Yên Bái tập trung phòng, chống dịch bệnh sau lũ
- Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2016 | 8:34:24 AM
YBĐT - Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây, mưa lớn trên diện rộng và kéo dài, gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao do thiếu nước sạch và môi trường bị ô nhiễm. Ngay sau nước rút, ngành y tế Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo các trung tâm y tế vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Xe đặc chủng của y tế đang phun khử trùng môi trường tại khu vực đường bờ kè sông Hồng, thành phố Yên Bái.
|
Thời điểm này, ngành y tế tỉnh đã huy động lực lượng, tích cực tham gia công tác cứu nạn, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, hỗ trợ người dân dọn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tình trạng ngập lụt kéo dài khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn, bùn đất tồn đọng, rác thải và xác động vật chết chưa được xử lý đúng cách… gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Do đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị y tế tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lụt. Các đơn vị cấp cứu tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu. Đặc biệt, Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tập trung cao độ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ”.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hoá chất, phương tiện phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút; tổ chức giám sát, hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh đều đang thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó.
Thành phố Yên Bái là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Yên Bái ngập sâu trong nước. Trên các tuyến phố như: Hoàng Hoa Thám, Thanh Niên… nước ngập sâu 20 - 50 cm, nhiều gia đình đã sơ tán, di chuyển tài sản, vật dụng đến nơi an toàn. Theo thống kê, diện tích môi trường bị ô nhiễm 84.356 mét vuông ở 16 xã, phường trên địa bàn thành phố; trong đó, phần lớn các hộ gia đình đều sử dụng nguồn nước giếng…
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Với diện tích bị ngập úng rộng như vậy, ngay khi nước rút, Trung tâm triển khai việc thau rửa, khử trùng giếng nước, xử lý nhà tiêu bị ngập, hỏng; tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết tại các khu vực bị ngập úng. Phun thanh khiết môi trường tại khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh sau ngập úng như: chợ, trường học, khu dân cư... Hướng dẫn người dân biết cách bảo vệ nguồn nước, xử lý nguồn nước ăn uống, nước sinh hoạt và xử lý vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, biết cách khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt bằng hóa chất Cloramine B.
Giám sát chặt chẽ các dịch bệnh thường xảy ra trong và sau bão lụt, chú ý các bệnh ngoài da, các bệnh lây theo đường tiêu hóa nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để không để lây lan ra diện rộng và tử vong vì dịch bệnh do hậu quả của bão lụt. Đến thời điểm này, đã xử lý tất cả những khu vực ngập úng, phun thanh khiết môi trường, sử dụng 0,25 g Cloramin B dạng viên; 150 kg Cloramin 0,25 g dạng bột.
Huyện Trạm Tấu cũng là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoàn lưu cơn bão số 3. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn(PCTT- TKCN) huyện Trạm Tấu, mưa lớn, sạt lở đất đã gây ách tắc cục bộ tỉnh lộ 174 (Trạm Tấu đi Nghĩa Lộ), giao thông liên thôn tại các xã: Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau… bị ách tắc.
Để khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ, ông Trịnh Văn Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Ngay khi nước rút, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì vậy, Trung tâm đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ mọi dịch bệnh có thể bùng phát.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã ban hành công văn hướng dẫn, họp giao ban các trạm y tế để triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp phụ trách, quản lý từng địa bàn xã, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, cung ứng hóa chất theo quy định về tận xã, thôn để phát tận tay người dân. Đặc biệt, sau mỗi trận lũ lụt, Trung tâm sẽ chỉ đạo các trạm y tế nhanh chóng tuyên truyền cho nhân dân kịp thời xử lý những nguy cơ gây dịch, các biện pháp phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường.
Cùng với thành phố Yên Bái và huyện Trạm Tấu, các địa phương khác trong tỉnh đang huy động mọi lực lượng tham gia khắc phục hậu quả sau lũ, đặc biệt là vệ sinh môi trường, khống chế dịch bệnh để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, yên tâm tập trung phát triển sản xuất.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải có 50 hội viên sinh hoạt tại 6 chi hội thuộc 6 thôn trong xã. Phát huy truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2016-2021 sẽ tinh giản trên 4.220 chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm sự cồng kềnh về bộ máy, giảm gánh nặng chi cho ngân sách Nhà nước và hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Tôi vốn là một đứa ghét Văn chẳng vì lí do gì cụ thể nhưng có lẽ vì mỗi lần học Văn tôi lại thấy buồn ngủ. Nhưng có một người đã làm thay đổi suy nghĩ đó của tô,i đó là cô giáo dạy Văn.
YBĐT - Đoàn xã Tà Xi Láng có trên 300 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), sinh hoạt ở 6 chi đoàn và hầu hết là đồng bào Mông.