Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Vì sao người lao động chưa mặn mà?

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 10:35:39 AM

YBĐT - Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 đã mở ra cơ hội được thụ hưởng tới đông đảo nhân dân, nhất là bộ phận lao động tự do... Tuy nhiên, trên thực tế số người tham gia loại hình bảo hiểm này còn khá khiêm tốn. Một câu hỏi đặt ra là vì sao người lao động (NLĐ) chưa mặn mà với BHXH tự nguyện và giải pháp nào để thu hút lực lượng lao động tham gia BHXHTN?

Thu nhập thấp, không ổn định nên việc tham gia BHXHTN là rất khó khăn đối với người lao động ở nông thôn.
Thu nhập thấp, không ổn định nên việc tham gia BHXHTN là rất khó khăn đối với người lao động ở nông thôn.

Tham gia BHXHTN, NLĐ tự do có thu nhập thấp, không ổn định sẽ được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Đây là một chính sách an sinh xã hội hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hoặc còn mơ hồ về loại hình bảo hiểm này.

Nói về loại hình BHXHTN, chị Nguyễn Thị Thanh - người bán hàng rau trên địa bàn phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết:

- Trước giờ tôi chỉ nghe nói đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, chứ không biết đến loại hình bảo hiểm này. Mà nếu có biết thì với mức đóng và hưởng khi về hưu như chị nói thì tôi cũng không có điều kiện để tham gia.

Với mức thu nhập bình quân hiện nay của chị Thanh là 2 triệu đồng/tháng thì mỗi tháng chị phải đóng bình quân 22% tương đương 440.000 đồng, tổng số tiền mỗi năm đóng là 5.280.000 đồng và sau 20 năm chị sẽ phải đóng 105,6 triệu đồng. Khi đó chị sẽ được hưởng lương hưu, mỗi tháng bằng 45% thu nhập hàng tháng đã đóng, tức khoảng 900.000 đồng cộng thêm tiền theo tỷ lệ trượt giá do Chính phủ quy định.

Hiện nay, NLĐ tự do trên địa bàn tỉnh có thu nhập chỉ khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, số tiền này dành cho chi tiêu hàng ngày đã là một bài toán khó, nếu trích 22% ra đóng BHXHTN thì quả là không dễ dàng. Ông Nguyễn Danh Nguyên, ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái chia sẻ:

 - Thu nhập từ mấy sào ruộng của một nông dân như tôi không đủ để trang trải chi phí trong cuộc sống hàng ngày và học hành cho con cái, nói gì đến việc tham gia BHXHTN.

Tâm sự của ông Nguyên cũng là nỗi niềm chung của nhiều NLĐ tự do hiện nay, rất mong muốn khi về già được nhận một khoản lương hưu để trang trải cuộc sống hàng ngày, nhưng với khoản thu nhập không mấy dư dả khiến đa phần không dám nghĩ đến việc tham gia BHXHTN.

Nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXHTN đạt thấp là do: công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng. Đến nay, nhiều NLĐ vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXHTN, thậm chí, một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXHTN; NLĐ chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già; thu nhập của NLĐ ở nông thôn thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, mạng lưới đại lý thu BHXHTN trình độ còn hạn chế, nên chưa thuận tiện cho NLĐ tham gia (người muốn tham gia BHXHTN nhưng không biết tham gia như thế nào, đóng ở đâu, mức đóng bao nhiêu, được hưởng các quyền lợi gì...).

Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXHTN, chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXHTN trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXHTN. Đồng thời, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXHTN của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, thiếu quan tâm, có nơi coi đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH…

Một nguyên nhân nữa làm cho phần lớn NLĐ không mặn mà với BHXHTN là vì người tham gia BHXHTN ngoài việc phải lo hoàn toàn việc đóng phí thì chỉ được hưởng 2 chế độ đó là hưu trí và tử tuất, trong khi những người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ và được người sử dụng lao động chỉ đóng một phần phí. Nhiều người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho biết, họ rất băn khoăn giữa việc tham gia BHXHTN hay gửi tiền tiết kiệm.

Chị Bùi Minh Huệ, chủ tiệm may quần áo nằm trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái tâm sự:

- Tôi cũng đã tìm hiểu về BHXHTN nhưng thấy quyền lợi rất ít. Ví dụ như người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng tới 5 chế độ (thai sản, ốm đau, tử tuất, hưu trí, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp) và được người sử dụng lao động hỗ trợ phí đóng, trong khi đó người tham gia BHXHTN phải lo đóng phí hoàn toàn mà chỉ được hưởng 2 chế độ là (hưu trí và tử tuất). Thêm nữa nếu tham gia BHXHTN thì chỉ được hưởng chế độ hưu mới được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Chính sách như vậy, hỏi rằng 20 năm trước mắt, lỡ ốm đau bệnh tật, thì phải làm sao? Nhiều người cũng bảo tôi, có tiền cứ gửi tiết kiệm ngân hàng hay hơn nên tôi cũng phải tính.

Sau 8 năm triển khai BHXHTN, đến nay toàn tỉnh có 2.633 người tham gia với số tiền trên 4,2 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch. Trong đó, thành phố Yên Bái có 843 người tham gia, thị xã Nghĩa lộ 156 người, Lục Yên 208 người, Văn Yên 213 người, Trấn Yên 419 người, Văn Chấn 251 người, Mù Cang Chải 48 người, Trạm Tấu 20 người.

Phần lớn người tham gia BHXHTN là những lao động trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc, đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH và NLĐ tự do có thu nhập cao còn NLĐ có thu nhập trung bình và thấp thì hầu như không tham gia. Mặc dù đối tượng tham gia ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng việc mở rộng đối tượng tham gia còn rất khiêm tốn, nhất là ở các huyện nghèo, trình độ dân trí không đồng đều.

Tham gia BHXHTN thì chỉ khi được hưởng chế độ hưu mới được chế độ bảo hiểm y tế.

Để thu hút được người dân tham gia BHXHTN, ngành BHXH cũng cần kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHXHTN như người tham gia BHXH bắt buộc; tăng thêm mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng tham gia. BHXH tỉnh Yên Bái tích cực phối hợp với Bưu điện tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn đại lý thu, bưu điện văn hoá xã tích cực xuống các thôn bản, tổ dân phố vận động, tuyên truyền người dân tham gia BHXHTN; chỉ đạo BHXH cấp huyện phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để mở rộng đại lý thu xã, phường, thị trấn; phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu, hoặc điểm thu BHXHTN; mở các lớp tập huấn chính sách BHXHTN đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân; giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXHTN đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu bưu điện các huyện.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần xác định BHXHTN là nhiệm vụ mang tính cộng đồng, tính xã hội, bởi vậy, không riêng một ngành, một địa phương có thể tự làm được mà cần phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ngành, các địa phương trong tỉnh. Có như vậy, mới mong NLĐ tham gia đóng BHXHTN, hướng tới mục tiêu “Bảo hiểm toàn dân” như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Từ ngày 1/1/2018, theo Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện, thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 25% kinh phí cho người lao động (NLĐ) thuộc diện cận nghèo, 30% cho NLĐ thuộc diện nghèo và 10% mức đóng cho NLĐ khác theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau: đóng hàng tháng, đóng 3 tháng một lần, đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Hồng Duyên

Các tin khác
Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương bấm nút Khai mạc tháng ATVSLĐ và tháng Công nhân

Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Sự kiện do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục