Lục Yên nỗ lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
- Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2016 | 2:57:24 PM
YBĐT - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Lục Yên bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 và ngày càng tăng cao. Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2011 là 105,1 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2012 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2013 là 119,6 trẻ trai/100 trẻ gái và đến năm 2014 là 127,6 trẻ trai/trẻ gái, năm 2015 giảm được một ít, còn 126,1 trẻ trai/trẻ gái.
Một buổi hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện Lục Yên.
|
Như vậy, TSGTKS cao nhất là năm 2014 với tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn toàn huyện là 1.557 trẻ, trong đó: trẻ trai là 873 trẻ, gái là 684 trẻ, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái là 189 trẻ. Tính trung bình trong 5 năm (2011 - 2015) có 4.216 trẻ trai và 3.569 trẻ gái trong tổng số 7.785 trẻ được sinh ra; số trẻ trai nhiều hơn trẻ gái 647 trẻ, TSGTKS là 118,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trong khi đó, tỷ số cho phép là 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong giai đoạn này, có 546 trẻ là con thứ ba trở lên, trong đó có 386 trẻ trai và 160 trẻ gái, tức TSGTKS là 241,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Như vậy, vấn đề MCBGTKS là con thứ ba trở lên lại càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng MCBGTKS có chiều hướng tăng cao như vậy, từ năm 2011, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) huyện đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chi cục DS/KHHGĐ, Sở Y tế để tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động can thiệp giảm MCBGTKS, như: kế hoạch truyền thông về MCBGTKS, cung cấp các tài liệu của Tổng cục Dân số, Chi cục Dân số tỉnh cho các xã, thị trấn; xây dựng chương trình phối hợp truyền thông với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS/KHHGĐ; chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về hệ lụy của MCBGTKS, chú trọng đến phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, thị trấn và vận động trực tiếp…; xây dựng pa - nô, bảng tin tuyên truyền về MCBGTKS. Trong 2 năm 2013 - 2014, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện đã phối hợp với Phòng Y tế tổ chức được 16 hội thảo về MCBGTKS với thành phần tham dự là bí thư, chủ tịch UBND, trưởng các ban, ngành, đoàn thể của xã, thị trấn.
Qua các hội thảo, ngành dân số huyện vừa làm truyền thông vừa nắm bắt tình hình giới tính ở cơ sở, nhất là nắm được nguyên nhân chính dẫn đến MCBGTKS ở cơ sở và thống nhất giải pháp can thiệp, từ đó tạo được sự đồng thuận tham gia của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương. Cũng qua các hội thảo ở các xã cho thấy, các đại biểu đã rất thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến MCBGTKS, theo đó có nguyên nhân là lựa chọn giới tính qua siêu âm thai nhi.
Do đó, ngày 10/12/2015, nhân Tháng hành động Quốc gia về dân số, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện đã tham mưu với UBND huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, ký cam kết không cung cấp, tiết lộ thông tin về giới tính thai nhi, trong đó có sự tham gia của 7 cơ sở siêu âm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ngoài công lập trên địa bàn huyện.
Hội nghị nhằm hạn chế các hành vi can thiệp tới quy luật sinh sản tự nhiên, có chủ đích lựa chọn giới tính thai nhi để góp phần khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS trên địa bàn. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về các vấn đề liên quan đến công tác DS/KHHGĐ, nhất là vấn đề MCBGTKS.
Theo đại diện các cơ sở siêu âm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ ngoài công lập trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, các đối tượng đến khám, chữa bệnh về SKSS, KHHGĐ tại các cơ sở này cũng tương đối đông, đã được khám, tuyên truyền, vận động và cung cấp những kiến thức, thông tin, kỹ năng cần thiết về SKSS, tuy nhiên, nhận thức của một số người về sinh con thứ ba và giới tính còn hạn chế… Cũng tại hội nghị, đại diện 7 cơ sở này đã ký cam kết không tiết lộ và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, hội thảo, hội nghị, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện cũng tiếp tục thực hiện mô hình "Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS” tại 16 xã, thị trấn. Năm 2015, đã thực hiện 58 buổi nói chuyện chuyên đề với 930 lượt người tham gia, tuyên truyền lồng ghép 75 buổi với 1.230 người tham gia, thực hiện 150 buổi truyền thông nhóm với 1.450 người tham gia, tư vấn tại gia đình cho 790 hộ, tuyên tuyền 170 lượt trên sóng phát thanh huyện, xã về các vấn đề liên quan tới MCBGTKS. Qua đó, TSGTKS tại các xã tổ chức mô hình năm 2015 là 121,1 trẻ trai/100 trẻ gái - thấp hơn so với tỷ số chung của toàn huyện trong năm này.
Với những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực đội ngũ những người làm công tác DS/KHHGĐ nói riêng cũng như của các cấp, các ngành liên quan nói chung, Lục Yên đã và đang nỗ lực đưa TSGTKS về mức cân bằng theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn 1 năm hoạt động, Nhóm Tự lực ở phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ đã trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều nạn nhân bị buôn bán người trở về và bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn thị xã.
Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bàn thảo để tiếp tục tăng viện phí từ ngày 1/8, tức là thêm một tháng so với lộ trình trước đây là tăng từ ngày 1/7 và cũng khác với lộ trình trước là không tăng trên diện rộng.
Sẽ có gần 5.500 công chức, cán bộ của 1 Bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố trong diện tinh giản biên chế đợt 1 năm 2016.
Năm nay số thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ xấp xỉ 900.000, trong đó một phần ba không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhiều tỉnh như Quảng Ninh già nửa học sinh lớp 12 chỉ thi để xét tốt nghiệp.