Xã Tân Thịnh chuẩn bị thực hiện giảm điểm trường lẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2016 | 2:03:06 PM
YBĐT - Trên địa bàn xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn có hiện có 3 trường độc lập theo 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với 6 điểm trường, khoảng trên 980 học sinh. Thực tế cho thấy, do có nhiều điểm lẻ nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học ở xã còn dàn trải, không tập trung.
Cũng do có nhiều điểm lẻ nên việc sinh hoạt, chỉ đạo chuyên môn của các trường đôi khi chưa kịp thời, chưa bám sát đối tượng. Sĩ số học sinh ở một số lớp ở điểm lẻ ít, gây lãng phí về đội ngũ giáo viên, trong khi sĩ số học sinh ở điểm chính lại quá đông mà các nhà trường lại thiếu giáo viên theo quy định, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của huyện về thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, căn cứ vào điều kiện của địa phương, Đảng ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học trong xã đã tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện.
Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Tân Thịnh, giai đoạn 2016 - 2020. Theo Đề án, sau khi sáp nhập, trên địa bàn xã còn 2 trường, gồm Trường Mầm non, Trường Tiểu học và THCS Tân Thịnh. Đến năm 2018 - 2020, còn 3 điểm trường chính với 33 lớp, trên 1.080 học sinh (giảm 3 điểm trường lẻ).
Khi mới triển khai Đề án, không thể phủ nhận trong dư luận xã hội còn có những băn khoăn, vướng mắc. Trước hết, đó là việc Trường Tiểu học Tân Thịnh đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, giai đoạn 2010 - 2015, khi sáp nhập 2 trường thì mất trường chuẩn.
Để đạt được trường chuẩn mức độ 2 là công sức của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường, là sự đóng góp, ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trên toàn xã. Vì vậy, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận trong việc sáp nhập trường.
Cùng đó, khi sáp nhập học sinh điểm lẻ về trung tâm, việc đưa đón các cháu cũng là vấn đề nhân dân lo lắng. Bởi có những cháu mầm non và tiểu học nhà cách trường trên 5 km, không thể tự đi về mà phụ thuộc vào bố mẹ, đồng nghĩa với việc phần nào ảnh hưởng đến thời gian lao động, sản xuất của phụ huynh.
Có nhiều cháu thuộc thôn đặc biệt khó khăn, việc đi lại xa sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập của các cháu, nhất là những ngày mưa rét. Khi học sinh điểm lẻ về điểm chính học, sĩ số học sinh tại điểm chính sẽ tăng, cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu. Theo dự tính, sau sáp nhập điểm lẻ, tại các điểm chính của các trường thiếu 7 phòng học văn hóa, 3 phòng học bộ môn, 2 phòng ở và các công trình phụ trợ cho học sinh bán trú.
Trước những khó khăn này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bàn bạc, thống nhất nội dung tuyên truyền và đẩy mạnh chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân thấy được những lợi ích mà Đề án mang lại, như: quy hoạch, bố trí mạng lưới trường, lớp nhằm tiết kiệm kinh phí hoạt động; khắc phục lãng phí về nguồn lực đầu tư; sử dụng cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
Trong tuyên truyền, quan điểm của xã là chú trọng lắng nghe ý kiến phản hồi từ cơ sở, trên cơ sở đó để cùng thảo luận, thống nhất các phương án giải quyết khó khăn, thắc mắc trong nhân dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND xã Tân Thịnh đã có phương án bố trí mặt bằng để xây dựng phòng học và nhà bán trú, đồng thời tuyên truyền huy động sự đóng góp của xã hội để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.
Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã cũng ưu tiên hoàn thiện trước các tiêu chí hỗ trợ để thực hiện Đề án có hiệu quả, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa đường nông thôn, nhất là các thôn, bản vùng khó khăn để tạo điều kiện học sinh tới trường được thuận lợi.
Có thể nói, đến nay, khi năm học mới đã bắt đầu được một thời gian, cán bộ, nhân dân địa phương đã yên tâm, đồng thuận cùng thực hiện nội dung của Đề án. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các nhà trường trên địa bàn xã, Tân Thịnh cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của cấp trên để góp phần thực hiện tốt Đề án.
Trong đó, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để xây dựng các phòng học văn hóa, phòng học bộ môn và 1 số công trình phụ trợ còn thiếu; xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ cho học sinh bán trú theo Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Qua các hình thức như: tuyên truyền, ký cam kết thực hiện, treo biển cấm hút thuốc lá tại các vị trí đông người qua lại trong các cơ quan, thời gian gần đây, việc sử dụng thuốc lá, thuốc lào của đội ngũ cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn Viên chức tỉnh có xu hướng giảm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN về đặc xá năm 2016. Quyết định gồm 7 điều, quy định rõ về thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá; đối tượng đặc xá; điều kiện được đề nghị đặc xá; các trường hợp không đề nghị đặc xá; đặc xá trong trường hợp đặc biệt...
Tối 18/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2016.
Sáng sớm 19/10,bão số 7 đã vượt đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào Vịnh Bắc Bộ, gió mạnh nhất trong bão số 7 đã giảm 3 cấp (từ cấp 14 xuống cấp 11).