Sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp: Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2016 | 7:09:31 AM
YBĐT - Phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng khó khăn là chủ trương đúng đắn. Nhà nước ta luôn có những chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc được tới trường, tiếp cận với nền giáo dục hiện đại.
Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em học sinh lớp 1 Trường PTDTBT TH và THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã biết tự chăm sóc bản thân.
|
Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 không nằm ngoài mục tiêu ấy. Đây là một chủ trương đúng, một phương thức hay, là bước ngoặt lớn cho cả giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Sau hơn một tháng triển khai đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ người dân và đạt được một số kết quả bước đầu. Bên cạnh đó cũng xuất hiện một số khó khăn chủ yếu ở hai huyện “30a” của tỉnh. Không có thành công nào là dễ dàng, tỉnh Yên Bái đã và đang nỗ lực vượt khó để tiến tới mục tiêu cao hơn trong nâng cao chất lượng giáo dục.
Tính ưu việt và những kết quả bước đầu
Yên Bái cũng như các tỉnh trong khu vực, từ trước đến nay vẫn duy trì mô hình trường học thôn, bản. Mô hình này đã làm tốt công tác phổ cập giáo dục ở vùng cao. Song để thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục thì sứ mệnh của mô hình điểm trường không phát huy được hiệu quả. Vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái đã nhận thấy được hướng phát triển của giáo dục đào tạo, để học sinh vùng cao có thể tiếp cận với nền giáo dục hiện đại, chủ trương sáp nhập trường, điểm lẻ đã được nghiên cứu, bàn thảo.
Năm 2016, sau khi rà soát, nghiên cứu, đưa ra các phương án sáp nhập từ cơ sở, Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 28/8/2016. Theo Đề án, các điểm trường lẻ sẽ tập trung về điểm trường chính hoặc sáp nhập nhiều điểm lẻ trên cơ sở khoảng cách từ nhà tới trường không quá 5 km, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và có điều kiện đầu tư tập trung cho các điểm trường chính.
Khi triển khai, hầu hết các bậc phụ huynh đều đồng tình với Đề án. Tại thị xã Nghĩa Lộ, chủ trương này được nhân dân nhiệt tình ủng hộ bởi tại một số điểm lẻ, nhiều năm nay, người dân đã mong muốn con em mình được học ở điểm trường chính.
Cô giáo Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Thực hiện Đề án rất thuận lợi cho nhà trường ở khâu sắp xếp đầu năm học, phân luồng học sinh. Nhiều năm nay, phụ huynh ở điểm lẻ có ý kiến xin cho con em về điểm chính để được học tập ở nơi cơ sở vật chất tốt hơn, nhiều hoạt động hơn nhưng nhà trường không đồng ý bởi phải bảo đảm phân luồng học sinh ở các điểm lẻ, bảo đảm sĩ số tại các điểm lẻ theo đúng kế hoạch. Khi thực hiện Đề án, phụ huynh phấn khởi, ủng hộ”.
Không chỉ có vùng thấp mà tại các huyện vùng cao cũng vậy, sáp nhập các điểm lẻ về trường chính, quy mô mở rộng, nhiều trường bán trú được thành lập, số học sinh hưởng chế độ bán trú theo đó cũng tăng lên. Tại huyện Trạm Tấu, năm học 2016 - 2017, sau sáp nhập, toàn huyện có gần 5.000 học sinh được hưởng chế độ bán trú, tăng gần 1.400 học sinh so với năm học trước. Còn tại huyện Mù Cang Chải, sau sáp nhập, có gần 8.700 học sinh được hưởng chế độ bán trú, tăng trên 3.220 học sinh so với năm học trước. Chính điều này lại là một điểm thu hút học sinh đến trường, phụ huynh yên tâm, phấn khởi.
Anh Thào A Vàng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Có nơi ăn ở như thế, tội gì không cho con đi học chứ. Ngày trước, tôi đi học vất vả lắm, chứ không sướng như bây giờ”.
