Đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại 37 huyện nghèo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/6/2017 | 8:35:06 AM

Thực hiện dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đến tháng 6/2017 đã có 78 bác sỹ được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh.

Các bác sỹ tình nguyện cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân.
Các bác sỹ tình nguyện cấp thuốc miễn phí cho các bệnh nhân.

Trong số trên có 25 bác sỹ tuyển dụng vào 12 bệnh viện trực thuộc Bộ, tình nguyện công tác tại 19 huyện thuộc 10 tỉnh và 53 bác sỹ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo của 12 tỉnh được tiếp nhận và đào tạo chuyên khoa I theo hướng “cầm tay chỉ việc,” được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó sẽ công tác lâu dài tại các huyện nghèo - nơi tuyển dụng và cử đi đào tạo.

Dự kiến ngày 28/6, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ bàn giao bảy bác sỹ trẻ khóa I về công tác tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về lễ bàn giao bác sỹ trẻ chuyên khoa I tình nguyện về công tác ở vùng khó khăn do Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) tổ chức chiều 22/6, tại Hà Nội.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phạm Văn Tác cho biết hiện nay, hệ thống y tế công lập tại các vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế.

Trong khi đó, những năm qua, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề đào tạo; tập trung ở vùng thuận lợi, không mặn mà với việc trở lại địa phương công tác hoặc về các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa.

Qua báo cáo của các sở y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo là khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó bảy chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội 53 bác sỹ, Ngoại 49 bác sỹ, Sản 55 bác sỹ, Nhi 44 bác sỹ, Hồi sức cấp cứu 47 bác sỹ, Truyền nhiễm 35, Chẩn đoán hình ảnh 33 bác sỹ, với tổng số là 316 bác sỹ.

Trước tình hình trên, năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo).”

Mục tiêu của Dự án là tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế (cụ thể là các bác sỹ) đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở.

Bộ Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng mới và trình Bộ trưởng ban hành chương trình khung và chương trình chi tiết 10 chuyên ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền. Các chương trình này chú trọng năng lực thực hành, có chỉ tiêu tay nghề cụ thể, đảm bảo các bác sỹ trẻ tình nguyện có thể làm việc độc lập tại các huyện nghèo. Như vậy, tổng số học viên đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa là 78 bác sỹ.

Theo Vụ trưởng Phạm Văn Tác, do Dự án lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là số lượng bác sỹ đăng ký nhiều nhưng sau khi sàng lọc hồ sơ thì không đủ điều kiện tham gia dự án (như tốt nghiệp trung bình khá, đa số tốt nghiệp bác sỹ ngành y học dự phòng, một số gia đình không đồng ý cho bác sỹ trẻ tham gia Dự án, một số bác sỹ tốt nghiệp các chuyên ngành không thuộc 10 chuyên ngành dự án hiện tại đang đào tạo, quá tuổi...).

Đồng thời, số lượng bác sỹ được tuyển dụng và cử đi đào tạo ít trong khi có nhiều chuyên khoa khác nhau nên việc tổ chức lớp để đào tạo cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận và tuyển dụng của các bệnh viện trực thuộc Bộ còn hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chính sách tinh giản biên chế...

Thời gian tới, Dự án tiếp tục làm việc với các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế để tiếp nhận, tuyển dụng các bác sỹ trẻ tình nguyện đủ tiêu chuẩn tham gia dự án; đồng thời rà soát, khảo sát thực trạng, nhu cầu bác sỹ, nhu cầu đào tạo chuyên khoa I tại các huyện nghèo.

Dự án sẽ tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 bác sỹ tham gia dự án; theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ bác sỹ trẻ đến công tác tại các huyện nghèo; kiểm tra, giám sát các hoạt động, nối mạng thông tin, thường xuyên giao lưu, cập nhật thông tin giữa bác sỹ trẻ tình nguyện, bệnh viện tuyển dụng, cơ sở đào tạo, bệnh viện/trung tâm y tế tại huyện nghèo...

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Hàng ngày, các thành viên Tổ tự quản về ATGT Trường THCS Quang Trung đã phân công nhau điều tiết, đưa học sinh sang đường theo hướng đi bên phải

Hơn 1.700 tổ tự quản về an ninh trật tự và gần 450 tổ tự quản về an toàn giao thông toàn tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần phát huy tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục