một ổ dịch lỵ trực trùng tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải sau những bữa ăn tại một đám ma của người Mông với tổng số 112 ca mắc, xét nghiệm 4/5 mẫu phân dương tính với Shigella flexneri. Các ca bệnh hầu hết là ở thể nhẹ, không có trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong.

Vụ ngộ độc tại Công ty TNHH Daeseung Global, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình xảy ra tháng 6/2015, khi trên 450 công nhân ăn tối tại bếp ăn tập thể của Công ty. Hàng chục công nhân có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: buồn nôn, đau bụng, đau đầu và nhiều trường hợp nặng bị khó thở, ngất, nôn tại chỗ.

Nguyên nhân, do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong quả mướp đắng được chế biến trong bữa ăn. Gần đây, ngày 11/4/2016, đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu và xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

Nhìn nhận về các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra, đồng chí Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Qua theo dõi, tổng hợp, thống kê và điều tra, trong thời gian qua, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh gia tăng đột biến so với con số trung bình cùng kỳ các năm gần đây, tăng cao trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số mắc và số người bị tử vong. Lãnh đạo ngành y tế và các đơn vị chuyên môn nhận định, đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được đặc biệt quan tâm. Như vậy, căn nguyên của các vụ ngộ độc có thể đến từ nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến thực phẩm, sự thiếu hiểu biết của người dân đối với các loại thực phẩm tự nhiên có sẵn độc tố, sự thiếu hiểu biết của người dân trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm. Đó là các “mắt xích” mà ngành y tế, cùng các ngành liên quan cần tìm cách giải quyết để khống chế ngộ độc thực phẩm”.

Trước diễn biến phức tạp ngộ độc thực phẩm, để tăng cường biện pháp quản lý ATVSTP, đảm bảo hạn chế thấp nhất những vụ ngộ độc do thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà đã có Công điện tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Công điện yêu cầu ngành y tế phối hợp với Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân các trường hợp ngộ độc thực phẩm gây tử vong, báo cáo UBND tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương triển khai ngay đoàn thanh tra liên ngành theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh.

Trong đó, mở rộng đối tượng thanh tra, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, trường học có học sinh nội trú, bán trú; các địa phương có nguy cơ mất ATVSTP, xảy ra các vụ ngộ độc tập thể kết hợp với công tác hậu kiểm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Theo đó, ngành y tế đã, đang khẩn trương triển khai các biện pháp, hành động cụ thể để phân tích, đánh giá các mối nguy và nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc, để từ đó có các giải pháp khống chế và tiến tới có thể kiểm soát được các mối nguy và giảm thiểu các nguy cơ, khống chế các vụ ngộ độc thực phẩm.

Mặt khác, ngành kịp thời chỉ đạo trực tiếp các đơn vị y tế khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để cấp cứu và điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ ngộ độc. Đối với các trung tâm y tế tuyến huyện, tiếp tục nắm tình hình, phối hợp với các ban, ngành, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo, tăng cường tuyên truyền các kiến thức về ATVSTP cho cán bộ, nhân dân; các đơn vị y tế chủ động giám sát và sẵn sàng điều trị các trường hợp ngộ độc khi có tình huống xảy ra.

Trao đổi thêm về kinh nghiệm hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm, đồng chí Lê Thị Hồng Vân cho biết: “Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân được biết và tự biết cách lựa chọn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc. Kế đến, phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm liên quan đến các bữa ăn, đặc biệt là các bữa ăn có thực phẩm gồm các loại rau, loại cây được thu hái trong rừng như: nấm hoang, quả rừng, thịt cóc... cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu. Cùng với đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách, không sử dụng rượu ngâm không rõ nguồn gốc, các biện pháp tuyền truyền cần chú trọng đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, hình thức phù hợp ở vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức điều tra ngộ độc, cần được tiến hành kịp thời, đúng theo hướng dẫn, để khả năng tìm thấy căn nguyên cao nhất. Từ đó, có hành động phòng ngừa phù hợp, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trên các phương tiên thông tin đại chúng”.

7 vụ ngộ độc thực phẩm trong 4 tháng năm 2016

- Ngày 29/12/2015, gia đình ông Hà Văn Thủy ở thôn Bản Lụ 2, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn xảy ra ngộ độc thực phẩm có 45 người mắc.

- Ngày 24/1, gia đình ông Ngô Văn Thắng thôn 1, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, ngộ độc rượu có chứa độc tố Koumine (chất trong lá ngón) khiến 6 người mắc, 1 người tử vong.

- Ngày 10/2, gia đình ông Giàng A Thào, thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu xảy ra ngộ độc thực phẩm có 34 người mắc.

- Ngày 21/3, gia đình ông Đặng Văn Phú, thôn Tặng Chan, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tổ chức cỗ cưới khiến 93 người bị ngộ độc thực phẩm.

- Ngày 26/3, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại gia đình ông Giàng A Chua, thôn Nả Háng A, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải làm 8 người mắc.

- Ngày 10/4, 5 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phình Hồ ăn quả hồng trâu khiến 4 em bị ngộ độc, trong đó 1 em tử vong.

- Ngày 11/4, 4 người trong gia đình bà Hoàng Thị Thăng, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa, trong đó 2 người tử vong.  

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT – Tối 25/4, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái, Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế New vision tổ chức Gala chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng tiếng Anh “New vision’s got talent”.

Hội thảo diễn ra chiều 24/4 tại Yên Bái.

YBĐT - Chiều 24/4, Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty Cổ phần giáo dục Nhật Việt, Trường Nhật ngữ Manabi (Nhật Bản) tổ chức hội thảo: “Thách thức và cơ hội học tập, làm việc tại Nhật Bản”.

Lãnh đạo Hội Di sản văn hóa Việt Nam trao Quyết định thành lập Chi hội Di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái và thẻ hội viên cho các thành viên Chi hội.

YBĐT - Ngày 23/4, tại huyện Văn Chấn, Chi hội Di sản văn hóa võ Nhất Nam tỉnh Yên Bái - Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức công bố quyết định thành lập và trao thẻ hội viên.

Mường Nhé, Điện Biên. (ảnh minh họa).

Động đất xảy ra lúc 6 giờ 0 phút 55 giây ngày 23/4 với độ sâu chấn tiêu khoảng 15 km.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục