Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp ở Nghĩa Lộ: Cơ bản đảm bảo lộ trình

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/8/2017 | 11:10:50 AM

YênBái - YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ là 1 trong 4 huyện, thị xã, thành phố được tỉnh lựa chọn thực hiện điểm Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020. Thị xã đã triển khai thực hiện Đề án từ tháng 8/2016.

Phòng học mới được xây dựng khang trang tại Trường TH & THCS Hoàng Văn Thụ,  xã Nghĩa Lợi thị xã Nghĩa Lộ đảm bảo cho việc đưa học sinh từ điểm lẻ về học.
Phòng học mới được xây dựng khang trang tại Trường TH & THCS Hoàng Văn Thụ, xã Nghĩa Lợi thị xã Nghĩa Lộ đảm bảo cho việc đưa học sinh từ điểm lẻ về học.

Thời gian qua, việc sáp nhập trường, đưa điểm lẻ về điểm chính theo Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non (MN), giáo dục phổ thông trên địa thị xã, giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện tại 6 xã, phường, riêng các trường tại phường Trung Tâm giữ nguyên.
 
Theo đó, đã sáp nhập các trường tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) tại phường Cầu Thia, phường Tân An, phường Pú Trạng, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi; sáp nhập trường MN vào trường TH&THCS tại xã Nghĩa Phúc. Đồng thời, trong tổng số 12 điểm trường lẻ toàn thị xã, đã đưa 8 điểm lẻ trong 10 điểm lẻ theo kế hoạch về điểm chính.
 
Tính đến hết năm học 2016-2017, toàn thị xã có 14 trường công lập, 4 điểm trường lẻ, 206 nhóm (lớp), 6.930 trẻ, học sinh, 10 trường đạt chuẩn quốc gia. So với thời điểm cuối năm học 2015-2016 (trước khi sáp nhập), giảm 6 trường, giảm 8 điểm trường lẻ, giảm 17 lớp ở điểm trường, giảm trường chuẩn quốc gia. So với Đề án được phê duyệt, năm học 2016-2017, thị xã tăng 2 điểm trường do cơ sở vật chất tại điểm chính Trường MN Hoa Lan không đảm bảo điều kiện cho việc sáp nhập 2 điểm lẻ vào điểm chính.
 
Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Đối với thị xã Nghĩa Lộ, việc thực hiện Đề án không ảnh hưởng gì tới việc huy động trẻ ra lớp và việc học 2 buổi/ngày. Năm học 2016-2017, huy động 19,7% trẻ trong độ tuổi từ 0-2 tuổi và 99,6% trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, trong đó 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. 100% học sinh TH được học 2 buổi/ngày. Sau khi sáp nhập học sinh từ điểm lẻ về, không có tình trạng học sinh bỏ học do việc thực hiện Đề án".

Cũng theo bà Lò Thị Tuyết Dung thì sau khi thực hiện việc sáp nhập trường, điểm trường, cơ bản đã bố trí đủ các điều kiện tối thiểu cho việc thực hiện giảng dạy ở các trường trên địa bàn và thực hiện việc xử lý tài sản sau sáp nhập theo quy định. Năm 2016 - 2017, UBND thị xã đã bố trí 10 tỷ đồng xây dựng 5 phòng học tại các điểm trường trong số 7 phòng học cần xây dựng trong năm học này theo Đề án. Còn 2 phòng học tại điểm Trường MN Hoa Hồng sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng trong năm học 2017 - 2018.
 
Hiện, diện tích đất của các nhà trường tương đối đảm bảo cho việc xây dựng các phòng học để chuyển học sinh điểm lẻ về điểm chính. Tuy vậy, để thực hiện theo đúng lộ trình Đề án đến năm 2020 gắn với việc xây dựng trường chuẩn phải bổ sung quỹ đất cho các đơn vị trường nhất là các đơn vị chuyển điểm trường đến điểm mới. Tổng số trường cần mở rộng diện tích là 8 trường; trong đó 6 trường cần mở rộng diện tích; 2 trường cần diện tích để chuyển điểm trường.
 
Đối với việc thực hiện sắp xếp đội ngũ, bà Lò Thị Tuyết Dung cho biết: "UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục & Đào tạo tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các hiệu trưởng, hiệu phó các trường sáp nhập để miễn nhiệm, điều động, bổ nhiệm và đã thực hiện điều động luân chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, nhằm đảm bảo theo quy mô số lớp và học sinh. Tổng số đã chuyển 5 hiệu trưởng xuống làm hiệu phó, 5 hiệu phó xuống làm giáo viên, bố trí 10 nhân viên kế toán dôi dư đi đào tạo lại theo quy định. Đến nay, không có hiện tượng đơn thư khiếu nại do thực hiện điều động, luân chuyển, miễn nhiệm".

