Niềm tin vào sự đổi mới của giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2016 | 7:28:20 AM
YBĐT - Sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường, lớp học là một chủ trương lớn của tỉnh, là một yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Giờ học của thầy và trò Trường Phổ thông DTNT Tiểu học và THCS Púng Luông, huyện Mù Cang Chải tại lớp học mới sau khi sáp nhập. (Ảnh: Thanh Ba)
|
Dẫu biết rằng, để vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu đó cần quyết tâm lớn.
Tôi đã từng đọc bài viết của một đồng nghiệp về sự học ở vùng cao gắn với Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, tác giả bài báo khẳng định: “Nâng tầm con chữ và đổi mới giáo dục toàn diện ngay từ bậc mầm non và tiểu học. Tuổi trẻ ở đây là lực lượng nòng cốt, điều kiện thành công cho Đề án lớn này”...
Để từ đó, tôi đi sâu tìm hiểu về sự phát triển của Đề án qua từng giai đoạn tại các địa phương gắn với sự “chung tay, giúp sức” của Tỉnh đoàn Yên Bái. Và Mù Cang Chải là một trong những nơi tôi lựa chọn...
Đồng hành
Đề án đã được sự ủng hộ nhiệt tình của hàng ngàn đoàn viên thanh niên (ĐVTN), họ được huy động dùng xe máy cá nhân để đưa đón trẻ em đi về thăm gia đình cuối tuần, giúp người dân an tâm khi con phải đi học xa, ngôi trường gần nhất cũng 4 km, xa nhất tới 27 km. Đồng thời, Tỉnh đoàn sẽ kêu gọi hỗ trợ một phần xăng xe, và nhiệt tình sức trẻ vùng cao vào cuộc để cùng tiếp sức cho Đề án” - anh Nông Việt Yên - Bí thư Tỉnh đoàn vui mừng cho biết.
Có thể nói chưa một Đề án nào nhanh đi vào cuộc sống và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực như Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 vừa được HĐND tỉnh phê duyệt và ban hành theo Nghị quyết số 36/2016/NQ - HĐND, ngày 26/8/2016.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái đã xây dựng kế hoạch số 293 - KH/TĐTN - TTNTH ngày 12/9/2016 về việc tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án và tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Cùng em tôi đến trường” giai đoạn 2016 - 2020, triển khai đến các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh.
Thông qua các giải pháp cụ thể, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo cho ĐVTN và tuyên truyền cho nhân dân hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của Đề án để từ đó nâng cao nhận thức và tích cực trong thực hiện các nội dung Đề án đề ra.
Rà soát các lớp học, nhà bán trú, nhà ăn, các công trình phụ trợ, vườn rau và các cơ sở vật chất khác do tổ chức Đoàn - Hội các cấp vận động, hỗ trợ xây dựng; phối hợp với chính quyền địa phương chuyển đổi các nhà bán trú, lớp học mầm non, nhà ăn tại các điểm trường lẻ do Đoàn - Hội vận động xây dựng thành các nhà văn hóa thanh thiếu nhi, nhà sinh hoạt chi đoàn thôn bản, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Đẩy mạnh nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn, ĐVTN và toàn xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, góp phần tham gia bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nhất là đối với thiếu nhi các dân tộc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa sau khi thực hiện Đề án.
Cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 10 km, đi theo con đường bê tông chạy ngoằn ngoèo lên đỉnh núi với độ dốc trên 10 phần trăm chúng tôi đã đến với xã Kim Nọi. Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn, bà con nơi đây vẫn còn một phần tư duy cũ trong nếp ăn, nếp ở, trong cách thức sinh hoạt và tập quán canh tác trồng trọt, chăn nuôi vì thế cuộc sống còn nhiều khó khăn, khi cả xã có tới gần 90% số hộ thuộc diện hộ nghèo...
Nhiều điểm trường lẻ trong xã chỉ là những ngôi nhà gỗ dựng lên tựa bên vách núi với một lớp học duy nhất gồm cả học sinh lớp 1, lớp 2 và trẻ mầm non. Không nhà vệ sinh, không sân chơi, không có điện, và thậm trí không luôn cánh cửa lớp...
Cắm bản không tiếc tuổi xuân để gắng gieo con chữ, cô giáo Nguyễn Thu Thủy mừng ra mặt khi thấy các học trò của mình được học tập trong môi trường và điều kiện tốt hơn: “Thấy thương các con lắm! Hy vọng từ giờ sẽ không còn phải chứng kiến cảnh thiếu thốn của các con nữa”.
Cô và trò Trường TH&THCS Kim Nọi trong giờ học.
Anh Giàng A Thủ - người dân bản La Phu Khơ cho biết: “Được các anh chị ĐVTN và cả các thầy cô giáo xuống bảo từ năm học mới con nhà mình sẽ được xuống điểm trường chính học tập trung nên mình mừng lắm. Vì con mình được ở nội trú, được Nhà nước nuôi, được học ở trường, lớp đẹp, được chơi ở cái sân trường to sạch sẽ, những lớp học khang trang. Chứ cái trường cũ đã xập xệ lắm rồi”.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái phân công phụ trách và giúp đỡ xã Kim Nọi - huyện Mù Cang Chải nên tình hình địa phương được anh Nông Việt Yên nắm khá chắc.
Anh thông tin: Trong những năm qua đã thành lập 26 đoàn công tác tổ chức nắm bắt tình hình tại một số thôn, bản, kết hợp với việc thăm hỏi, tặng quà và giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn xã , trao tặng khăn quàng đỏ, trống Đội, tặng quà cho các em thiếu nhi xã nhân các dịp 1/6, tết Trung thu; tết Nguyên đán hàng năm…
Tổ chức 32 hoạt động tình nguyện tặng 362 suất học bổng, 850 suất quà, 155 chiếc chăn ấm, hàng trăm chiếc áo ấm và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho bà con nhân dân và thanh thiếu nhi trên địa bàn xã; tổ chức xây dựng và bàn giao, đưa vào sử dụng công trình lớp học mầm non tại điểm trường lẻ bản Tà Chơ (110 triệu đồng); hỗ trợ kinh phí bê tông hóa sân Trường Mầm non và Trường Tiểu học xã Kim Nọi (100 triệu đồng); phối hợp và chỉ đạo Huyện đoàn Mù Cang Chải tổ chức xây dựng các công trình phụ trợ tại xã Kim Nọi gồm: cổng trường và bếp ăn của Trường TH&THCS và Trường Mầm non xã Kim Nọi (trên 150 triệu đồng), tổng trị giá các công trình trên 350 triệu đồng; công trình đường giao thông nông thôn từ bản Háng Đăng Dê đi bản Háng Chú cho UBND xã Kim Nọi, tổng trị giá 700 triệu đồng... Mới đây nhất là ĐVTN đã tiến hành mở mới 2,5km đường giao thông nông thôn từ bản La Phu Khơ đến bản Lao Chải…
Cùng em tôi đến trường
Xác định được tầm quan trọng của Đề án, trước khi bước vào năm học mới Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện “Cùng em tôi đến trường” gồm ĐVTN trên địa bàn, giáo viên trẻ tại các trường hỗ trợ đưa đón các em học sinh từ các thôn, bản xa về điểm trường chính và ngược lại vào những ngày cuối tuần (ưu tiên các đối tượng là học sinh ở các địa điểm xa, học sinh khuyết tật, ốm đau, gia đình neo đơn, học sinh mồ côi) và kết hợp tổ chức các lớp chống tái mù chữ cho thanh niên, phụ nữ tại các thôn, bản khó khăn, hỗ trợ di chuyển các cơ sở vật chất từ điểm lẻ về các điểm trường chính sau khi sáp nhập.
Vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, vận động ĐVTN tham gia ủng hộ vật chất, ngày công lao động, triển khai thực hiện các công trình, phần việc “Vì đàn em thân yêu”; vận động quyên góp đồ dùng sinh hoạt và học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em vùng cao của tỉnh.
Tổ chức các hoạt động “Ngày thứ 7, Chủ nhật tình nguyện”, gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, huy động lực lượng ĐVTN tình nguyện tham gia sửa chữa, tu sửa các tuyến đường dân sinh, đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Đỡ đầu các Liên đội tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa và tổ chức các hoạt động giáo dục, huấn luyện kỹ năng cho đội viên, thiếu niên nhi đồng; triển khai phong trào “Nuôi heo đất cùng em tôi đến trường”.
Năm học 2016 - 2017, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; đây cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải triển khai thực hiện Đề án “Rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo đó, Trường TH&THCS Kim Nọi đã sáp nhập 3 điểm trường lẻ về điểm chính. Và theo lộ trình, đến năm học 2018 - 2019 sẽ thực hiện sáp nhập Trường Mầm non Kim Nọi. Tiếp tục đồng hành với xã được giao phụ trách Tỉnh đoàn đã tiến hành bàn giao và trao tặng 1 công trình nhà ở bán trú cho học sinh Trường TH&THCS xã Kim Nọi, trị giá 120 triệu đồng, 2 phòng học cho học sinh Trường Mầm non Họa Mi, trị giá trên 100 triệu đồng... “Cảm ơn các thanh niên nhiều lắm!” - Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi Giàng A Gia không giấu nổi xúc động nói.
Học sinh Trường TH&THCS Kim Nọi tại phòng ở bán trú.
Vĩ Thanh
Sắp xếp lại quy mô, mạng lưới trường, lớp học là một chủ trương lớn của tỉnh, là một yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dẫu biết rằng, để vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu đó cần quyết tâm lớn. Trong thời gian tới việc cần làm là vận động tất cả các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ các nhà trường, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, khắc phục tình trạng bỏ học, nhất là đối với thiếu nhi các dân tộc ở địa bàn vùng sâu vùng xa; tiếp tục duy trì và phát huy sức trẻ vào cuộc để cùng tiếp sức cho Đề án...
Thiên Cầm - Duy Quỳnh
Các tin khác
YBĐT - Với sự tích cực, chủ động của các cấp, ngành, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) huyện Văn Yên đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động đối với đông đảo nhân dân.
YBĐT - Cùng triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” của tỉnh, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua đó, bộ máy thu gọn đầu mối, giảm biên chế, hiệu quả hoạt động của ngành được nâng lên.
YBĐT - Nhằm động viên, chia sẻ những khó khăn của các hộ nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lục Yên, trong năm 2016, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ làm nhà cho 6 hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 4 xã trên địa bàn huyện.
YBĐT - Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam lần thứ Nhất nhiệm kỳ 2016 - 2021 với sự tham dự của 48 đại biểu.