Nỗ lực vì người lao động - Bài 1: Vì quyền lợi người lao động, vì lợi ích đoàn viên

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/6/2017 | 8:17:23 AM

YBĐT - "Lẽ thường, người lao động đủ điều kiện hưu trí thì được nghỉ chế độ là chuyện đương nhiên. Song, với tôi cũng như một số công nhân khác, nếu không có sự vào cuộc của cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh thì không biết đến bao giờ mới được cầm sổ hưu" - ông Trần Trọng Minh chia sẻ.

Công nhân Công ty cổ phần Đức Hạnh BMG luôn yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.
Công nhân Công ty cổ phần Đức Hạnh BMG luôn yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.

Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động là chức năng trung tâm của tổ chức công đoàn (CĐ). Tại Đại hội CĐ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ  2013 - 2018 đã đưa ra mục tiêu: "Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động...". Nội dung này đã được các cấp CĐ trong tỉnh hiện thực hóa bằng những việc làm, hành động cụ thể, mang lại ý nghĩa thiết thực đối với công nhân, viên chức, lao động.   

Bảo vệ kịp thời quyền lợi người lao động
 
Chính thức được hưởng lương theo chế độ hưu trí từ tháng 5/2015, với ông Trần Trọng Minh ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) điều đó thực sự có ý nghĩa. "Lẽ thường, người lao động (NLĐ) đủ điều kiện hưu trí thì được nghỉ chế độ là chuyện đương nhiên. Song, với tôi cũng như một số công nhân khác, nếu không có sự vào cuộc của cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thì không biết đến bao giờ mới được cầm sổ hưu" - ông Trần Trọng Minh chân thành chia sẻ.

Chia sẻ ấy cũng là nỗi niềm chung của nhiều NLĐ khác từng là công nhân của Công ty cổ phần (CTCP) Chè Văn Hưng đóng trên địa bàn xã Thịnh Hưng (Yên Bình).

Theo ông Minh, ngày 17/3/2015, ông cùng 4 công nhân đại diện cho 19  công nhân lao động (CNLĐ) thuộc CTCP Chè Văn Hưng đến LĐLĐ tỉnh Yên Bái kiến nghị về việc giải quyết chế độ BHXH. Ông Minh cho biết: "Khi thấy đủ điều kiện để nghỉ chế độ hưởng BHXH, chúng tôi đã đề nghị Công ty giải quyết cho mình được nghỉ theo luật định".

"Nhưng chờ đợi mà không thấy được giải quyết, chúng tôi tìm hiểu mới được biết là do còn vướng mắc liên quan đến tiền đóng BHXH (bảo hiểm xã hội) của Công ty với cơ quan BHXH. Chúng tôi là NLĐ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị lên LĐLĐ tỉnh mong được bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi" - ông Minh kể lại.

Tiếp nhận và xem xét đơn đề nghị của 19 CNLĐ của CTCP Chè Văn Hưng, ngày 13/4/2015, Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh đã cùng với Chủ tịch CĐ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đến làm việc với Giám đốc và Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS (CĐCS) Công ty.

Sau khi xem xét thì số CNLĐ của Công ty cần thực hiện chế độ chính sách BHXH là 66 người chứ không phải 19 người có tên trong đơn vì đến thời điểm hết quý I/2015, Công ty còn đang nợ số tiền bảo hiểm là trên 3,97 tỷ đồng, trong đó nợ số tiền bảo hiểm là 3,38 tỷ đồng và lãi chậm nộp là 584 triệu đồng.

Qua làm việc, LĐLĐ đã có một số đề nghị cụ thể đối với Công ty và BHXH tỉnh nhằm tháo gỡ vấn đề. Đến ngày 15/4/2015, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa LĐLĐ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh, BHXH huyện Yên Bình, CĐ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với Ban Giám đốc, Chủ tịch CĐCS CTCP Chè Văn Hưng nhằm tìm biện pháp giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ do nợ đọng BHXH kéo dài.

