Lục Yên là huyện miền núi với 18 dân tộc sinh sống, đời sống người dân còn gặp khó khăn, nguồn thu nhập chính chủ yếu từ nông lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều. Để nâng cao nhận thức của các gia đình về công tác CSGD&BVTE huyện đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CSGD&BVTE trong tình hình mới; thành lập ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc trẻ em từ huyện tới tất cả các xã, thị trấn, nhằm tổ chức điều tra, nắm hoàn cảnh từng gia đình, điều kiện sống của trẻ để cùng các ngành chức năng có chế độ trợ cấp thường xuyên.
UBND huyện xây dựng Quỹ "Bảo trợ trẻ em” với gần 200 triệu đồng/năm để có kinh phí chăm lo cho các cháu vào dịp tết Trung thu, năm học mới, khi ốm đau, hoạn nạn. Hơn nữa, để trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK không phải bỏ học, huyện đã vận động các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, hỗ trợ tiền, hiện vật, sách giáo khoa, vở viết, quần áo ấm cũng như trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…
Hàng năm, dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, tất cả các xã, thị trấn đều tổ chức hoạt động vui chơi giải trí thu hút hàng ngàn lượt trẻ em tham gia. Đặc biệt, dịp tết Nguyên đán, từ nguồn Quỹ "Bảo trợ trẻ em”, huyện đã tặng gần 300 suất quà cho các cháu có hoàn cảnh ĐBKK trị giá 50 triệu đồng và tặng 150 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK vượt khó học khá, giỏi với kinh phí 60 triệu đồng.
Huyện đã chỉ đạo các ngành và các địa phương thực hiện tốt các chính sách trợ giúp cho trẻ em như: trợ cấp thường xuyên cho 22 trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS; 143 trẻ em tàn tật, tâm thần; hơn 350 hộ gia đình nghèo, đơn thân nuôi con dưới 18 tuổi đang đi học. Ngoài ra, thăm hỏi và trợ cấp đột xuất cho 30 hộ gia đình có trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, cháy nhà hay bị ảnh hưởng thiên tai bão lũ… với số tiền hỗ trợ hàng năm gần 100 triệu đồng.
Trong những năm gần đây, công tác giáo dục trẻ em còn được đặc biệt quan tâm thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy. Việc huy động trẻ ra lớp được chú trọng, chỉ tính riêng năm học 2016 -2017, hệ nhà trẻ có 33 nhóm với 850 cháu, tỷ lệ huy động đạt 15,2%; trẻ em học mẫu giáo có 196 lớp với 6.171 cháu, đạt 85%; trẻ em mẫu giáo 5 tuổi có 87 lớp với 2.123 cháu, đạt 100%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 là 2.130 học sinh, đạt 98,1%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 là 1.655 học sinh, đạt tỷ lệ 99,8%; học sinh tốt nghiệp hệ THCS 1.576 học sinh, đạt tỷ lệ 99,6%...
Công tác chăm sóc trẻ em còn được thể hiện thông qua việc chỉ đạo, thực hiện tốt các chương trình như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp, chống khô mắt, chống viêm não, viêm gan vi rút, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường… Ngoài ra, 100% trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm, nhiều năm gần đây không để xảy ra các bệnh nguy hiểm cho trẻ.
Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hàng năm huyện triển khai thông điệp Tháng hành động vì trẻ em như "Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, "Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”… Nhiều chương trình hành động cụ thể như: đối với tất cả các nhà trường từ hệ mầm non đến THCS, tăng cường công tác CSGD&BVTE hạn chế những tác động tiêu cực đến với trẻ em trong tình hình mới. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ, thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và xã hội.
Để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong công tác CSGD&BVTE tại các trường học, huyện còn chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch vui chơi cho trẻ em nhằm phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương theo dõi không để trẻ em phải lao động nặng nhọc, độc hại, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại, ngược đãi và bạo lực trẻ em, giúp các em vươn lên trong học tập, ổn định cuộc sống.
Thái Hưng