Câu chuyện làm từ thiện vốn thường được đề cập đến trong cuộc sống muôn màu của xã hội song mấy ngày nay thì "nóng" hơn trên cộng đồng mạng. Dù đã bàn nhiều nhưng tôi - một phóng viên đang ở giữa vùng lũ quét vẫn quyết định đặt bút viết bài viết này. "Quyết định" bởi hai mục đích.
Thứ nhất, để những địa phương đang chịu ảnh hưởng của thiên tai bớt đi phần nào vất vả khi những nhà hảo tâm làm từ thiện "không đúng cách”.
Thứ hai, để những nhà hảo tâm, những người có tấm lòng hướng về đồng bào vùng thiên tai có được cái nhìn sâu hơn, rõ ràng hơn về từ thiện, để công tác từ thiện, nhân đạo mang đến cho người dân thực sự phát huy hiệu quả tối đa, tránh những lãng phí, phiền phức không cần thiết.
Trước tiên, phải khẳng định rằng việc những nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân làm từ thiện đều vì mục đích cao cả nhất là chia sẻ khó khăn với người dân vùng thiên tai. Điều này thực sự rất đáng ghi nhận và trân trọng. Có thể khẳng định như vậy! Vì có hảo tâm, có quan tâm đến bà con nhân dân thì mới có ý định hỗ trợ, giúp đỡ, nếu không thì việc gì phải tốn kém tiền của, công sức? Điều này đúng!
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho tôi thấy được rất nhiều cách làm từ thiện phải thay đổi, từ tư duy, cách nghĩ đến cách làm, nhất là sau trận lũ quét vừa qua.
Đơn cử, trong đau thương tang tóc và mất mát rất lớn do lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái, huyện Mường La - tỉnh Sơn La…, trước thực tế có hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại vật chất lên đến hàng trăm tỉ đồng…, đã có hàng trăm lượt địa phương, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trên toàn quốc vì tinh thần "tương thân tương ái” hướng về đồng bào nơi đây với mong muốn sẻ chia nỗi đau, chung tay góp sức giúp đỡ người dân qua cơn hoạn nạn…
Nhưng cái mà chúng ta cần quan tâm trước khi "làm từ thiện” – tôi xin được nhấn mạnh cụm từ "làm từ thiện”- là chúng ta nên tìm hiểu xem làm từ thiện như thế nào, với ai để có được hiệu quả!
Đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải, trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông và đối với huyện Mường La, đa số là đồng bào Thái, Mông, chúng ta cần biết về phong tục, tập quán, văn hóa, về vùng đất, con người ở những nơi này (những thông tin này trên mạng xã hội, google, các trang mạng giới thiệu, quảng bá về du lịch… luôn rất sẵn!).
Vậy trước khi có ý định đến làm từ thiện ở những nơi này, chúng ta cần phải hiểu rõ: Họ cần gì!
Vẫn biết, vùng thiên tai nào cũng cần sự cứu giúp, sẻ chia, đồng cảm đến nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết… nhưng, có một thực tế đang diễn ra là: ai cũng nghĩ đến việc đó!
Thế nên mới dẫn đến tình trạng hàng đoàn xe chở lương thực, lúa gạo, mỳ tôm… đến địa phương khiến các kho chứa quá tải, nhiều lúc phải tận dụng cả nhà để xe, hành lang để chứa hàng hỗ trợ.
Điều đáng nói ở đây, những nhu yếu phẩm này rất cần thiết nhưng không phải quá nhiều một lúc, trong lúc này. Bởi khi thiên tai xảy ra, việc cấp thiết và là ưu tiên số một của các địa phương là tìm kiếm cứu nạn, lượng lương thực dự trữ của các địa phương cơ bản đã giải quyết xong cấp bách cái đói hiện thời.
Việc thứ hai cũng đang phổ biến, đó là thu thập quần áo (kể cả cũ và mới), đưa nhiều xe hàng đầy chở đến vùng thiên tai.
Theo những gì ghi nhận được, từ kinh nghiệm thực tế, văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào khá "chặt chẽ” trong việc "tiếp nhận” đồ dùng cá nhân, đặc biệt là quần áo, bởi vậy không nhiều người sẽ đưa chúng vào sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Đấy là còn chưa kể đến việc những "nhà hảo tâm” có đôi chút "vô tâm” khi đưa vào danh mục hàng hỗ trợ cả áo hai dây, đồ tắm biển, váy xòe váy cụp như cộng đồng mạng lên án trong thời gian qua. Thậm chí, một số tập thể, cá nhân (xin không tiện nêu đích danh, địa điểm) còn vô tâm hơn nữa khi yêu cầu địa phương cần có băng rôn, khẩu hiệu, tít đề… khi đón đoàn đến trao quà; hoặc vô tư chụp ảnh, quay clip đăng lên mạng giữa vùng thiên tai chỉ để đánh bóng bản thân; một số đoàn làm từ thiện nhân đạo giữa vùng thiên tai lại mang nặng hình thức, phát biểu quá dài dòng, quá quan trọng việc giới thiệu bản thân…
Việc này do cần phải nói, vì giữa tang tóc, đau thương, dù chẳng phải của gia đình mình, giữa bộn bề công việc của địa phương chịu thiệt hại của thiên tai, việc làm ấy có nên không? Tôi rất ủng hộ cách làm của một vài tổ chức, cá nhân, đó là họ tìm hiểu người dân mất tài sản gì thì ủng hộ bằng tài sản ấy. Cái nồi, cái chảo, bàn ghế, cái chậu, cái xô…, đó chính là những vật dụng hàng ngày người dân vẫn sử dụng. Và phải nói thực lòng, cách ủng hộ thiết thực nhất, theo thiển nghĩ cá nhân, là bằng tiền mặt.
Bởi lẽ, người dân thiếu gì họ sẽ dùng tiền mua thứ nấy (đương nhiên không loại trừ khả năng sẽ có một số ít người sử dụng tiền ủng hộ, hỗ trợ sai mục đích như uống rượu, đánh bạc… nhưng đại đa số còn lại trước mắt họ là cuộc sống vừa bị thiên tai tàn phá). Đây là phương án mang lại hiệu quả lớn nhất.
Quan trọng hơn nữa là các địa phương cũng đã có nhiều phương án tuyên truyền, vận động bà con nhân dân gửi tiền vào các ngân hàng, quỹ tiết kiệm để giữ tiền đầu tư khôi phục sản xuất, ổn định đời sống về sau.
Tin tưởng rằng, các nguồn ủng hộ, từ thiện được đăng ký qua địa phương cũng sẽ không thất thoát, bởi câu chuyện tình người, sẻ chia trong lúc hoạn nạn, khó khăn là mục đích lớn nhất, các nguồn hỗ trợ, từ thiện sẽ đến đúng địa chỉ cần đến. Lương tâm và trách nhiệm. Giúp nhau trong lúc hoạn nạn, "của cho không bằng cách cho"- cộng đồng sẽ là tấm gương phản chiếu trung thực nhất!
Thiên Cầm