Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: “Ô nhiễm nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội”

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2016 | 10:37:27 AM

“Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn “Bảo vệ môi trường - những vấn đề cấp bách” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều tối qua 9/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, từ đầu năm 2016 tới nay đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên cả nước khiến dư luận xã hội bức xúc.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng nên nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. “Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội”- ông Hà nói.

Bộ trưởng Hà khẳng định, đã đến lúc không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng bây giờ phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư và trong chiến lược, quy hoạch phát triển.

Về nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải pháp trước mắt là lập quy hoạch bảo vệ môi trường với cách tiếp cận liên vùng, liên ngành nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó sẽ phải rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã hoạt động, đang chạy thử, đang xây dựng… để đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề về môi trường theo đúng các quy định của pháp luật.

Ông Hà nhấn mạnh, phải sớm ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm và danh mục công bố công khai các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến cho rằng, quá trình phát triển và hội nhập đặt ra những thách thức mới về vấn đề ô nhiễm môi trường cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà. Chính vì thế, để đạt mục tiêu phát triển mang tính bền vững trong tương lai chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mà trước hết, phải phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, các tổ chức hiểu được, chấp hành, làm đúng các quy định bảo vệ môi trường. “Nếu không có nhận thức đúng thì khó hành động đúng. Làm sao để cả cộng đồng hiểu được môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Làm sao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được đẩy mạnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”- ông Tiến nói.

337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cả nước hiện có 878 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe máy...

Hàng ngày phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tất chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Bên cạnh đó, mỗi năm sử dụng 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó 80% sử dụng sai mục đích hoặc không đúng kỹ thuật, 50-70% không được cây trồng hấp thụ...

Cả nước có 548 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là các bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác. Ngoài ra, cả nước có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan, gây ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cả nước đang có khoảng 547.000 ha đất (chiếm hơn 10%) bị thoái hóa nặng, trên 240 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố. Trung bình có 9.000 ha đất rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất khác. 2.000-4.000 ha rừng bị chặt phá, bị cháy. So với năm 1943, diện tích rừng ngập mặn trên phạm vi cả nước giảm đến 67%.

Giai đoạn 2011-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các địa phương tổ chức thanh kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường 4.121 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong cả nước. Qua đó phát hiện, xử phạt các tổ chức vi phạm số tiền phạt trên 226 tỉ đồng, xử lý đình chỉ 38 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tước giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại 6 đơn vị.

Năm 2016, đã tổ chức thanh kiểm tra đột xuất 11 cơ sở theo kiến nghị của địa phương, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, có khiếu nại tố cáo và một số điểm nóng môi trường, xử phạt 5 cơ sở với số tiền xử phạt là gần 10 tỉ đồng, yêu cầu các cơ sở bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 11,5 tỉ đồng.

“Đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường: xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở nhiều địa phương. Điển hình là vụ Formosa hồi tháng 4/2016, gây hậu quả nghiêm trọng”- Bộ này nhận định trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ảnh Minh Huyền

YBĐT - Với các giải pháp tích cực, tính đến 30/10/2016, toàn huyện Mù Cang Chải huy động được 17.751/17.864 học sinh học tập ở 534/534 lớp (có 307 lớp học 2 buổi/ngày với 10.105 học sinh), tỷ lệ huy động ra lớp đạt 99,4% kế hoạch giao.

Bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ thăm khám cho bệnh nhân.

YBĐT - Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân các huyện phía Tây của tỉnh và các huyện lân cận của các tỉnh Sơn La, Lai Châu.

Đây là thông tin được đưa ra trong Báo cáo thường niên của Viện Kinh tế và Hòa bình xếp hạng hàng năm.

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 đến thời điểm này đã được các địa phương, các trường học triển khai thực hiện qua 2 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục