Ngay sau khi thiên tai lũ lụt xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị cùng với 1 kíp cấp cứu hỗ trợ điều trị của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và 1 kíp hỗ trợ chuyên môn xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Lực lượng này đã tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, xử lý người chết phun khử trùng tiêu độc, xử lý nguồn nước cho các hộ gia đình để phòng tránh dịch bệnh và tổ chức tuyên truyền cách phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, sạt lở đất.
Giám đốc Sở Y tế đã quyết định chuẩn bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị, hóa chất; thành lập các tổ chuyên môn, đội cấp cứu tại cơ sở và tăng cường từ tuyến tỉnh. Ưu tiên cứu chữa nạn nhân và quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra.
Theo đó, ngay sau khi trận lũ xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải đã có 3 cơ số thuốc, 100 kg Cloramin B, Aquatab 50.000 viên; dung dịch sát khuẩn nhanh 50 lít, cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt. Về lực lượng, 4 đội lưu động (trong đó 2 đội cấp cứu, 2 đội khử trùng tẩy uế) với 24 y bác sỹ của huyện Mù Cang Chải; 2 đội hỗ trợ (1 của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, 1 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cùng lực lượng cán bộ y tế tuyến xã trong vùng thiên tai).
Bất chấp khó khăn và nguy hiểm, lũ rút đến đâu, cán bộ y tế có mặt tới đó để hướng dẫn bà con nhân dân vệ sinh, khử trùng, thu gom, xử lý, chôn xác súc vật. Khi tìm thấy thi thể người chết, cán bộ y tế hỗ trợ tiêu độc khử trùng để khâm liệm, mai táng…
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, đến ngày 7/8/2017, cán bộ y tế đã sử dụng 100 kg Cloramin B để phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải gồm các hộ dân hai bên bờ suối bị sạt lở (33 hộ), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Võ Thị Sáu, Trường Mầm non Hoa Lan, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện...
Đồng thời, cấp 60 chai nước nước rửa tay nhanh và 1 vạn viên xử lý nước ăn Aquatab cho hơn 300 hộ gia đình các lực lượng tham gia cứu hộ và giải quyết hậu quả sau lũ gồm cán bộ, chiến sỹ Quân khu II và dân quân, tự vệ các xã thị trấn đang giúp dân khắc phục hậu quả trận lũ.
Ngành y tế đã và đang nỗ lực để khắc phục hậu quả bão lũ. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch bệnh như: tiêu chảy cấp, các bệnh ngoài da, xoắn khuẩn vàng da, đau mắt đỏ… là vẫn còn. Để ngăn chặn dịch bệnh, ngành y tế khuyến cáo: bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Có mặt trực tiếp tại điểm xảy ra lũ lụt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế, qua đó thể hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ đã cùng với các cấp, các ngành khắc phục hậu quả thiên tai, giảm bớt đau thương, ổn định cuộc sống nhân dân. Dù vậy, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài vẫn còn rất nặng nề, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, cũng như sự trợ giúp của Đảng và Chính phủ để chia sẻ, giúp đỡ vùng lũ Mù Cang Chải ổn định cuộc sống và vươn lên.
Lê Phiên