Ngay sau hội nghị, LĐLĐ tỉnh đã có ý kiến đối với các cơ quan, đơn vị liên quan. Theo đó, LĐLĐ tỉnh đề nghị Ban Giám đốc BHXH tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho CTCP Chè Văn Hưng thực hiện văn bản số 2266/BHXH-BT ngày 20/6/2016 của BHXH Việt Nam theo lộ trình: Ưu tiên để Công ty nộp đủ số tiền nợ BHXH của 66 CNLĐ tính đến tháng 5/2015 để giải quyết chính sách cho NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc chốt sổ BHXH…; cấp thẻ BHYT năm 2015 cho NLĐ thuộc Công ty; đề nghị CTCP Chè Văn Hưng phải cam kết nộp đủ số tiền nợ còn lại (cả gốc lẫn lãi chậm nộp) của toàn bộ số lao động đang làm việc và tham gia BHXH, kế hoạch cụ thể do hai bên thỏa thuận.

Đồng thời, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác định những khó khăn thực sự của CTCP Chè Văn Hưng để phối hợp và có ý kiến với BHXH tỉnh tạo điều kiện giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ CTCP Chè Văn Hưng.

Không lâu sau đó, những CNLĐ của CTCP Chè Văn Hưng đã được giải quyết chế độ. Ông Trần Trọng Minh chia sẻ thêm: "Qua sự việc cụ thể mà chính mình là người trong cuộc được thụ hưởng, NLĐ chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn quyền lợi chính đáng của mình đã được tổ chức CĐ bảo vệ như thế nào!".

Cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Hữu nghị quốc tế được làm việc 7 tiếng/ ngày theo thoả ước lao động tập thể.

Sâu sát để chăm lo lợi ích NLĐ

Cùng với việc kịp thời đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, các cấp CĐ trong tỉnh đã thường xuyên sâu sát cơ sở để chăm lo lợi ích NLĐ. Một trong những yếu tố thể hiện rõ việc chăm lo này chính là việc ký kết, thực hiện Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT).

Được nghỉ làm sớm trước nửa tiếng buổi sáng và buổi chiều các ngày làm việc, chị Đặng Hồng Nhung - điều dưỡng viên Khoa Nội, Công ty cổ phần Hữu nghị quốc tế (thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Khoảng thời gian được nghỉ sớm này  giúp mình thu xếp ổn thoả việc đón con tan học, chợ búa, cơm nước chu đáo cho gia đình".

Thời gian làm việc chỉ 7 tiếng mỗi ngày là một trong những điều khoản có lợi hơn so với luật quy định cho NLĐ nhờ thực hiện TƯLĐTT được ký từ tháng 1/2017 giữa CĐCS với Công ty.

Ông Nguyễn Ngọc Quynh - Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Hữu nghị quốc tế cho biết: “Công ty hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh - là hoạt động khoa học, rất vất vả và căng thẳng, nhất là khi thời gian làm việc dài. Cùng đó, hơn 90% lao động của Công ty là lao động trẻ, cần nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Mặt khác, trong khoảng thời gian cuối các buổi làm việc ít người đến khám bệnh nên nếu duy trì cả đội ngũ thì không những lãng phí thời gian của NLĐ mà còn gây lãng phí cả về vật chất của Công ty như điện, nước... Qua phân tích những lợi ích cho cả hai bên như vậy mà CĐ và Ban lãnh đạo Công ty đã đạt được sự thống nhất về thời gian làm việc của NLĐ tại Công ty như vậy”.

Ngoài điều khoản có lợi hơn về thời gian làm việc cho NLĐ, TƯLĐTT của Công ty cổ phần Hữu nghị quốc tế còn nhiều nội dung giúp NLĐ được chăm lo lợi ích tốt hơn. Theo ông Nguyễn Ngọc Quynh, đây là bản thỏa ước có giá trị nhất từ khi Công ty được thành lập.

Để có được bản thỏa ước này, trước hết là vì Ban Chấp hành CĐCS Công ty được củng cố, đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc ký kết một bản TƯLĐTT đúng quy trình, có đối thoại, có thương lượng, có ký kết và có thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thương lượng, Ban Chấp hành CĐCS đã phân tích rõ được sự thỏa đáng về nội dung của bản TƯLĐTT nên đã nhanh chóng đạt được sự thống nhất với người sử dụng lao động…

Một trong những điển hình doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ nhưng có TƯLĐTT với 100% điều khoản có lợi hơn cho NLĐ là CTCP Đức Hạnh BMG đóng trên địa bàn thành phố Yên Bái.

TƯLĐTT của CTCP Đức Hạnh BMG về chế độ thu hút, phụ cấp, ăn trưa cho CNLĐ gồm 4 nội dung: hỗ trợ tiền ăn trưa; hỗ trợ mức thu hút đối với lao động nam; hỗ trợ uống cà phê, sinh tố buổi sáng, gắn bó với doanh nghiệp, điện thoại, học hỏi văn hóa doanh nghiệp; hỗ trợ CNLĐ là đảng viên.

Anh Lương Công Cương - công nhân CTCP Đức Hạnh BMG cho biết: “Là lao động dưới 30 tuổi, lại là đảng viên nên ngoài lương thì cộng tất cả các khoản được hỗ trợ theo TƯLĐTT tôi được thêm 1,6 triệu đồng mỗi tháng, vừa giúp nâng cao thu nhập vừa cho chúng tôi thấy được sự quan tâm, chăm lo của Công ty đến đời sống vật chất và tinh thần. Vì thế mà công nhân chúng tôi yên tâm làm việc, muốn tiếp tục gắn bó với Công ty. Không những thế, nhiều người còn nỗ lực phấn đấu vào Đảng".

Ông Phan Tiến Thạch - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Yên Bái đại diện cho tập thể NLĐ tại CTCP Đức Hạnh BMG ký kết TƯLĐTT đánh giá: “Đây là một thỏa ước có chất lượng, vừa chăm lo được lợi ích cho NLĐ vừa góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp”.

Anh Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc CTCP Đức Hạnh BMG cũng khẳng định: "Thấy được hiệu quả thiết thực của bản TƯLĐTT nên thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt bản thỏa ước này".

Để có thể ký kết được TƯLĐTT ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ như ở CTCP Đức Hạnh, theo anh Phan Tiến Thạch: "Ngoài việc sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ thì việc tiếp cận giám đốc, người sử dụng lao động là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận giám đốc doanh nghiệp là không hề đơn giản. Thực tế có những khi chúng tôi cũng phải trở đi trở lại đến 4-5 lần. Vì vậy, cán bộ CĐ cần có sự kiên trì, nỗ lực và khôn khéo".

Theo số liệu thống kê định kỳ về tình hình thực hiện thương lượng ký kết TƯLĐTT của Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh) thì tính đến 26/5/2017 trong tổng số 142 doanh nghiệp có điều kiện ký TƯLĐTT thì có 77 doanh nghiệp đã ký kết, chiếm 54%.

Trong 77 bản TƯLĐTT có 47 bản có nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Có bản có nhiều nội dung có lợi, điển hình như LĐLĐ thành phố có 2 bản TƯLĐTT 100% nội dung có lợi hơn cho NLĐ, CĐ ngành công thương 2 bản TƯLĐTT có 100% nội dung có lợi hơn.

Có được những bản TƯLĐTT chất lượng, mang lại lợi ích thiết thân cho NLĐ là do những năm qua LĐLĐ tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 1468/CTr-TLĐ ngày 09/10/2013 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT" bằng việc cụ thể hóa thực hiện theo Kế hoạch số 03/KH-LĐLĐ ngày 24/01/2014.

Cùng với việc kịp thời bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm, sâu sát cơ sở chăm lo lợi ích lâu dài cho NLĐ, thời gian qua, các cấp CĐ trong tỉnh còn kịp thời thăm hỏi, động viên NLĐ lúc ốm đau, hoạn nạn và đặc biệt là chung tay xây dựng những "Mái ấm công đoàn" cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giúp họ yên tâm công tác, lao động sản xuất, tạo chỗ dựa vững chắc cho NLĐ.

Thu Hạnh - Thanh Xuân
>>>Bài 2: Còn đó những khó khăn

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục