Khẳng định thương hiệu “YTV”
- Cập nhật: Thứ tư, 21/6/2017 | 8:31:00 AM
YBĐT - Từ khi thực hiện Đề án phát sóng trên vệ tinh, truyền hình Yên Bái phát sóng liên tục từ 6 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, trong đó tự sản xuất bảo đảm trên 6 giờ/ngày. Mỗi tháng, Đài sản xuất 9 chương trình truyền hình tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Dao; mỗi ngày trên kênh YTV phát sóng 1 chương trình truyền hình tiếng dân tộc.
Cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất chương trình.
(Ảnh: Thành Trung)
|
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự giúp đỡ của hai đài trung ương, của các cấp, các ngành và sự cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ làm báo nói, báo hình tỉnh nhà, sự nghiệp phát thanh - truyền hình (PT-TH) Yên Bái đã từng bước trưởng thành, theo kịp với yêu cầu của thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển chung của tỉnh.
Đối với PT-TH, kỹ thuật công nghệ là yếu tố quan trọng trong sản xuất chương trình và đưa thông tin đến với người nghe, người xem. Do đó, trong quá trình phát triển, Đài PT-TH Yên Bái luôn quan tâm đến việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến chuyên ngành để nâng cao chất lượng tờ báo nói, báo hình tỉnh nhà. Riêng về truyền dẫn phát sóng, từ chỗ Đài chỉ có 1 máy phát sóng truyền hình công suất 100 W dần dần lên 500 W, 2 kW rồi 5 kW.
Trên địa bàn tỉnh xây dựng 5 trạm phát lại truyền hình ở 5 khu vực, mỗi trạm 3 máy phát công suất từ 1 đến 2 kW và trên 40 trạm phát lại truyền hình ở các huyện, thị, thành phố. Với phát thanh, từ 1 máy phát sóng ngắn 2,4 kW đã thay thế bằng máy phát FM công suất 5 kW phủ sóng toàn tỉnh.
Mặc dù vậy, do địa hình đồi núi chia cắt nên việc tiếp, phát sóng địa phương mới chỉ khắc phục ở vùng thấp và trung tâm các huyện, thị, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trên địa bàn vẫn còn nhiều nơi “đói” thông tin từ PT-TH, nhất là ở vùng cao, vùng sâu.
Để khắc phục hạn chế và giải quyết “ách tắc” này, từ năm 2011, được sự quan tâm của tỉnh, Đài PT-TH Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng PT-TH Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015”. Sau khi được HĐND tỉnh nghị quyết thông qua và UBND tỉnh phê duyệt, Đài bắt tay vào triển khai thực hiện.
Với thuận lợi cơ bản này, năm 2013, các nội dung cơ bản của Đề án từng bước được thực hiện, như: tham mưu với tỉnh tuyển chọn thêm nguồn nhân lực, cử hơn hai chục phóng viên, biên tập viên tham dự lớp đại học báo chí, 8 người đi đào tạo trên đại học, các trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư bổ sung, đặc biệt là lề lối, tác phong làm việc của tất cả các bộ phận thay đổi theo nhịp điệu, phương pháp mới. Khung chương trình phát sóng hàng ngày được xây dựng lại, mở thêm các chuyên mục mới, sát với yêu cầu cuộc sống đối với cả tiếng phổ thông và 3 thứ tiếng dân tộc Thái. Mông, Dao.
Nhờ đó, đến cuối năm 2013, những điều kiện cơ bản cho việc phát sóng trên vệ tinh đã hoàn tất và từ ngày đầu tiên của năm 2014, trên vệ tinh đã có thêm kênh YTV phát sóng phục vụ nhu cầu nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh, giải quyết được “bài toán” khó khăn nhất lâu nay phải tìm lời giải đó là việc phủ sóng chương trình PT-TH tỉnh đến các vùng miền. Như vậy, từ thời điểm này, các chương trình PT-TH Yên Bái đã đến với người nghe, người xem thông qua trạm phát sóng trung tâm, thu từ vệ tinh, qua truyền hình cáp, từ tín hiệu trên Mytv, FPT và phát trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử yenbaitv.org.vn
Tiếp tục lộ trình phát triển, trong 2 năm 2015 và 2016, Đài thực hiện thêm Đề án “Hỗ trợ tác nghiệp báo chí” với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng đầu tư các trang thiết bị sản xuất chương trình, nâng cấp trường quay, phương tiện tác nghiệp của phóng viên theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Nhờ đó, Đài có thêm những điều kiện cơ bản để thực hiện mục tiêu tăng thời lượng đi đôi với nâng cao chất lượng các chương trình PT-TH phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cùng với tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, những năm qua, Đài luôn quan tâm đến việc tuyển chọn, bổ sung và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đến nay, đã có trên 90% cán bộ, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng, 10 người có bằng thạc sỹ chuyên ngành, trên 50% cán bộ, viên chức có trình độ lý luận từ trung cấp trở lên.
Thông qua việc phối hợp với các cấp các ngành, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, hàng năm tổ chức liên hoan PT-TH, Đài đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên tích cực, nhất là cán bộ, phóng viên 9 đài huyện, thị, thành phố, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành y tế, khoa học và công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh... Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp PT-TH trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, tờ báo nói, báo hình tỉnh nhà không ngừng tăng thời lượng đi đôi với nâng cao chất lượng làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về phát thanh tiếng Việt, từ chỗ mỗi ngày phát sóng 1 chương trình 15 phút, rồi tăng lên 2 chương trình, đến nay, hàng ngày sản xuất, phát sóng 3 chương trình thời sự tổng hợp, 2 chương trình văn nghệ ca nhạc, mỗi chương trình 30 phút. Ba thứ tiếng dân tộc (Thái, Mông, Dao), mỗi thứ tiếng một ngày phát 1 chương trình thời lượng 30 phút, tăng gấp đôi so với trước đây.
Khi mới ra đời, truyền hình Yên Bái mỗi tuần sản xuất phát sóng 1 chương trình, dần dần tăng lên 3 rồi 5 chuơng trình/tuần. Từ năm 2002 nâng lên mỗi ngày 1 chương trình thời lượng 30 phút đến 45 phút. Năm 2007 tăng lên 60 phút, đến năm 2009 mỗi ngày sản xuất 2 chương trình thời sự tổng hợp, thời lượng 150 phút.
Từ khi thực hiện Đề án phát sóng trên vệ tinh, truyền hình Yên Bái phát sóng liên tục từ 6 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, trong đó tự sản xuất bảo đảm trên 6 giờ/ngày gồm 4 chương trình thời sự tổng hợp, các chương trình thiếu nhi, văn nghệ, các chuyên mục, chuyên đề, chương trình hợp tác sản xuất, phim truyện và tiếp sóng chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Đài luôn quan tâm đến việc mở thêm các loại báo chí mới phù hợp với đối tượng nghe, xem.
Cùng với phát thanh, từ năm 1997, Đài PT-TH tỉnh là đài địa phương đầu tiên ở khu vực sản xuất chương trình truyền hình tiếng Mông mỗi tháng một chương trình, sau đó tăng lên 4 chương trình một tháng. Từ năm 2010 mở thêm truyền hình tiếng Dao; năm 2011, thêm chương trình tiếng Thái chuyển phát tại các trạm phát lại có đồng bào Thái sinh sống và cộng tác với VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam. Từ khi phát sóng vệ tinh, mỗi tháng, Đài sản xuất 6 chương trình truyền hình tiếng Mông, 3 chương trình tiếng Thái, 3 chương trình tiếng Dao, mỗi ngày trên kênh YTV phát sóng 1 chương trình truyền hình tiếng dân tộc.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên sóng PT-TH và Trang Thông tin điện tử, những năm qua, Đài đặt lên hàng đầu việc thường xuyên cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức các chương trình phát sóng. Đó là thông tin kịp thời, chính xác, đúng định hướng của Đảng, mở trên 30 chuyên đề, chuyên mục để tuyên truyền sâu các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng quan trọng của tỉnh; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên, tạo điều kiện mở rộng diện phản ánh, cập nhật các vấn đề, sự kiện diễn ra tại cơ sở để phát trong chương trình PT-TH hàng ngày.
Trong đó, từ năm 1992 đến nay, Đài đã tổ chức 16 cuộc liên hoan PT-TH, 9 cuộc liên hoan tiếng hát PT-TH Yên Bái, phối hợp tổ chức thành công 15 giải bóng đá Nhi đồng Cúp PT-TH Yên Bái. Bình quân mỗi năm, tổ chức 10 cuộc truyền hình trực tiếp các sự kiện quan trọng diễn ra tại địa phương.
Thông qua bồi dưỡng, đào tạo và ý thức tự rèn luyện, học tập trong thực tế cuộc sống, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác PT-TH trong tỉnh từng bước nâng lên. Đài PT-TH Yên Bái đã giành nhiều giải thưởng của Giải Báo chí quốc gia và Giải Báo chí tỉnh Yên Bái.
Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay đã giành 1 giải B, 4 giải C, 1 giải khuyến khích báo chí quốc gia, 7 huy chương vàng, 8 huy chương Bạc cùng nhiều bằng khen Liên hoan PT-TH toàn quốc. Năm 2012, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2013, 2015 được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Cờ thi đua xuất sắc cùng nhiều bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tự hào với truyền thống vẻ vang 92 năm báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế, những người làm công tác PT-TH Yên Bái tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ mở rộng diện phủ sóng đi đôi với nâng cao chất lượng các chương trình PT-TH, trong đó triển khai có hiệu quả lộ trình truyền dẫn, phát sóng số hóa mặt đất giai đoạn 2018 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh.
Hà Minh Ất - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2017, ngay từ đầu năm, Đảng ủy và chính quyền xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã giao cho các tổ chức đoàn thể phụ trách lĩnh vực vệ sinh môi trường mà Hội Phụ nữ xã đóng vai trò nòng cốt.
YBĐT - Ngày 20/6, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn khóa XIII Yên Bái tổ chức Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 7 sơ kết công tác Đoàn – Hội và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
YBĐT - Để có một chương trình phát thanh - truyền hình đến với công chúng thì cần sự đóng góp công sức của rất nhiều người, trong đó không thể không nói đến vai trò quan trọng của những người luôn thầm lặng sau các chương trình, sau cánh sóng. Họ được coi như những “ong thợ” luôn cần mẫn, chăm chỉ với nghề. Đó là những kỹ thuật viên sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng của Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh Yên Bái.
Tính đến ngày 4/6, cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 47 tỉnh, thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong.