Yên Bái: Chiến dịch truyền thông tại 72 xã đặc biệt khó khăn đạt mục tiêu đề ra
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2016 | 1:51:03 PM
YBĐT - Kết quả chiến dịch tại Yên Bái đạt 100% kế hoạch giao, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao như: thuốc tiêm tránh thai đạt 1.436/1.200 người, bằng 119%; thuốc uống tránh thai đạt 5.341/5.252 người, bằng 101%.
Trong Chiến dịch tại các xã vùng Đông Hồ, huyện Yên Bình có rất nhiều chị em đăng ký khám và được tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ.
|
Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), kế hoạch hóa gia đình hàng năm được đánh giá là giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực trong công tác duy trì, giảm mức sinh tự nhiên theo quy định và nâng cao ý thức của người dân về sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
Tính đến tháng 7/2016, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 72 xã đặc biệt khó khăn. Công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chiến dịch được ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, có sự thống nhất cao từ tỉnh tới huyện, xã và thực hiện giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, không sinh con thứ 3, giảm hôn nhân cận huyết thống, góp phần cải thiện chất lượng dân số trên địa bàn toàn tỉnh, thực hiện hoàn thành mục tiêu dân số/KHHGĐ giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Lương Kim Đức - Giám đốc Chi cục Dân số cho biết: “Mặc dù chưa có nguồn kinh phí từ trung ương cấp cho chương trình dân số/KHHGĐ năm 2016, nhưng bằng nguồn lực của địa phương thuộc Đề án “Một số chính sách hỗ trợ dân số/KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”, ngành Y tế đã triển khai thành công Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ tại 72 xã đặc biệt khó khăn".
Các đơn vị y tế các huyện, thị xã phối hợp làm tốt công tác tham mưu giúp chính quyền các địa phương có kế hoạch tổ chức triển khai Chiến dịch; phân công các thành viên ban chỉ đạo công tác dân số kiểm tra, giám sát Chiến dịch; chỉ đạo trạm y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị địa điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; rà soát lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là các cặp vợ chồng đã có 2 con trở lên chưa áp dụng biện pháp tránh thai để có kế hoạch tuyên truyền, vận động; tổ chức kiểm tra, giám sát 100% số xã tổ chức Chiến dịch”.
Công tác truyền thông trong Chiến dịch được thực hiện bằng nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, truyền thanh, mít tinh cổ động, tuyên truyền tại các buổi họp thôn, bản; tuyên truyền tư vấn tại gia đình, cấp phát tờ rơi, sách nhỏ, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, chiếu video.
Kết quả chiến dịch đạt 100% kế hoạch giao, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao như: thuốc tiêm tránh thai đạt 1.436/1.200 người, bằng 119%; thuốc uống tránh thai đạt 5.341/5.252 người, bằng 101%. Do làm tốt công tác tổ chức, tuyên truyền vận động, nhiều huyện, thị xã đạt và vượt các chỉ tiêu khó như huyện Văn Chấn vượt chỉ tiêu triệt sản 30/26 ca.
Các huyện thực hiện vượt chỉ tiêu tiêm thuốc tránh thai gồm: Trạm Tấu 447/270 người, Mù Cang Chải 240/180 người, Lục Yên 165/90 người. Kết quả đặt dụng cụ tử cung cũng đã có nhiều địa phương thực hiện vượt như thị xã Nghĩa Lộ 62/60 người; huyện Lục Yên 615/450; huyện Trạm Tấu 490/480; huyện Văn Chấn 552/540. Ngoài ra, một số địa phương thực hiện vượt chỉ tiêu về thuốc uống tránh thai và số người mới sử dụng bao cao su như huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên...
Từ sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp tốt giữa các địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong công tác dân số/KHHGĐ, Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS tại 72 xã đặc biệt khó khăn năm 2016 đã hoàn thành theo đúng kế hoạch, đạt kết quả tốt.
Công tác hậu cần cung cấp thuốc, vật tư y tế đảm bảo từ nguồn kinh phí của đề án về công tác dân số/KHHGĐ đến việc cung cấp tài liệu tuyên truyền... cho các huyện, thị xã tổ chức Chiến dịch đã đảm bảo đúng kế hoạch của Sở Y tế.
Các xã tổ chức Chiến dịch đã làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến dịch như: tổ chức khảo sát, họp ban điều hành, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực; tổ chức tuyên truyền trước, trong Chiến dịch, phát động điểm, tuyên truyền cổ động, treo băng zôn, khẩu hiệu tại địa bàn Chiến dịch.
Tuy nhiên, trong Chiến dịch vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí huy động tại cấp huyện, xã còn hạn hẹp; một số cán bộ dân số xã, nhân viên y tế thôn, bản chưa được tập huấn nghiệp vụ, nhận thức của người dân về KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Thời điểm thực hiện Chiến dịch trùng với kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và vụ mùa... phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả Chiến dịch.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng Chương trình “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 680 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ. Trong đó có 166 mô hình trang trại trẻ, tạo việc làm cho hàng nghìn thanh niên địa phương có việc làm ổn định và trên 1.200 thanh niên lao động thời vụ.
Trong công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiều tối 18/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận việc áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão số 3. Trước nguy cơ bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh, thành miền Bắc, chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Trung tâm khí tượng, thủy văn Quốc gia.
YBĐT - Sau khi sáp nhập, sắp xếp lại, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú ( PTDTBT) TH&THCS Hồ Bốn tăng 3 lớp học. Năm học 2016 - 2017, nhà trường có tổng số 12 lớp học, trong đó có 4 lớp khối THCS, còn lại là khối tiểu học.