An Thịnh: Tiếng nói uy tín, lòng dân đồng thuận
- Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2017 | 11:44:47 AM
YBĐT - Những năm qua, người có uy tín trong cộng đồng tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã trở thành lực lượng nòng cốt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Nhiều gia đình trong thôn Cây Đa tự nguyện hiến một phần đất đang ở, hàng rào kiên cố để làm đường giao thông nông thôn.
|
Nhờ những đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, người có uy tín trong cộng đồng tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã trở thành lực lượng nòng cốt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, người có uy tín ở An Thịnh còn phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc vận động nhân dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Được sự giới thiệu của đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận huyện ủy Văn Yên, chúng tôi về thăm An Thịnh - xã đang từng bước nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) trong năm nay. Sáng tháng Tư, những cơn gió nồm nam thổi nhẹ, con đường dẫn vào thôn Làng Lớn như dài hơn bởi màu xanh mượt của cánh đồng lúa đương thì con gái. Đi khoảng 300 m, chúng tôi dừng xe ở nhà cô Lê Thị Bích Ngọc - Bí thư Chi bộ, cũng là một người có uy tín ở đây.
Sau màn chào hỏi, cô Ngọc bắt đầu câu chuyện thật tự nhiên, rồi cứ thế những buồn vui, vất vả, khó khăn, thuận lợi khi làm công tác vận động, tuyên truyền bà con trong thôn XDNTM được cô chia sẻ. Hóa ra, cảm giác con đường vào thôn như dài hơn của tôi là nhờ có sự triển khai mạnh mẽ, hiệu quả chương trình trồng tập trung 100 ha lúa một giống trên toàn địa bàn xã An Thịnh. Cô Ngọc cho biết: “Lâu nay, bà con trong thôn vẫn quen với sản xuất nông nghiệp manh mún, từ khi có chủ trương của tỉnh trồng tập trung, gieo cấy một giống lúa, bà con trong thôn, nhà nào có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt nên ai cũng đồng thuận”.
Đối với XDNTM ở đây, khó khăn nhất là vận động bà con đóng góp các khoản hỗ trợ. Để có được sự tin tưởng của bà con, Chi bộ thôn thường xuyên tổ chức họp để phổ biến, triển khai cụ thể các phần việc. Trực tiếp lắng nghe, xin ý kiến bà con, sau khi bà con nhất trí biểu quyết, Chi bộ thôn mới bắt đầu tiến hành. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ luôn đi đầu thực hiện trước. “15 đảng viên trong thôn xác định phải là 15 tấm gương tiên phong làm mẫu. Có được sự tin tưởng của bà con trong thôn, năm 2011, để xây bờ rào nhà văn hóa, toàn Chi bộ biểu quyết nhất trí mỗi đảng viên đóng góp 50.000 đồng; năm 2015, để có được kinh phí làm nhà văn hóa mỗi đảng viên cũng gương mẫu đi trước đóng góp 100.000 đồng, người dân đóng góp công lao động 120.000 đồng. Đến nay, nhà văn hóa thôn đã được hoàn thành khang trang, sạch đẹp” - Cô Ngọc cho biết thêm.
Được biết, trước đây thôn Làng Lớn còn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học nhiều. Phát huy vai trò của người có uy tín cùng với sự chỉ đạo của Chi bộ, mỗi đồng chí đảng viên được phân công phụ trách 1 khu dân cư để đến trực tiếp từng nhà động viên, thuyết phục phụ huynh cho con em đi học. Thậm chí là ủng hộ cả những vật dụng học tập cần thiết để các cháu tiếp tục đến lớp. Đã 5 năm, thôn không còn trường hợp nào bỏ học.
Cùng với chung tay XDNTM, Chi bộ thôn Làng Lớn cũng tập trung tuyên truyền bà con trong thôn giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Để xây dựng 3 bể chứa, tiêu hủy rác thải, bao bì hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, bà con đã cùng nhau đóng góp 10.000 đồng/ gia đình. Xây dựng bể chứa xong, đều đặn thứ 4 hàng tuần, các cháu thanh thiếu niên lại cùng nhau nhặt rác, tập kết lại bể chứa rồi đốt tiêu hủy.
