Yên Bái quyết liệt trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cập nhật: Thứ tư, 18/5/2016 | 9:50:38 AM
YBĐT - Các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế đã vào cuộc với chủ đề “Yên Bái quyết liệt trong công tác đảm bảo VSATTP”. Phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Yên Bái kiểm tra đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng tại các cơ sở kinh doanh rau.
|
Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng VSATTP ở Yên Bái như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: VSATTP hiện đang là vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tại tỉnh Yên Bái, trong 4 tháng đầu năm 2016, tình hình ngộ độc thực phẩm có những diễn biến phức tạp và đã xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 204 người mắc, 4 tử vong. Ngộ độc thực phẩm được chia ra làm 4 loại: ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật (tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn gây bệnh ngộ độc thịt…); ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc diệt mối, thuốc diệt chuột, focmol..); ngộ độc do bản thân thức ăn chứa các độc tố tự nhiên: nấm độc, gan cóc, quả có độc tố, lá cây rừng (lá ngón)…; ngộ độc do thức ăn bị biến chất sinh ra các chất độc (Histamin; Betamin, Metylamin…).
Phóng viên: Hiện nay, người tiêu dùng đang phải đối mặt với nạn thực phẩm bẩn, như: rau quả bị ngâm hóa chất, phun thuốc kích thích, thức ăn gia súc có chất cấm… Như vậy là vi phạm VSATTP và có bị xử lý hình sự?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Trước hết, tôi khẳng định là có vi phạm ATVSTP. Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 có hiệu lực từ 1/7/2016, những hành vi vi phạm về VSATTP sẽ bị xử lý hình sự quy định tại Điều 193 “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tùy theo mức độ có thể bị phạt tù từ 2 năm đến tù chung thân. Đặc biệt, Điều 317 tội “Vi phạm quy định về VSATTP”. Hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 1 năm đến 20 năm.
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế đối thoại trực tuyến với nhân dân.
Phóng viên: Nếu các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và xác định được nguyên nhân thì trách nhiệm của các bên sẽ thế nào? Những nạn nhân ngộ độc thực phẩm có được quyền lợi gì?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định.
Những nạn nhân ngộ độc thực phẩm được chi trả thuốc, vật tư y tế phục vụ việc cấp cứu, điều trị, bồi thường về ảnh hưởng sức khỏe, thời gian nằm điều trị, tổn thất về tinh thần… Những vấn đề trên, đã được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật hiện hành.
Phóng viên: Khẩu hiệu “Hãy là người tiêu dùng thông thái” nhưng làm thế nào để người tiêu dùng thực sự “thông thái”trong lựa chọn, chế biến thực phẩm?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/CĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện.
Qua các kênh thông tin đại chúng đã truyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nhận biết được các quy định về công tác VSATTP. Tuy nhiên, do nhận thức cũng như ý thức của người sản xuất chưa cao nên một số sản phẩm đưa ra thị trường vẫn chưa đảm bảo về VSATTP.
Để tránh tình trạng mua phải thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng, người tiêu dùng cần lưu ý: khi mua các sản phẩm thực phẩm, cần chọn các siêu thị, cửa hàng tự chọn, các điểm bán hàng đã đăng ký đảm bảo VSATTP; cần chú ý chọn các nhà cung cấp sản phẩm thực phẩm đảm bảo uy tín, chất lượng trên thị trường.
Phóng viên: Nếu nghi ngờ hàng hóa mua là kém chất lượng người dân có thể mang đến cơ quan nào để giám định chất lượng hàng hóa?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Trên địa bàn tỉnh, nếu nghi ngờ hàng hóa thực phẩm kém chất lượng người dân có thể phản ánh tới Chi cục ATVSTP, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Sở Công thương, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thuỷ sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng tại các labo xét nghiệm được Bộ Y tế chỉ định (tại tỉnh đơn vị xét nghiệm là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh).
Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra 5 chìa khoá để có thực phẩm an toàn và 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm.
Phóng viên: Thưa ông! Hiện nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc chấn chỉnh vấn đề VSATTP nhưng cũng dừng lại ở việc phạt hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe. Vậy, để người dân yên tâm với thực phẩm sạch, ngành y tế tập trung làm gì để giải quyết căn bản vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Tuyến: Để đảm bảo VSATTP, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó 3 ngành giữ vai trò chủ đạo: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong nhiều năm, công tác đảm bảo VSATTP đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong xử lý, khắc phục các sự cố về VSATTP.
Tuy nhiên, để triệt để hơn, trong thời gian tới cần thực hiện tốt Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 18/3/2016, cũng như Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 13/4/2016 của UBND tỉnh, trong đó có tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật; tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về VSATTP.
Thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong hoạt động quản lý chất lượng hàng hoá thực phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, lưu thông đến bữa ăn; duy trì thường xuyên hoạt động hậu kiểm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; nâng cao tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; hướng dẫn người tiêu dùng biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)
Các tin khác
Ngày 17/5, Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 2797/BYT-KCB yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bệnh viện trung ương; Y tế ngành chuẩn bị tốt công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa hè năm nay nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, các đợt nắng nóng sẽ không gay gắt bằng 2015.
YBĐT - 5 năm qua, các cấp hội khuyến học tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Khuyến học lần thứ II đề ra.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nhiều điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, giảm áp lực, gánh nặng cho xã hội, bảo đảm chất lượng nguồn tuyển cho các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).