Trạm Tâu: Dấu ấn trên những công trình thanh niên

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/3/2017 | 2:05:56 PM

YBĐT - Được tuyên dương và biết đến nhờ là một trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu năm 2016 nhưng Công trình Khai hoang ruộng nước của tuổi trẻ huyện Trạm Tấu đã được Ban Chấp hành Huyện đoàn triển khai thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu ra quân khai hoang ruộng nước tại xã Bản Công.
Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu ra quân khai hoang ruộng nước tại xã Bản Công.

Với tinh thần “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, nhiều công trình, phần việc, đặc biệt là chuỗi Công trình khai hoang ruộng nước đã và đang góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh và nằm trong số các huyện 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu có 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 77%; dân tộc Thái 16%, còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Tày, Mường... Trước những năm 2015, đa số đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn còn đói nghèo và phải trông chờ vào sự hỗ trợ, cứu đói của Nhà nước.

Xuất phát từ thực tế đó, Ban Chấp hành Huyện đoàn Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch, tổ chức ra quân thực hiện Công trình Khai hoang lúa nước với trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang khai hoang ruộng nước nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp nhân dân ổn định lương thực, xóa đói giảm nghèo.

Là một trong những gia đình được thụ hưởng từ Công trình, ông Thào A Lầu ở thôn Pá Khoang, xã Túc Đán chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ canh tác lúa nương, hiệu quả kinh tế thấp, năm nào cũng thiếu ăn. Nhờ có cán bộ tuyên truyền, hỗ trợ, từ năm 2012 đến nay, gia đình tôi tập trung làm lúa nước, mỗi vụ thu trên 2 tấn thóc, góp phần ổn định cuộc sống”.

Tương tự gia đình ông Lầu, ông Trang A Su ở thôn Mù Cao cũng vô cùng phấn khởi khi được thụ hưởng thành quả khai hoang 2ha ruộng nước tại xã Bản Mù, ông Su cho biết: “Tháng 3 năm ngoái, hàng trăm thanh niên cùng bà con trong thôn hăng hái, nhiệt tình ra khai hoang, tuy vất vả nhưng mừng lắm.

Giờ gia đình tôi đã có thể gieo cấy lúa nước được rồi”. Công trình khai hoang lúa nước là công trình đặc biệt ý nghĩa của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Trạm Tấu. Công trình không chỉ giúp người dân khai thác, sử dụng đất sản xuất, bảo vệ tài nguyên môi trường mà còn là dịp để các ĐVTN giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tạo nên sự đoàn kết, quyết tâm dựng xây quê hương vùng cao ngày càng đổi mới. 

Đến nay, Huyện đoàn Trạm Tấu đã triển khai thực hiện Công trình Khai hoang lúa nước được trên 50ha tại các xã: Bản Công, Bản Mù, Làng Nhì, Tà Xi Láng. Trong đó, năm 2014, Công trình khai hoang 3ha ruộng nước tại thôn Tà Chử, xã Bản Công đã huy động trên 1.300 lượt ĐVTN tham gia; năm 2015, Công trình khai hoang 2,5ha ruộng nước tại thôn Bản Công, xã Bản Công huy động trên 1.200 lượt ĐVTN tham gia; năm 2016, Công trình khai hoang 2ha ruộng nước tại thôn Mù Cao, xã Bản Mù đã huy động trên 800 lượt ĐVTN tham gia; năm 2017, Công trình khai hoang 1,5 ha ruộng nước tại thôn Sán Trá, xã Bản Công đã huy động trên 1.000 lượt ĐVTN tham gia. Uớc giá trị làm lợi từ những công trình này đạt trên 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những năm qua, Huyện đoàn Trạm Tấu cũng triển khai hiệu quả các công trình: trồng mới trên 500ha cây sơn tra tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Tà Xi Láng, Phình Hồ, Làng Nhì; trồng mới trên 300 ha cây chè Shan tuyết tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Phình Hồ, Làng Nhì; mở mới và tu sửa trên 100km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Làng Nhì...

Anh Trần Bình Trọng - Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu chia sẻ: “Ở đây, bà con ngoài trồng lúa nước hai vụ chủ yếu vẫn là trồng ngô đồi, do đó, để giúp nhân dân chủ động sản xuất lương thực theo hướng bền vững, những năm qua, Huyện đoàn đã tăng cường nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tập trung khai hoang ruộng nước, nhờ đó mà diện tích lúa nước cũng tăng lên đáng kể. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn này”.

Chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một huyện vùng cao như Trạm Tấu trong phát triển kinh tế - xã hội. Công trình chính là nền tảng vững chắc để người dân có thêm động lực cùng tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mai Linh

Các tin khác
Khu vực xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái có thông tin cụ thể về nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục