Yên Bái: Bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội
- Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2016 | 1:52:19 PM
YBĐT - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.
Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.
|
Thực hiện BHYT toàn dân nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ nguy cơ bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, hướng tới mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Đóng vai trò trụ cột, cốt lõi bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, chính sách BHYT luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng với nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ, tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Đây cũng là mục tiêu chung của Kế hoạch đẩy mạnh BHYT toàn dân đến năm 2020 được UBND tỉnh ban hành trên cơ sở chỉ đạo, giao chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ cũng như điều kiện thực tế địa phương. Năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020.
Nhờ đó, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT ngày càng tăng. Đến nay, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT của tỉnh đạt 88,6% dân số và được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có tỷ lệ cao hơn mức trung bình cả nước.
Những năm qua, hàng nghìn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo khi mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau, tai nạn phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nếu không có tấm thẻ BHYT thì gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như trường hợp của em Ngô Xuân Hiền ở thành phố Yên Bái bị bệnh tim bẩm sinh khi đi điều trị đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 53 triệu đồng; em Phạm Diễm Hà ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình bị bệnh thận cũng được quỹ BHYT chi trả với số tiền gần 130 triệu đồng.
Bà Trần Thị Lợi ở thị trấn Yên Bình chia sẻ: “Tôi bị bệnh cao huyết áp đã vài lần tai biến phải vào viện điều trị, mỗi lần điều trị cũng gần chục ngày nhưng khi ra viện tôi được quỹ BHYT chi trả 100% tiền viện phí. Nếu không có tấm thẻ BHYT thì tôi thực sự sẽ rất khó khăn trong việc điều trị bệnh”.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phấn đấu hết năm 2016, có 89% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT và đến năm 2020 là 90,5% dân số tham gia BHYT. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nan giải, bởi lẽ, tỷ lệ trên 88% người dân tham gia BHYT của tỉnh Yên Bái phần lớn là các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT như: đồng bào dân tộc thiểu số 348.500 người, người thuộc hộ gia đình nghèo là 42.300 người, cận nghèo 13.100 người, trẻ em dưới 6 tuổi 96.700 người, người sinh sống tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn 17.800 người, người có công với cách mạng 10.600 người…
Đối với các đối tượng khác như học sinh, sinh viên, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT. Do nhiều hộ gia đình hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tự tạo việc làm là chủ yếu hoặc việc làm không ổn định, thu nhập chỉ đủ trang trải nhu cầu thiết yếu hàng ngày nên không có khả năng tham gia BHYT; đối tượng HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT, nhưng nhiều bậc phụ huynh chưa tham gia BHYT cho con em mình.
Trong hàng loạt các giải pháp được tính toán đưa ra từ việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nghiêm chính sách pháp luật, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về BHYT trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT đến tăng cường hoạt động phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp với cơ quan BHXH bằng quy chế cụ thể để triển khai thực hiện Luật BHXH đồng thời mở rộng mạng lưới bán BHYT theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân… thì đối tượng trọng tâm nhắm đến vẫn phải là nhóm đối tượng hiện đang có tỷ lệ tham gia thấp như: người lao động và sử dụng lao động; hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và đặc biệt là nhóm tham gia theo hộ gia đình.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Cùng với toàn tỉnh, Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp của huyện Trạm Tấu mới đi vào thực hiện được 2 tháng.
YBĐT - Với 8 chi hội khuyến học thôn, 3 ban khuyến học có tổng số trên 600 hội viên, Hội khuyến học xã Hòa Cuông, Trấn Yên luôn tạo ra các phong trào, hoạt động đa dạng để xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn cho nhân dân. Hòa Cuông trở thành điểm sáng trong phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện, của tỉnh.
Đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành giáo dục có 9 điểm cộng, 6 điểm trừ.
Ngày 14/11, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra Hội thảo quốc tế lần thứ tám về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức.