Tự tin, kỷ cương, chất lượng trong năm học mới ở Văn Yên
- Cập nhật: Thứ năm, 8/9/2016 | 2:06:45 PM
YBĐT- Những ngày đầu tháng 9, trên khắp địa bàn huyện Văn Yên, đâu đâu cũng rộn rã không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm học mới. Cùng với học sinh cả nước, trên 30 nghìn học sinh của huyện đã bước vào những ngày học đầu tiên của năm học mới 2016 - 2017.
Niềm vui đến trường của các em học sinh Trường PTDTBT THCS Phong Dụ Thượng.
|
Tại xã vùng cao Phong Dụ Thượng, địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện với 95% đồng bào dân tộc thiểu số, công việc đầu tiên trước ngày khai giảng, khi học trò “hạ sơn” cắp sách đến trường đó là ổn định chỗ ăn ở, ổn định về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học.
Thầy Ngô Tiến Yên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Trung học cơ sở (THCS) Phong Dụ Thượng cho biết: Năm học 2016 - 2017, trường có 426 học sinh với 12 lớp học và 26 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trong đó có 323 em học sinh ở bán trú. Với mong muốn cho học sinh từ các bản xa đến trường học có tâm thế tốt ngay từ những ngày đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động sắp xếp ổn định về chỗ ăn ở của học trò cũng như nếp sinh hoạt ở khu bán trú; chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng nấu ăn ba bữa/ ngày cho học sinh đảm bảo chất lượng. Cùng với việc chuẩn bị tốt chỗ ăn, ở cho học trò, Trường PTDTBT THCS xã Phong Dụ Thượng còn tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao tạo môi trường thân thiện, vui vẻ và thu hút học trò đến trường.
Cũng như các trường vùng cao, ở vùng thấp các nhà trường cũng tạo tiền đề bứt phá ngay từ ngày đầu năm học mới. Bước vào năm học 2016 - 2017 này, thầy và trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Yên Hưng như vui hơn khi nhà trường vừa đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong Lễ khai giảng năm học mới.
Để đạt được mục tiêu trường chuẩn quốc gia, trong giai đoạn 2011 - 2015, nhà trường đã được đầu tư xây dựng mới 6 phòng học, 2 phòng bộ môn với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Nhà trường hiện có 15 phòng học kiên cố, có đủ phòng phục vụ học tập, phòng hành chính quản trị và các công trình phụ trợ, sân chơi, bãi tập, cảnh quan nhà trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp và an toàn, chất lượng dạy và học ngày một nâng lên.
Trước khi vào năm học mới, nhà trường đã huy động trên 20 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị, đồ dùng học tập, đóng mới và sửa chữa bàn ghế cho học sinh. Hiện nhà trường có 22 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với 265 học sinh chia thành 9 lớp, trong đó con em đồng bào theo đạo công giáo chiếm 53%.
Ngay từ những ngày đầu năm học mới, Trường TH&THCS Yên Hưng đảm bảo dạy đủ các môn học bắt buộc theo quy định và tổ chức cho 100% lớp tiểu học (TH) học 2 buổi/ ngày, tỷ lệ huy động học sinh lớp 1 và lớp 6 ra lớp đạt 100%.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2016 - 2017, nhà trường sẽ tập trung xây dựng các biện pháp đổi mới trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng học sinh mũi nhọn lên hàng đầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương và các bậc phụ huynh trong công tác huy động, duy trì số lượng, công tác quản lý và giáo dục học sinh; củng cố, xây dựng cơ sở vật chất; tiếp tục tổ chức triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục.
Năm học 2016 - 2017, toàn huyện Văn Yên có tổng số trên 30 nghìn học sinh các cấp. Để thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu năm học đạt hiệu quả cao nhất, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các giải pháp khắc phục để chuẩn bị tốt nhất điều kiện cho năm học 2016 - 2017.
Trong đó, xác định hệ thống cơ sở vật chất luôn là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học, từ đầu năm 2016 đến nay, Văn Yên đã huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của nhân dân với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng để tu sửa, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học.
Đặc biệt, từ nguồn ủng hộ của tổ chức Kết nối trái tim, đầu năm học 2016 - 2017 đã khánh thành và đưa vào sử dụng 4 phòng học của Trường Mầm non (MN) xã Châu Quế Thượng trị giá 850 triệu đồng, trang thiết bị đồ chơi trị giá 250 triệu đồng. Xây dựng bếp ăn Trường MN An Thịnh khoảng 445 triệu đồng; dự kiến trong tháng 9/2016 khởi công xây dựng 10 phòng học và 1 thư viện tại Trường TH&THCS xã Nà Hẩu với tổng kinh phí khoảng 360 triệu đồng.
Giờ học môn Tiếng Việt của cô và trò Trường TH&THCS Yên Hưng.
Năm học 2016 - 2017 này, toàn huyện hiện có 988 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố đạt gần 65%, ngoài ra còn có 29 phòng học bộ môn, 40 phòng thư viện, trong đó có 29 thư viện đạt chuẩn. Cùng với đó là 140 phòng bán trú cho học sinh, 340 phòng công vụ giáo viên cơ bản đáp ứng được nhu cầu của học sinh và nhu cầu nhà ở cho giáo viên.
Một nội dung quan trọng được ngành giáo dục Văn Yên tập trung thực hiện trong tháng 9/ 2016 đó là triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn huyện Văn Yên, giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, Văn Yên có 85 đơn vị trường với 1.109 nhóm lớp, trên 30 nghìn học sinh.
Theo Đề án của huyện, đến năm 2020, toàn huyện sẽ ổn định với quy mô 54 đơn vị trường (giảm 31 trường). Trong đó, GDMN năm học 2016 - 2017 sau sáp nhập còn 21 trường (giảm 6 trường); còn 7 trường đạt chuẩn quốc gia (giảm 2 trường); đến năm học 2019 - 2020 còn 16 điểm trường (giảm 70 điểm trường). Bậc TH sau sáp nhập còn 5 trường (giảm 24 trường), còn 3 trường đạt chuẩn quốc gia (giảm 16 trường), còn 2 trường PTDTBT (giảm 1 trường); đến năm học 2019 - 2020 không còn điểm trường lẻ (giảm 60 điểm trường). Bậc THCS sau sáp nhập còn 28 trường có lớp THCS, trong đó 5 trường THCS, 1 trường PTDT Nội trú, 22 trường TH&THCS, còn 7 trường đạt chuẩn quốc gia (giảm 4 trường), 8 trường PTDTBT, không có điểm trường lẻ. Sau khi sáp nhập các trường học, số cán bộ, giáo viên, nhân viên phải sắp xếp là 121 người, đồng thời thiếu 120 giáo viên mầm non, 45 giáo viên tiểu học.
Việc sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường lớp đối với GDMN, GDPT trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, dẫn đến giảm đầu mối, giải quyết được tình trạng thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên; khắc phục được tình trạng quy mô trường lớp nhỏ lẻ gây lãng phí; xóa dứt điểm các lớp học ghép ở TH và giảm tối đa các lớp ghép ở MN; học sinh được học trong một môi trường giáo dục tốt hơn, tiết kiệm được chi phí đầu tư cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, những khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện Đề án còn những khó khăn vướng mắc và nhiều điểm bất cập khi áp dụng vào thực tế. Đó là một số học sinh nhà ở xa trường nên ảnh hưởng tới việc huy động học sinh ra lớp và tỷ lệ chuyên cần; một bộ phận phụ huynh nhà xa trường còn khó khăn về kinh tế nên thiếu phương tiện đưa con em đến trường hàng ngày; do sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính nên khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu phòng học văn hóa, phòng bán trú học sinh, nhà công vụ giáo viên và một số công trình phụ trợ khác...
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Năm học mới 2016 - 2017 Phòng đã tham mưu triển khai thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với GDMN, GDPT trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở sắp xếp lại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo Đề án; chỉ đạo thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm đến chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chất lượng dạy học môn Tiếng Anh trong các trường TH, THCS, tăng cường tiếng Việt đối với các lớp mẫu giáo; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; tham mưu và kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với sự quyết tâm của toàn ngành, các trường học trong toàn huyện đã bước vào năm học mới 2016 -2017 với tinh thần tự tin, kỷ cương và chất lượng; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy ở các bậc học, quyết tâm gặt hái được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp trồng người.
Hồng Vân
Các tin khác
YBĐT - Cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, gia đình bị thiên tai rủi ro… là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Trấn Yên nhiều năm qua.
YBĐT - Nhằm thống kê đầy đủ, quản lý chặt các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh theo quy định, làm cơ sở để quản lý, vận động các đối tượng tham gia tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã quyết liệt triển khai thực hiện việc rà soát dữ liệu danh sách hộ gia đình tham gia BHYT.
YBĐT - Thời gian qua, việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã giúp phổ biến pháp luật cũng như nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, TSPL ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục để phát huy hiệu quả tốt hơn.
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các trường đại học, cao đẳng phải áp dụng tiêu chuẩn xếp hạng theo chuẩn quốc tế để phân định rõ các trường tốp trên, tốp dưới.