Trạm Tấu tích cực ổn định đời sống nhân dân sau bão lũ
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/9/2016 | 8:25:31 AM
YBĐT - Trạm Tấu là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau hoàn lưu bão số 3. Có những hộ dân đã bị thiệt hại về người và có hộ trở nên trắng tay sau bão.
Đoàn viên, thanh niên huyện Trạm Tấu khắc phục sạt lở đất, thông đường sau cơn bão số 3. (Ảnh: Tư liệu)
|
Đi qua thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ lần này, chúng tôi không còn nhìn thấy một ngôi nhà gỗ đẹp, rộng rãi của gia đình Thào A Hành như trước đây. Thay vào đó là một bãi bùn đất. Đó là hậu quả chỉ sau một đêm mưa to do hoàn lưu bão số 3. Cả căn nhà gỗ 3 gian cùng nhà bếp, chuồng trại, gia súc, gia cầm và nhiều tài sản có giá trị của anh Hành đã bị vùi lấp hoàn toàn.
Vừa như nén nỗi đau, vừa cùng bà con thôn bản giúp đỡ bới tìm những đồ đạc còn sót trong đống bùn đất, anh Hành cho biết: “Nhà tôi chỉ kịp chạy được người thôi chứ tài sản mất hết rồi. Giờ tôi chỉ mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ để bớt đi những khó khăn”.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa to kéo dài nhiều giờ tại huyện Trạm Tấu khiến lũ quét, đất đá sạt lở làm chết 2 người, bị thương 1 người ở thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì; sập hoàn toàn 8 ngôi nhà, hư hỏng 17 nhà, tốc mái 3 nhà và sạt lở đất ta luy 92 nhà. Nhiều diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao cá, công trình thủy lợi cùng các công trình giao thông, thông tin liên lạc bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện ước tính lên tới trên 38 tỷ đồng.
Là huyện vùng cao, địa hình dốc lớn, hàng năm Trạm Tấu thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ nên nỗi lo sạt lở đất của chính quyền địa phương, người dân là hoàn toàn có cơ sở. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất của người dân. Sau bão số 3, huyện đã rà soát toàn bộ các hộ ở khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao và có 16 nhà trong diện này.
Có mặt tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu - nơi người dân phát hiện một vết nứt dài thuộc rừng Vầu mới thấy sự nguy hiểm của những ngôi nhà dưới chân núi nếu gặp những đợt mưa lớn kéo dài. Theo quan sát thì vết nứt ngang theo sườn núi khá rộng, có chiều dài khoảng 30 m xuất hiện ngay sau hoàn lưu bão số 3 và nó có thể sạt bất cứ lúc nào.
Là một trong những hộ nằm trong khu vực nguy hiểm và phải di dời khẩn cấp, gia đình chị Đồng Thị Quân đã tạm chuyển về nhà người thân để ở trong khi chờ quỹ đất mới làm nhà. Chị bùi ngùi: “Được chính quyền địa phương yêu cầu di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, dù buồn vì phải xa ngôi nhà mình đã gắn bó từ lâu, nhưng để an toàn tính mạng của cả gia đình nên chúng tôi di dời ngay. Giờ cũng chưa biết cuộc sống sau này thế nào, nhưng rất mong được chính quyền địa phương giúp đỡ để chúng tôi nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Người dân xã Hát Lừu (Trạm Tấu) dọn dẹp đất đá sau ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế những thiệt hại về tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão, Trạm Tấu đã thực hiện rà soát những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lập phương án và kế hoạch để tổ chức di dời; chuẩn bị tốt mọi phương tiện cứu trợ, cứu nạn; xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, không để người dân phải sống trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc di dân còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên phong tục tập quán của người dân rất khó thay đổi. Bà con đã sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại nên họ không muốn di dời. Cái khó nữa trong công tác di dời là quỹ đất của huyện hạn hẹp do địa bàn đồi núi nên độ dốc lớn, nên việc tìm được quỹ đất ở rất khó. Vì thế, thời gian trước huyện đã đề nghị tỉnh cho lập một số dự án di dân như dự án di dân ở thôn Bản Cại, xã Phình Hồ; thôn Pá Lau, xã Pá Lau; đề nghị UBND tỉnh và các ngành cho lập dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, song hiện nay nguồn kinh phí chưa có nên chưa đầu tư. Phương án trước mắt, huyện lập danh sách hộ nào nằm trong diện nguy hiểm thì sẽ di dời từng hộ một để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con”.
Huyện cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa tạm thời các công trình thủy lợi tại các xã: Hát Lừu, Bản Công, Làng Nhì, Bản Mù, Xà Hồ, Pá Hu, Trạm Tấu và Túc Đán để phục vụ nước tưới cho diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn phân hóa đòng và nếu bị khô hạn chắc chắn sẽ thất thu.
Để các hộ dân sớm định cư về nơi ở an toàn, yên tâm sản xuất, huyện Trạm Tấu tiếp tục nắm bắt diễn biến thời tiết, tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống bão lũ; đồng thời, huy động lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Huyện tiếp tục rà soát những điểm có nguy cơ bị sạt lở cao; có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Thanh Chi – Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Chiều 8/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức công bố các quyết định bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và quyết định thành lập Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái. Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ công bố.
Tết Trung thu hằng năm được tổ chức rộng khắp trên cả nước, thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân với những hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em. Nhân dịp Tết Trung thu năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có Thư gửi đến các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Với chủ đề: "Đọc quá khứ, viết tương lai", đây là dịp để cùng kỷ niệm 50 năm của những cam kết, nỗ lực, tiến bộ đạt được ở cấp quốc gia và quốc tế nhằm cải thiện tỷ lệ biết chữ trên toàn thế giới; đồng thời giải quyết những thách thức hiện tại và tìm kiếm giải pháp sáng tạo để nâng cao hơn nữa hiểu biết trong tương lai.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có gắng ban hành sớm đề thi minh họa kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 để học sinh, phụ huynh và giáo viên biết. Dự kiến công bố trong cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10”.