Thị xã Nghĩa Lộ nỗ lực giảm thiểu đuối nước ở trẻ em
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2016 | 9:54:28 AM
YBĐT- Tai nạn đuối nước ở trẻ em là một trong những tai nạn nghiêm trọng, gây tử vong cao đang ngày càng diễn ra khá phức tạp trong mùa hè không chỉ ở các tỉnh vùng sông nước, mà còn cả các địa phương miền núi.
Bể bơi của thầy giáo Phạm Việt Cường tại tổ dân phố 1, phường Tân An.
|
Với thị xã Nghĩa Lộ, trong 2 năm gần đây cũng đã có 3 trường hợp trẻ đuối nước bị tử vong. Bởi vậy, các cấp chính quyền thị xã đã vào cuộc với nhiều giải pháp thiết thực, nhằm hạn chế các trường hợp trẻ đuối nước thương tâm.
“Có nỗi đau nào bằng khi mất đi đứa con của mình. Và lương tâm tôi lúc nào cũng cắn rứt vì sự sơ suất, chủ quan của mình mà con gặp nạn”- đó là nỗi ân hận của anh Hà Văn Vinh, thôn Nà Làng, xã Nghĩa Lợi khi đứa con là Hà Quốc Toản mới 4 tuổi đã bị tử vong do rơi xuống ao. Anh Vinh cũng bày tỏ: “Tôi khuyên những người làm cha làm mẹ, hãy cần phải theo sát con cái mình. Đừng mải kiếm tiền mà bẵng đi sự quan tâm đến con cái, để giờ đây phải chịu khổ như gia đình chúng tôi”.
Nỗi đau còn đó, bài học cũng còn đó, nhưng nhu cầu bơi lội, tắm mát của trẻ em ngày hè cũng là chính đáng. Tại đập bản Nỏng, tổ 17, phường Pú Trạng - nơi đã xảy ra những cái chết thương tâm vì đuối nước của một vài cháu nhỏ, cứ mỗi buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ luôn có hàng trăm lượt trẻ em, người lớn đến đây tắm suối, bất chấp các cảnh báo được đưa ra. Đập có độ sâu trung bình 1 m, nước mát và khá sạch.
Cháu Hà Thị Mai, phường Tân An cho biết: “Cháu rất thích bơi ở đây. Ngày nào cháu cũng đến đây một mình vì cháu biết bơi nên không sợ chết đuối”. Như vậy cho thấy, vẫn còn những cháu bé rất chủ quan và cha mẹ thì vẫn buông lỏng quản lý.
Khi hỏi những một phụ huynh đưa con đến tắm ở con đập này và được chia sẻ: “Những ngày nóng nực như thế này, chúng tôi buộc phải cho con em mình đến đập nước này để tắm. Bởi vì, thị xã hiện vẫn chưa có bể bơi cho thiếu nhi” - chị Nguyễn Thị Yến, phường Trung Tâm cho hay. Đối với người dân sống gần khu vực đập bản Nỏng, việc từng chứng kiến những vụ trẻ đuối nước không phải là hiếm.
Bác Lò Văn Ngoan, phường Pú Trạng chia sẻ: “Các cháu đến đây tắm thường vào buổi trưa là lúc vắng người. Lúc bị nạn thì thường các cháu tự cứu nhau chứ cũng không hô hào người dân đến cứu, nên khi người lớn phát hiện ra thì đã muộn rồi, không cứu được”.
Được biết, khu vực đập bản Nỏng đã có biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm ở khu vực nước sâu, tuy nhiên người dân ở đây từ xưa đến nay vẫn có truyền thống rủ nhau tắm suối, cả người lớn và trẻ nhỏ.
Ông Cao Chu Huân - Phó chủ tịch UBND phường Pú Trạng cho biết: “Cấp ủy, chính quyền phường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên tăng cường tuyên truyền cảnh báo phòng chống đuối nước trong các buổi sinh hoạt hè tại các tổ dân phố, thôn, bản. Các tổ chức đoàn thể khác cũng đã vào cuộc với các hoạt động truyền thông đến tận gia đình và các em nhỏ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, các em thường trốn nhà đi tắm và bản thân trẻ lại không có đầy đủ kỹ năng bơi lội, cộng thêm không có sự quản lý chặt chẽ của gia đình”.
Trước thực trạng đó, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để phòng chống đuối nước cho trẻ em. Đặc biệt, trong “Tháng cao điểm hành động Vì trẻ em”, trên địa bàn thị xã đã tổ chức triển khai hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực giúp trẻ vui chơi an toàn tại cộng đồng như: tăng cường mở các lớp dạy đàn, hát, khiêu vũ cho học sinh; Đoàn Thanh niên tổ chức bàn giao và nhận trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; Hội Phụ nữ thị xã tăng cường vận động hội viên đẩy mạnh Phong trào “ Nuôi con khỏe – dạy con ngoan”...
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Thị xã đã có quy hoạch cụ thể khu vui chơi cho trẻ em, nhất là các bể bơi nhân tạo được bố trí xây dựng hợp lý. Hiện nay, các dự án này đang trong giai đoạn thi công và sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất để cho các cháu có chỗ vui chơi, tránh tình trạng trẻ tự do bơi lội ngoài suối dễ xảy ra đuối nước. Thị xã Nghĩa Lộ cũng đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng bể bơi và dạy bơi cho trẻ em”.
Nhận thấy nhu cầu học bơi của trẻ em trên địa bàn thị xã là rất lớn nên thầy giáo Phạm Việt Cường - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Phú, thị xã Nghĩa Lộ đã đầu tư bể bơi nhân tạo và mở lớp dạy bơi cho trẻ em tại tổ dân phố 1, phường Tân An và thu hút khá đông trẻ em đến học bơi.
Thầy Cường cho biết: “Tôi đã viết đơn xin cấp có thẩm quyền cấp phép mở lớp dạy bơi. Bể bơi của tôi là bể bơi lắp ghép, sử dụng nước máy sạch qua hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín, đảm bảo an toàn, có máy che, có nhân viên cứu hộ. Trẻ đến học bơi phải tuân thủ các quy định của giáo viên. Đồng thời, chúng tôi còn dạy trẻ cách cứu người đuối nước khi gặp nạn”.
Tuy nhiên, để giảm thiểu thấp nhất tình trạng trẻ đuối nước trên địa bàn thị xã, thời gian tới vẫn rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ thị xã đến cơ sở. Đồng thời, điều cốt lõi vẫn là ở mỗi gia đình, những người làm cha làm mẹ cần nâng cao ý thức quản lý con cái, giáo dục con em mình tự nhận thức được mối nguy hiểm của việc tắm suối hay những nơi nước sâu; trang bị đầy đủ các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng bơi lội để giúp các em tự biết bảo vệ mình, giảm thiểu tối đa các vụ đuối nước, góp phần bảo vệ, chăm lo cuộc sống cho trẻ em trên địa bàn.
Nguyễn Thư (Đài TT – TH Thị xã Nghĩa Lộ)
Các tin khác
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối Các cơ quan tỉnh vừa sơ kết hoạt động công tác Hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
YBĐT - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, huyện Lục Yên có 1.160 thí sinh tham dự thi tại 3 điểm thi tại các trường: THPT Hoàng Văn Thụ, Trường THPT Mai Sơn, THPT Hồng Quang.
YBĐT - Hiện nay, huyện Trấn Yên có 79 bà mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, trong đó 5 Bà mẹ còn sống.
YBĐT - Thành phố Yên Bái vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 38 của Chính phủ về bảo vệ dân phố.