Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho 18 dự án cấp cơ sở ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 4:54:29 PM

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức lễ ký viện trợ cho 18 dự án ở các địa phương của Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của Chính phủ Nhật Bản.

Đại sứ Kunio Umeda (bên phải) và đại diện một đơn vị nhận viện trợ tại buổi lễ sáng 21/3.
Đại sứ Kunio Umeda (bên phải) và đại diện một đơn vị nhận viện trợ tại buổi lễ sáng 21/3.

Tại lễ ký, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda  và đại diện các đơn vị nhận viện trợ đã cùng ký vào các hợp đồng viện trợ. Tổng mức viện trợ dành cho 18 dự án là gần 2 triệu USD.

Đại sứ Kunio Umeda cho biết, chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (gọi tắt là GGP) bắt đầu từ năm 1992, khi Chính phủ Nhật Bản khôi phục chương trình phát triển chính thức cho Việt Nam. Từ đó, đã có hơn 600 dự án được thực hiện trên khắp đất nước và gần 30 dự án được phê duyệt hằng năm trong những năm gần đây. Tất cả các dự án đều hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân để vượt qua khó khăn, trong nhiều lĩnh vực như: sức khỏe, giáo dục tiểu học, sản xuất nông nghiệp và rà phá vật liệu nổ sau chiến tranh.

Đại sứ khẳng định: “Trong 18 dự án được ký kết hôm nay, bên cạnh các lĩnh vực kể trên, một số dự án còn đóng góp vào việc đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cơ sở hạ tầng địa phương và giáo dục mầm non”.

Ông cho biết thêm rằng, trong khi những dự án đầu tư đô thị với quy mô lớn như cơ sở hạ tầng là rất thiết yếu với sự phát triển kinh tế, các dự án viện trợ cấp cơ sở còn vươn xa tới các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Thay mặt các đơn vị nhận viện trợ, ông Nguyễn Bá Khuyến – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Sau khi tiếp nhận viện trợ, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp với các bên liên quan để triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ theo nội dung hợp đồng viện trợ, cũng như sử dụng công trình một cách hiệu quả và lâu dài”.

Trong khi đó, ông Clinton Smith, Giám đốc chương trình quốc gia của Tổ chức Rà phá Bom mìn Đan Mạch (DDG) tại Việt Nam cho biết: Có ít nhất gần 2.500.000 quả bom chùm đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và ước tính khoảng 750.000 quả còn sót lại. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, DDG sẽ có thể triển khai hoạt động tại các xã mà 80% lượng bom chùm nói trên còn sót lại.

18 dự án được nhận viện trợ ngày 21/3 bao gồm:

1.     Dự án Giảm thiểu ô nhiễm từ vật liệu nổ còn sót lại tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

2.     Dự án Cung cấp thiết bị cho Trường trung cấp nghề cơ khí I Hà Nội

3.     Dự án Cung cấp thiết bị cho Trung tâm chăm sóc người cao tuổi OriHome, Hà Nội

4.     Dự án Xây dựng điểm trường Hang Đá, xã Tân Lang, tỉnh Sơn La

5.     Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở 3 xã huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

6.     Dự án Xây dựng Trường tiểu học Đại Sơn II, tỉnh Nghệ An

7.     Dự án Xây dựng cầu Cồn Muồng, xã Nam Nghĩa, tỉnh Nghệ An

8.     Dự án Cải thiện môi trường giáo dục tiểu học huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

9.     Dự án Xây dựng Trường tiểu học xã Yên Nội, tỉnh Phú Thọ

10.  Dự án Xây dựng Trường tiểu học  Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp, tỉnh Quảng Ngãi

11.  Dự án Xây dựng Trường tiểu học xã Yên Phú, tỉnh Hòa Bình

12.  Dự án Xây dựng Trường tiểu học xã Tiên Sơn, tỉnh Bắc Giang

13.  Dự án Xây dựng điểm trường mầm non xã Hà Lâu, tỉnh Quảng Ninh

14.  Dự án Xây dựng trạm y tế xã Khánh Lợi, tỉnh Ninh Bình

15.  Dự án Xây dựng Trường tiểu học xã Sơn Cẩm, tỉnh Thái Nguyên

16.  Dự án Xây dựng trạm y tế phường Lam Hạ, tỉnh Hà Nam

17.  Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi xã Xuân Lai, tỉnh Yên Bái

18.  Dự án Xây dựng trạm y tế xã Hoài Đức, tỉnh Bình Định.

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác
Chiến sỹ trẻ tham gia kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4.

Sáng 29/3, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tổ chức kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4 cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024.

Nội dung huấn luyện đội ngũ chiến thuật bài “Trung đội dân quân bảo vệ mục tiêu khi có gây rối bạo loạn”.

Ngày 28/3, huyện Yên Bình đã tổ chức ra quân huấn luyện trước rút kinh nghiệm huấn luyện dân quân tự vệ năm 2024 tại xã Bảo Ái.

Phường Nguyễn Thái Học tiến hành kẻ vạch sơn chỉ giới hành lang hai bên tuyến đường Lý Thường Kiệt.

Phường Nguyễn Thái Học là một trong những địa bàn trọng điểm với chợ truyền thống và nhiều điểm chợ tự phát, cùng với đó là các hộ kinh doanh hàng hóa và dân cư tập trung đông. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực để đưa trật tự đô thị (TTĐT) từng bước đi vào nền nếp, góp phần xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II văn minh và hiện đại.

Sáng 29/3, Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng các phương án khi xảy ra tình huống cháy nổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục