Hiệu quả các chính sách dân tộc ở Yên Bình
- Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2016 | 3:39:44 PM
YBĐT - 5 năm qua, với nỗ lực của cấp ủy các cấp và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Hiệu quả các chính sách dân tộc góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS, giảm đáng kể hộ nghèo.
Đường giao thông nông thôn vào xã Yên Bình được đầu tư khang trang.
|
Là địa bàn vùng thấp của tỉnh, chỉ cách thành phố Yên Bái chưa đầy 8 km nhưng Yên Bình là địa phương có địa hình phức tạp; tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 44%, với 5 dân tộc gồm: Tày, Dao, Cao Lan, Nùng và một số dân tộc khác như: Hoa, Mường, Mông, Thái, Giáy, chiếm tỷ lệ nhỏ 0,54%.
Với rất nhiều chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện trên địa bàn như: chính sách đối với người có uy tín thực hiện theo Quyết định số 18/2011 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách di dân thực hiện định canh, định cư xen ghép theo Quyết định số 33/2007; các chính sách vay vốn; cấp thẻ bảo hiểm y tế; cấp không báo chí; chính sách hỗ trợ giáo dục theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh Yên Bái, cùng các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình 135..., góp phần tích cực duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện; tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; trong đó, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm 17,2% so với năm 2010, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại - dịch vụ tăng mạnh.
Đặc biệt, kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước từ các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện được chú trọng phát triển với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo đó, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, chợ nông thôn, công trình nước sạch, mạng lưới thông tin, bưu điện được đầu tư xây dựng khang trang.
Chỉ riêng nguồn lực từ Chương trình 135, giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn huyện Yên Bình đã được đầu tư xây dựng 52 công trình với tổng kinh phí thực hiện gần 49 tỷ đồng; trong đó, có 6 công trình thủy lợi, 3 hội trường thôn, 1 công trình trường mầm non và 24 công trình giao thông; nâng cấp, sửa chữa trên 35 công trình cơ sở hạ tầng các loại.
Với nguồn lực được đầu tư trên 6,3 tỷ đồng thông qua Dự án hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135, đã có gần 1.100 hộ được hỗ trợ 218 máy móc thiết bị để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn nái cho 696 hộ; hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt hộ gia đình mua giống, phân bón, khay mạ để phát triển sản xuất; đồng thời, mở gần 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho trên 1.100 người dân nghèo và 32 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, thôn và cộng đồng cho gần 1.000 lượt cán bộ cơ sở...
Thông qua các chính sách dân tộc như: chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009, giai đoạn 2011 - 2015, huyện Yên Bình đã có gần 21 nghìn hộ, trên 83 nghìn nhân khẩu được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt với tổng kinh phí trên 7,2 tỷ đồng. Chính sách di dân thực hiện định canh, định cư xen ghép đã thực hiện được 2 điểm di dân xen ghép đối với 22 hộ, gần 100 nhân khẩu tại xã Xuân Long và Cảm Nhân.
Nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ phát triển chăn nuôi phát huy hiệu quả. (Ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn rừng tại xã Vũ Linh)
Thực hiện chính sách cho vay theo Quyết định số 32/2007 được 347 hộ, trên 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho trên 1.100 hộ gia đình người DTTS và hộ nghèo. Đến tháng 6/2015, huyện đã cấp được trên 203 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng DTTS; cấp trên 621 nghìn tờ báo trong tổng số 19 loại đầu báo cho đồng bào DTTS đúng địa chỉ, đúng định kỳ và số lượng. Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ cho trên 630 lượt học sinh, sinh viên người DTTS cư trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện số tiền trên 2,5 tỷ đồng...
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển. Nhiều khu dân cư tập trung đã hình thành, có chợ, trung tâm cụm xã, kích thích phát triển giao thương, giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội vùng. Trình độ dân trí của người dân từng bước nâng lên. Việc tiếp cận những kiến thức mới về tổ chức đời sống, phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, xây dựng bản làng nông thôn mới... đã giúp xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập THCS; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện.
Đến nay, huyện đã có 204/284 làng văn hóa. So với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2015 ước đạt 32 triệu đồng, tăng 16,7 triệu đồng; tỷ lệ tăng dân số còn 1%, giảm 0,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm 7,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt trên 4%...
Hiệu quả từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Yên Bình những năm qua thực sự là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, trước những khó khăn của địa phương, đó là: kết cấu hạ tầng của huyện còn yếu kém, giao thông chia cắt, việc đi lại khó khăn; xuất phát điểm nền kinh tế thấp, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, công nghiệp địa phương chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS còn cao, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc trong huyện có xu hướng gia tăng; hệ thống chính trị cơ sở có nơi còn yếu; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi còn hạn chế...; trong khi nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước tuy có tăng nhưng so với thực tế địa phương còn hạn chế, dàn trải nhiều nội dung, đặt ra thách thức lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới.
Bên cạnh mong muốn Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở, từ thực tế cho thấy, để các chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 thực sự phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương, huyện mong muốn Nhà nước cần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định số 102/2009, thay vì mức hỗ trợ 80.000 đồng/khẩu nghèo/năm đối với xã khu vực khó khăn và mức hỗ trợ 100.000 đồng/khẩu nghèo/năm, đối với xã ĐBKK như hiện nay là quá thấp. Đặc biệt, việc đầu tư cho các xã, thôn, bản ĐBKK và vùng đồng bào DTTS cần được Nhà nước đầu tư tập trung, cụ thể để tạo bước đột phá cho kinh tế địa phương và phát triển kinh tế vùng.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Huyện Yên Bình hiện có 10.167 hội viên người cao tuổi (NCT), tỷ lệ NCT vào hội đạt 96,87%. Mặc dù tuổi cao, song các cụ vẫn tham gia cấp ủy cơ sở, cán bộ chủ chốt các tổ chức đoàn thể, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Đảng, trưởng thôn...
YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 đang tới gần. Thời điểm này, học sinh các trường THPT huyện Lục Yên đang tích cực chuẩn bị để có được kết quả cao nhất.
YBĐT - Là địa phương có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 59%, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS.
Chuyến thăm của ông Jan Eliasson nhằm thảo luận với Chính phủ Việt Nam về nhiều vấn đề, bao gồm việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững, công tác chuẩn bị cho Hội nghị Nhân đạo thế giới và ứng phó với sự biến đổi khí hậu.