Phụ nữ Văn Chấn khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 7/9/2016 | 8:34:21 AM
YBĐT - Với 33.588 hội viên, hiện nay phụ nữ chiếm trên 52% lực lượng lao động của huyện Văn Chấn. Phát huy tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, phụ nữ huyện Văn Chấn đã không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, nghiệp vụ, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên từng lĩnh vực, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống xã hội.
Hội viên phụ nữ trong huyện luôn tích cực học tập nâng cao trình độ.
Trong ảnh: Chị em tham gia lớp trung cấp địa chính mở tại huyện.
|
Vươn lên từ những mô hình kinh tế mới
Chỉ với 20 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và chút vốn tích góp, sau gần 5 năm tập trung vào mô hình kinh tế VAC chị Nguyễn Thị Đông - hội viên Chi hội Phụ nữ Ba Khe 3 - xã Cát Thịnh đã trở thành tấm gương vươn lên làm kinh tế giỏi của người dân trong thôn, trong xã. Với việc quy hoạch, xây dựng chuồng trại hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi hiện tại gia đình chị Đông đang nuôi 10 con lợn nái, mỗi năm cho từ 2 - 2,5 lứa lợn giống, mỗi lứa từ 10 - 12 con.
Chị Đông phấn khởi chia sẻ: “Với giá bán trung bình từ 1 - 1,2 triệu đồng/ con lợn giống, sau khi trừ chi phí, mỗi con lợn nái đã mang lại cho gia đình tôi trên dưới 10 triệu đồng, trung bình đạt 100 triệu đồng/ năm. Đây chính là nguồn vốn để gia đình tiếp tục đầu tư quay vòng, mở rộng hơn nữa mô hình chăn nuôi”.
Cùng với nuôi lợn nái, năm nào gia đình chị cũng duy trì nuôi vài trăm con ngan Pháp, vịt và gà thịt. Cùng với đó là đầu tư 26 m2 chuồng trại để nuôi giun quế vừa làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, vừa kết hợp bán giun giống cho các hộ dân có nhu cầu. Nguồn thu nhập này một năm cũng thu từ 90 đến 120 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, chị còn phát triển hơn 2 ha rừng quế, bồ đề và mới trồng thêm 50 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn, hứa hẹn cho thu nhập vài trăm triệu đồng một năm trong tương lai.
Còn đối với chị Hà Thị Vịnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, tuy không phải là người con gái Mông của bản, nhưng chị đã có 11 năm làm dâu, tham gia tích cực các phong trào tại địa phương. Coi chị như con em của bản mình, họ đã tin tưởng bầu chị làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của thôn. Ngoài việc cùng với gia đình tích cực chăm sóc diện tích lúa nước, trồng ngô, trồng sắn, chị Vịnh còn nuôi thêm 1 con bò và 1 con trâu sinh sản, vận động chị em xây dựng nếp sống văn hóa mới, tích cực trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi cuộc sống gia đình.
Chị Vịnh cho biết: “Tôi đang thử nghiệm mô hình chăn nuôi đại gia súc để giới thiệu, hướng dẫn hội viên trong chi hội làm theo, bởi Suối Bu có diện tích nương đồi khá rộng, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Chỉ cần khai thác thế mạnh này, cùng sự chăm chỉ, chịu khó của người phụ nữ Mông, sẽ là cơ hội để các gia đình hội viên thoát nghèo”.
Chị Đông, chị Vịnh chỉ là hai trong số rất nhiều hội viên phụ nữ của huyện đã vượt khó vươn lên để có được thành công trong lao động sản xuất, trong công tác và học tập.
Mỗi hội viên là một nhân tố tích cực
Chiếm hơn 52% lực lượng lao động trong toàn huyện, mỗi hội viên phụ nữ của huyện đã tích cực tham gia lao động sản xuất, hưởng ứng các phong trào, chương trình do Hội phát động. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hội viên trong toàn huyện đã tích cực xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Phong trào “Phụ nữ Văn Chấn chung sức XDNTM”.
Phong trào này đã góp phần giúp các địa phương phấn đấu hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường - một trong 4 tiêu chí khó của cơ sở. Hội viên phụ nữ đã vận động nhân dân cùng đào 1.200 hố rác tại hộ gia đình, thường xuyên dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh hợp lý, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp.
Chị Giàng Thị Nhà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Giàng cho biết: “Chúng tôi vận động hội viên chủ động dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, cũng như vận động người thân trong gia đình và mọi người xung quanh có ý thức không xả rác bừa bãi tại gia đình và khu vực trồng trọt, chăn nuôi. Bởi nếu thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ làm cho Suối Giàng sạch đẹp hơn, thu hút nhiều người đến tham quan hơn nữa”.
Tích cực đóng góp công sức, hiến đất, làm đường, tham gia XDNTM, mỗi hội viên phụ nữ ở Văn Chấn đã trở thành một nhân tố tích cực, tạo sức lan tỏa thay đổi diện mạo quê hương. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, Hội đã vận động 113 gia đình hội viên phụ nữ hiến 9.035 m2 đất, hơn 9.800 ngày công lao động, duy trì 46 biển “Đoạn đường phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường”, góp phần vào hoàn thành 19 tiêu chí trong XDNTM.
Kinh nghiệm triển khai các chương trình
Nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào phụ nữ huyện Văn Chấn phải đối mặt với những khó khăn thách thức: địa bàn rộng, đông dân cư; kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội ở cơ sở thiếu đồng bộ; một bộ phận phụ nữ hạn chế về trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; sự chuyển biến trong vấn đề bình đẳng giới còn chậm... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe, việc làm, thu nhập của hội viên phụ nữ và hoạt động phong trào phụ nữ.
Để nâng cao hiệu quả các phong trào, Hội Phụ nữ huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, vận dụng linh hoạt nghị quyết đại hội hội phụ nữ các cấp vào điều kiện cụ thể của địa phương. Thống nhất ban hành các chương trình, vận dụng công tác vận động hội viên tham gia hoạt động hội phù hợp với từng vùng, với tâm lý, nhận thức ở từng điều kiện khác nhau. Hội viên phát huy vai trò, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo bà Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện đó chính là kinh nghiệm cốt lõi trong tổ chức hoạt động của hội từ huyện đến cơ sở để tổ chức, vận động các phong trào đạt hiệu quả.
Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên luôn được các cấp hội quan tâm. Chị em đã tích cực rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc làm theo đã được cụ thể hóa theo từng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. như các Phong trào “Phụ nữ chung sức XDNTM”, “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”, “Hũ gạo tiết kiệm, ống bương tiết kiệm”...
Chị em trực tiếp tham gia lao động sản xuất, tích cực học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy các tiềm năng thế mạnh của địa phương, tích cực trồng chè chất lượng cao, trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi, dịch vụ hàng hóa.
Nhờ đó, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 80,3%, 100% cơ sở hội xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt. Hàng năm có 90% cơ sở hội hoàn thành tốt và xuất sắc, không có đơn vị yếu kém. Các cấp hội đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất trong công tác bồi dưỡng, kết nạp hội viên ưu tú vào Đảng, quan tâm, tạo điều kiện phát triển cán bộ nữ.
Qua 5 năm bình xét, có trên 85% nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; 152 tập thể, 103 cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND và các cấp Hội biểu dương, khen thưởng; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn đã được nhận 1 bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.
Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua chính là tiền đề, động lực, để phong trào phụ nữ của huyện tiếp tục đạt nhiều thành tích trong nhiệm kỳ mới. Bám sát các phong trào, nhiệm vụ trọng tâm do Trung ương Hội phát động, các cấp hội trong toàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát huy sức sáng tạo của phụ nữ, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiến tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay; góp phần xây dựng Đảng bộ huyện vững mạnh toàn diện.
Bà Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện:
Bà Nguyễn Thị Biển - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cát Thịnh:
Chị Vàng Thị Khánh - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Ba Cầu, xã Suối Bu:
|
Thanh Huyền - Nguyễn Nghĩa (Đài TT - TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - mỗi năm, Trạm Khuyến nông huyện mở trên 500 lớp tập huấn cho khoảng 23 nghìn lượt người tham gia.
YBĐT - Hiện toàn tỉnh có tổng số 3.733 cán bộ, công chức cấp xã (thời điểm 31/12/2015); trong đó, cán bộ 1.850 người, công chức 1.883 người.
YBĐT - UBND huyện Trấn Yên vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (DBĐV) (1996 - 2016).
Nhằm thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.