Sự đồng thuận ấy đã tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thực hiện Đề án. Với nguồn vốn ngân sách địa phương được bổ sung để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học năm 2016, huyện Mù Cang Chải được cấp kinh phí di chuyển và hoàn thành di chuyển 66 phòng học ở điểm lẻ về điểm trường chính.
Để bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy học và sinh hoạt cho học sinh, các xã, thị trấn trong toàn huyện Mù Cang Chải đã vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn đóng góp ngày công di chuyển phòng học, phòng ở, san gạt mặt bằng, tu sửa cơ sở vật chất; góp vật liệu, kinh phí làm mới 6 phòng ăn cho học sinh bán trú, 4 nhà vệ sinh, 2 công trình nước sạch, san gạt trên 6.000 m2 mặt bằng, làm mới trên 700 m2 sân bê tông. Còn tại huyện Trạm Tấu, công tác triển khai Đề án đã được thực hiện bài bản.
Sau hơn một tháng triển khai, huyện đã tiến hành di dời và lắp đặt xong 16/16 phòng học lắp ghép từ điểm lẻ về điểm chính; triển khai xây dựng 21 phòng học, 28 phòng ở cho học sinh, 10 công trình nước sạch, 16 công trình vệ sinh theo Đề án. Đến nay, một số công trình đã hoàn thiện phần thô, một số điểm đang tiến hành xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2016. Cũng để bảo đảm cho học sinh có chỗ ăn, chỗ ở, một số trường đã huy động người dân địa phương cơi nới nhà ăn, dựng một số phòng học tạm, sử dụng trạm y tế xã cũ để bảo đảm phòng học, chỗ ăn, chỗ ở cho học sinh.
Không có thành công nào là dễ dàng
Tính ưu việt của Đề án, những kết quả bước đầu trong triển khai đã rõ. Song bên cạnh đó, những khó khăn trong sắp xếp trường lớp cũng xuất hiện, chủ yếu ở hai huyện “30a” của tỉnh. Trong đó, khó khăn cơ sở vật chất là nổi bật. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song chưa thực sự đồng bộ. Cả ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải hiện vẫn còn thiếu phòng học văn hóa, phòng bộ môn, phòng hiệu bộ, công trình vệ sinh; trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư lâu hiện đang xuống cấp, không sử dụng được; điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh bán trú còn thiếu, còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, ở nhiều trường vẫn phải tận dụng nhà kho làm phòng học, phòng ở cho học sinh... Khó khăn của giáo dục vùng cao nhiều năm qua dường như đã tôi luyện thầy cô và cả học trò vùng cao nên trước những khó khăn khi thực hiện Đề án, thầy và trò đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương khắc phục.
Em Tào Thị Tuyết - học sinh lớp 4, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) Pá Hu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: “Trước thời gian học ở nhà của em rất ít. Từ đầu năm học được về điểm trường chính, ăn ở tại Trường, chúng em sinh hoạt theo thời gian biểu, do đó, thời gian tự học cũng nhiều hơn”.
Với các thầy cô giáo vùng cao, việc dạy chữ ở đây đã khó khăn song nay lại thêm các em về ở nội trú đông, việc quản lý, hướng dẫn ăn, ở, vệ sinh càng thêm phần vất vả, nhất là với các em học sinh lớp 1, 2 còn quá nhỏ.
Cô giáo Đặng An Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 1D Trường PTDTBT TH và THCS Túc Đán, huyện Trạm Tấu cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm phải quán xuyến chăm sóc tất cả học sinh, quần áo cô giặt cho hết. Vất vả đấy nhưng tôi nghĩ rằng, rồi sẽ vào guồng cả thôi vì năm nay cũng không phải là năm đầu tiên nhà trường có học sinh bán trú lớp 1, 2. Đến thời điểm này, nhờ sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em học sinh lớp 1 đã không còn bỡ ngỡ, dần vào nề nếp”.
Vấn đề quản lý học sinh khi các em về học bán trú đông hơn cũng là điều nhiều người lo ngại. Song trên thực tế, công tác quản lý học sinh tại các trường bán trú tại hai địa phương cũng có nhiều cách làm hay. Trường PTDTBT TH và THCS Púng Luông, Trường PTDTBT TH Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; Trường PTDTBT TH và THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu... có giải pháp rất tốt trong quản lý học sinh bán trú, như: học sinh lớn chăm học sinh bé, các em cùng dòng họ hoặc gần nhà được ở cùng phòng...
Khó khăn về cơ sở vật chất thì luôn có cơ hội để cải thiện bởi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của các nguồn vốn xã hội hóa, quyên góp ủng hộ, cái khó trong quản lý học sinh cũng có cách giải quyết từ sự thận trọng của từng nhà trường. Song cái khó về khoảng cách từ nhà tới trường của các cháu mầm non lại là điều lo lắng nhất. Mặc dù tỷ lệ duy trì chuyên cần từ đầu năm tới nay của bậc học mầm non vẫn bảo đảm. Tuy nhiên, về lâu dài, khoảng cách từ nhà tới trường 5 km trong điều kiện giao thông miền núi đi lại khó khăn thì việc đi về trong ngày thực sự không dễ dàng.
Xác định sẽ có những khó khăn bước đầu sau khi thực hiện Đề án, tỉnh đã lập đoàn công tác do đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi kiểm tra, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đoàn công tác đã tới kiểm tra tình hình thực tế tại hầu hết các trường thực hiện sáp nhập tại 2 địa phương.
Tại các trường tới kiểm tra thực tiễn, đoàn công tác đã lắng nghe những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án. Một số đề xuất của các trường, các địa phương được đoàn công tác tháo gỡ ngay. Những nhu cầu cấp thiết cần ngay của học sinh, giáo viên, như: thêm nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm... nằm ngoài Đề án được đoàn công tác tập hợp trình phê duyệt giải quyết trong thời gian sớm nhất với mục tiêu bảo đảm cho học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Tuy vậy, một số trường đã không thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh là “phải bảo đảm cơ sở vật chất mới đưa học sinh từ điểm lẻ về” đã được nhắc nhở kịp thời và các đơn vị này được yêu cầu rút kinh nghiệm, lộ trình tiếp theo cần làm đúng theo chủ trương của tỉnh khi thực hiện Đề án là có cơ sở vật chất mới đưa học sinh về, không được vội vàng, làm chắc chắn.
Cái khó nhất trong thực hiện Đề án là sự đồng thuận của người dân, còn khó khăn về cơ sở vật chất rồi sẽ được giải quyết. Điều khó nhất đã làm được, còn lại là thời gian để tỉnh lần lượt giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thầy cô, thêm phụ huynh giúp sức thì cuộc cải cách đáng khích lệ của giáo dục vùng cao sẽ thành công với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã nỗ lực, cố gắng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ năm 2010 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh đã có những bước chuyển biến tích cực, giảm tử vong mẹ và trẻ em.
YBĐT - Căn cứ Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, trên cơ sở kết quả rà soát và đề nghị của UBND các xã, phường và các phòng, ban chuyên môn, mới đây, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định điều chỉnh danh sách và số lượng hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2016.
YBĐT - Đến nay, toàn huyện Lục Yên có trên 600 lượt hội viên đạt mức thu nhập từ 50 triệu đồng một năm trở lên, trong đó có trên 300 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm; 199 mô hình có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm và 111 mô hình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
YBĐT - Trong 9 tháng năm 2016, huyện Mù Cang Chải đã lập danh sách 7.704 hộ được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí hỗ trợ là 4.418 triệu đồng; thẩm định đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 72 hộ với kinh phí hỗ trợ là 576 triệu đồng; đã giải ngân cho vay hoàn thành 100%; bình xét người uy tín hưởng chính sách năm 2016 là 119 người, kinh phí đề nghị hỗ trợ 47,6 triệu đồng.