Như những địa phương khác, việc thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp ở thị xã Nghĩa Lộ cũng có những khó khăn nhất định. Các trường sau khi sáp nhập vẫn phải dạy và học ở hai điểm trường nên gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, điều hành cũng như hoạt động chung của nhà trường. Một số trường còn thiếu phòng học.
 
Việc sáp nhập dẫn đến giảm số trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời để xây dựng trường đạt chuẩn mới thì nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, phòng chức năng, thiết bị dạy học với nguồn kinh phí rất lớn dẫn đến khó đạt mục tiêu trường chuẩn theo từng cấp học. Về công tác tổ chức dạy và học, mặc dù sáp nhập nhưng vẫn học ở hai điểm trường riêng biệt nên không thuận lợi khi có hoạt động chung của nhà trường.
 
Đối với trường TH&THCS có lớp học MN do tính chất đặc thù của các bậc học khác nhau, 2 phân hiệu cách xa nhau nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chỉ đạo của ban giám hiệu; học sinh bậc MN tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp cùng bậc học phổ thông không phù hợp, đặc biệt là về thời lượng của một hoạt động. Khi đưa điểm lẻ về điểm chính, số lượng học sinh MN trên một lớp khá đông nên cũng gặp khó khăn trong quá trình giáo dục và chăm sóc trẻ tại trường. Cùng đó, số lượng giáo viên TH còn thiếu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Giáo viên bậc THCS tuy đủ về số lượng nhưng không đồng bộ về cơ cấu bộ môn nên phải dạy chéo ban, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục...

Qua thực tế một năm thực hiện, để Đề án tiếp tục được triển khai có hiệu quả, thị xã Nghĩa Lộ mong muốn có những sự quan tâm, điều chỉnh cho phù hợp, như: có hướng dẫn quy định xếp hạng trường liên cấp sau khi thực hiện sáp nhập và phụ cấp cán bộ quản lý cho phù hợp; được tách các lớp học MN tại Trường TH&THCS Trần Phú; được tuyển dụng số giáo viên còn thiếu so với quy định; giao dự toán ngay từ đầu năm đối với kinh phí thuộc các chính sách an sinh xã hội để địa phương chủ động và kịp thời hơn trong thực hiện hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn kịp thời; được tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các đơn vị mới được sáp nhập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí và mở các lớp tập huấn cho chủ tài khoản và cán bộ kế toán của các đơn vị mới sáp nhập trong công tác quản lý tài chính, tài sản.

Ngày tựu trường đang đến gần, các trường học trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đang triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho năm học mới và tiếp tục triển khai thực hiện Đề án để đưa giáo dục chất lượng ngày một nâng cao.
 
 Hạnh Quyên

Các tin khác
Các cô giáo Trường Mầm non Hoa Lan tích cực dọn dẹp vệ sinh để đón các em học sinh tựu trường.

YBĐT - Cơn lũ ống đã cuốn đi tất cả thành quả, công sức chắt chiu và cả mạng sống của những người dân hiền lành nơi nó đi qua. Gần nửa tháng sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên, Mù Cang Chải vẫn chìm trong đau thương khi công tác tìm kiếm người mất tích cứ đau đáu mỗi ngày tựa mò kim đáy bể.

Một buổi truyền thông, trang bị kiến thức cho các bà mẹ.

YBĐT - Nuôi con bằng sữa mẹ giúp giữa mẹ và trẻ hình thành mối quan hệ gần gũi yêu thương, trẻ khóc ít hơn và phát triển tốt hơn. Chính vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ trong hai năm đầu tiên có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống, phát triển toàn diện của trẻ về sau cả về thể chất và trí tuệ.

YBĐT - Tuy là một cơ sở khám chữa bệnh tại một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những trang thiết bị y tế ở đây đều rất hiện đại cùng với thái độ của đội ngũ y, bác sỹ rất nhiệt tình, chu đáo làm tôi cảm thấy rất hài lòng.

Công ty Honda Việt Nam tặng 396 triệu đồng cho nhân dân huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Ngày 17/8, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do đồng chí Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban dẫn đầu, cùng các doanh nghiệp: Công ty Yamaha Motor Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên… đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bà con nhân dân vùng lũ Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục