Để trẻ em Yên Bái được phát triển bền vững và toàn diện

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/6/2017 | 7:55:10 AM

YBĐT - Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng. Trẻ em được chăm lo, được học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh.

Dạy bơi cho trẻ để phòng tránh tai nạn đuối nước.
Dạy bơi cho trẻ để phòng tránh tai nạn đuối nước.

Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) vẫn diễn ra. Vào dịp nghỉ hè, số vụ trẻ em bị TNTT gia tăng. Trước tình hình đó, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ nhỏ, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống TNTT.

TNTT ở trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, song phần lớn là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn trong việc trông nom, chăm sóc con trẻ.

Gần nửa năm đã trôi qua nhưng mỗi lần nhìn thấy vết sẹo trên chân con trai 5 tuổi là chị Nguyễn Thị Hương ở tổ 8 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái lại ân hận bởi nếu chị cẩn thận hơn thì tai nạn đã không xảy ra.

Hôm ấy, chị Hương cho con đi chợ cùng, mải chọn đồ, chị không để ý con mình chạy ra đường và va chạm với một chiếc xe máy. May mắn con trai chị chỉ bị ngã, khâu 5 mũi ở chân. Vẫn biết là trẻ con hiếu động nhưng sau tai nạn đó, khi đưa con đi đâu chị Hương không bao giờ rời mắt khỏi con và thường xuyên nhắc nhở con không được chạy ra đường chơi một mình.

Đã một năm, kể từ ngày em N.T.L. 7 tuổi, ở xã Xuân Ái, huyện Văn Yên ra đi mãi mãi do đuối nước. Căn nhà nhỏ của chị L.T.T. mẹ em L. vẫn bao trùm trong sự vắng lặng, u buồn.

Chị T. tâm sự: “Chỉ trong khoảng 15-20 phút lơ là trước giờ cơm trưa, L. ra phía sau nhà chơi rồi không may rơi xuống hố ga sâu gần 2m ngập nước. Gia đình đi tìm khắp các khu vực con hay chơi, nhưng không hề nghĩ tới hố nước nằm ngay phía sau nhà chưa đến 10m. Cho đến tận chiều cùng ngày, gia đình tôi mới tìm thấy cháu, lúc đó con tôi đã không còn nữa”.

Thật đáng buồn là những trường hợp đuối nước, TNTT thương tâm như của em L. không phải là hiếm trong thời gian qua trên địa bàn.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh năm 2016, toàn tỉnh có 27 trẻ tử vong do TNTT. Các trường hợp TNTT thường gặp như: bỏng nước, đuối nước, ngã xe, bị vật nặng rơi vào…

Trẻ vùng nông thôn thường gặp TNTT như: đuối nước, ngã từ trên cây, bị súc vật cắn… Trẻ khu vực thành thị gặp TNTT như: bị vật nặng rơi vào, bị bỏng nước sôi, bị ngã khi đang chơi, bị tai nạn giao thông do chạy nhảy ven đường…

Thực tế tình trạng TNTT ở trẻ em diễn ra khá phổ biến vì lý do trẻ vốn hiếu động, thích khám phá, leo trèo, nghịch ngợm, tắm ở sông, ao hồ, không nhận thức hết được những nguy hiểm có thể xảy ra.

Trong khi đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn, phòng chống TNTT cho các em và thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ chặt chẽ. Môi trường sống của trẻ em ở một số nơi chưa thật sự an toàn nên nhiều tình trạng TNTT hết sức thương tâm. TNTT gây đau đớn cho trẻ và cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

Đặc biệt, nhiều trường hợp TNTT dễ dẫn đến tử vong, nhất là đuối nước. Trong số 27 trường hợp trẻ em tử vong do TNTT trên địa bàn tỉnh năm 2016, có 25 trẻ tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân gây TNTT ở trẻ thì có tới 60% ca thương tích và đuối nước có thể tránh được nếu các em nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình, cộng đồng...

Nhằm giảm thiểu tình trạng TNTT trẻ em, các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa TNTT và các kiến thức cơ bản về phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em. Xây dựng “Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em”, “Ngôi nhà an toàn”; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh bổ ích và an toàn cho trẻ.

Qua đó, các bậc phụ huynh cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho con em mình, đặc biệt là kỹ năng bơi lội.

Tại một số bể bơi trên địa bàn tổ chức các khóa học bơi đã thu hút đông đảo phụ huynh đến đăng ký cho con em mình theo học. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy nhận thức của các phụ huynh về việc chủ động phòng tránh TNTT cho trẻ được nâng cao.

Ngoài ra, song song với việc triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ em, thì việc trang bị cho các em những kỹ năng sống là hết sức quan trọng. Qua đó, giúp các em chủ động hơn, hình thành những suy nghĩ đúng đắn, những đức tính cần có và quan trọng nhất là giúp các em nắm được các kỹ năng hữu ích để áp dụng trong cuộc sống, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ…

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Những vụ TNTT gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra với trẻ có thể để lại nỗi ân hận đeo đẳng các bậc phụ huynh cũng như ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý của trẻ. Những hành động chủ quan tưởng chừng đơn giản của người lớn như: không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe máy, để trẻ tự do bơi lội ở sông, hồ, ở nhà một mình… có thể vô tình đặt trẻ em trước những nguy cơ TNTT với hậu quả khôn lường".

"Bên cạnh trách nhiệm của các bậc phụ huynh thì toàn xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giáo dục cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình, xây dựng những sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em” - ông Sơn nói.

Đầu tư, quan tâm cho công tác phòng, chống TNTT trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững và toàn diện của trẻ em và mỗi gia đình. Do đó, cần hơn nữa sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng và quan trọng nhất là của chính các gia đình trong việc thực hiện công tác phòng, chống TNTT trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các em.

Thu Hiền

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục