Yên Bái: “Cú huých” nâng cao chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2016 | 8:10:10 AM
YBĐT - Theo Đề án, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ giảm 151 trường (trong đó, giảm 38 trường mầm non, 120 trường tiểu học, 95 trường THCS; tăng 6 trường mầm non và tiểu học, 65 trường tiểu học & THCS, 31 trường mầm non và tiểu học & THCS), giảm 604 điểm trường (mầm non 282 điểm, tiểu học 318 điểm, THCS 4 điểm), giảm 113 lớp, tăng 19.503 học sinh; tăng 12.990 học sinh bán trú.
Thực hiện Đề án sẽ xóa toàn bộ điểm lẻ bậc THCS và xóa cơ bản các điểm trường lẻ bậc tiểu học. Ảnh MQ
|
Sau bao chờ đợi, vậy là kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020.
Việc HĐND tỉnh thông qua Đề án có thể coi là một “cú huých” trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nói chung và giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông nói riêng.
Thực tế cho thấy, những năm qua, dưới sự lãnh chỉ đạo của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục và sự ủng hộ của nhân dân, lĩnh vực GD&ĐT đã gặt hái những kết quả đáng phấn khởi. Chất lượng giáo dục nâng lên, mạng lưới, quy mô trường, lớp học tiếp tục củng cố và hoàn thiện.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao được quan tâm, hệ thống trường nội trú, bán trú tiếp tục mở rộng.
Trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đứng thứ 2 trong toàn quốc, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nằm trong tốp các trường chuyên có chất lượng cao. 5 năm qua, giải học sinh giỏi tăng trên 400 giải, đặc biệt có 1 học sinh của Yên Bái đạt giải tại Kỳ thi Olympic Vật lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 5 học sinh thi đỗ thủ khoa vào các trường đại học hàng đầu quốc gia; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt trên 35%; ngày càng nhiều nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy giỏi toàn quốc. Cơ sở vật chất trường, lớp học không ngừng được đầu tư; những khó khăn, bất cập về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được giải quyết căn bản...
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực GD&ĐT vẫn còn không ít những bất cập, ngành GD&ĐT của tỉnh vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện. Trong đó, mạng lưới trường lớp các cấp học còn có sự bất cập, đội ngũ còn bất hợp lý; chất lượng giáo dục của các loại hình, giữa các vùng, địa phương trong tỉnh còn có sự chênh lệch khá rõ rệt; điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện hạn chế, nhất là đối với các điểm trường lẻ…
Thực hiện các mục tiêu đến năm 2020, Yên Bái có một mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước dành cho ngành GD&ĐT để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; là căn cứ để rà soát, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ từng bước nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, việc HĐND tỉnh vừa thông qua Đề án là thực sự cần thiết. Bởi việc sáp nhập sẽ giảm tối đa các điểm lẻ có số học sinh không đủ một nhóm, lớp; xóa toàn bộ điểm lẻ bậc THCS và xóa cơ bản các điểm trường lẻ bậc tiểu học.
Qua đó, việc học tập trung giúp cho việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực hiệu quả, quyền lợi của học sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng cao sẽ tăng lên khi được vào diện học sinh bán trú.
Song song với việc sáp nhập, tách trường để tập trung đầu tư cơ sở vật chất tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, Đề án là cơ sở để rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo hướng nâng cao chất lượng và tinh giản biên chế.
Là chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự quyết tâm của ngành GD&ĐT và sự ủng hộ của nhân dân, chắc chắn Đề án sẽ thành công. Như vậy, ngành GD&ĐT Yên Bái sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, có mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước dành cho ngành GD&ĐT.
Qua đó, chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ nâng lên, từ đó cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng Yên Bái phát triển thành tỉnh khá trong vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Bộ Y tế đã có công văn gửi lãnh đạo các tỉnh, thành đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 5/9, thực hiện chương trình nhân ái “Cùng em đi học”, Chi nhánh Tôn Hoa Sen Yên Bái - Tập đoàn Hoa Sen đã tặng 160 suất quà cho học sinh hiếu học tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Năm học 2015 - 2016, được sự quan tâm của tỉnh, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân và sự nỗ lực của toàn ngành lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của huyện Văn Yên tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả, chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT trong năm học mới này.
YBĐT - Với trên 14 ngàn đoàn viên, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội được đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành nhiệt tình hưởng ứng. Nổi bật là phong trào thi đua “Hai tốt”.