Trên con đường bê tông sạch đẹp, đồng chí Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đưa tôi tới thôn Cây Đa gặp cô Hoàng Thị Xuyến - Trưởng thôn, cô Xuyến chia sẻ: “Khoảng 2 năm trước, vào thôn Cây Đa chỉ toàn đường đất thì đến nay đã được bê tông hóa, góp phần vào thành công đó có không ít gia đình đã tự nguyện hiến cả một phần đất đang ở để làm đường”.
Vận động bà con đóng góp tiền cùng với nguồn vốn kích cầu của Nhà nước, đến nay thôn Cây Đa đã xây dựng được 600 m đường bê tông, các tuyến còn lại, đồng chí Trưởng thôn trực tiếp đứng ra vận động bà con thuê xe chở đá cấp phối về trải. Đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường XDNTM ở thôn Cây Đa, có gia đình ông Nguyễn Văn Thủy đã tự nguyện dỡ đi 1 gian nhà để thông tuyến đường, đảm bảo giao thông trong thôn xóm thuận lợi.
Nhiều gia đình khác khi mở rộng hành lang phá cả tường rào xây kiên cố để có được mặt bằng tuyến đường rộng, thông thoáng. Bên cạnh đó, cùng với 5 thôn khác trong xã, vừa qua thôn Cây Đa đã hoàn thành tuyến đường bê tông lên nghĩa trang, không để đường trơn, lầy lội nữa.
Bể rác thải nội đồng được xây dựng nhờ vận động, tuyên truyền và đóng góp của bà con nhân dân thôn Làng Lớn đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Có được những kết quả ấy, không phải không có những khó khăn, cô Xuyến cho biết: “Những ngày đầu bắt tay vào XDNTM, thôn Cây Đa gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, đặc biệt là tâm lý e ngại của bà con và cả những ý kiến trái chiều. Để có được sự đồng thuận cao, quan trọng nhất chính là tính dân chủ, minh bạch tại cơ sở và bản thân người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Có như thế bà con mới nghe và làm theo”.
Xã An Thịnh có trên 9.000 nhân khẩu, trong đó 65% là bà con đồng bào công giáo, 90% bà con là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Năm 2017, UBND huyện chủ trương đưa An Thịnh phấn đấu trở thành xã NTM, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên luôn quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.
Đồng chí Cao Văn Chỉ - Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy khẳng định: “Từ chỗ làm tốt việc tuyên truyền, vận động để bà con đồng thuận, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm, nắm bắt tâm tư tình cảm của nhân dân để có phương án điều chỉnh phù hợp. Xác định rõ người dân chính là chủ thể trong XDNTM, giúp bà con nhân dân nhận thức được lợi ích từ XDNTM. Trong đó, chú trọng, xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân cư. Tất cả các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số đều có người có uy tín, các thôn có đồng bào giáo dân đều có người cốt cán trong đồng bào công giáo và đều phát huy rất hiệu quả vai trò của mình”.
Đến nay, xã An Thịnh đã đạt được 12/19 tiêu chí trong XDNTM. Đối với 7 tiêu chí chưa đạt, Đảng ủy, chính quyền xã quyết tâm tập trung lãnh, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí để đầu tư, nâng cấp, xây dựng 8 nhà văn hóa thôn chưa đạt tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch giảm hộ nghèo năm 2017 giảm xuống 11,97% và các thôn đều được công nhận thôn văn hóa; tiếp tục tranh thủ các chương trình hỗ trợ từ chính sách xóa đói, giảm nghèo, các chính sách về nhà ở để năm 2017 toàn xã không có nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt từ 80% trở lên…
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25/4, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.
Sau những ngày mát mẻ do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 25-4, miền Bắc sẽ tăng nhiệt trở lại.
YBĐT - Với tiêu chí “Mỗi ngày chủ nhật trong Tháng hành động là một ngày chủ nhật xanh”, sau các lễ phát động, hàng trăm ĐVTN đã tình nguyện xuống đường quét dọn, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường trên các trục đường chính, khu dân cư, khơi thông cống rãnh, kênh mương, trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, tu sửa đường giao thông liên thôn...