Yên Bái sau một năm sắp xếp trường lớp: Điều chỉnh để hiệu quả hơn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/8/2017 | 7:53:26 AM

YBĐT - Từ việc triển khai Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất trường học sau sắp xếp tại huyện Văn Chấn.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất trường học sau sắp xếp tại huyện Văn Chấn.

Năm học 2016 - 2017, là năm đầu tiên thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Hàng trăm điểm trường nhỏ lẻ nằm sâu trong thôn, bản tại các địa phương đã được sắp xếp lại theo hướng nâng cao chất lượng trường lớp, điều kiện học tập, giảng dạy cho cả thầy và trò nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo phổ cập.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng xuất hiện những bất cập cần điều chỉnh để giai đoạn tiếp theo của Đề án sẽ hiệu quả hơn, đảm bảo phù hợp hơn trên tinh thần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vào cuộc đồng bộ
 
Đề án Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non (MN), giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 là một trong những Đề án quan trọng được quan tâm đặc biệt. Bởi đây là bước đột phá của ngành giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái trong tiến trình nâng cao nguồn nhân lực cho địa phương. 

Chính vì vậy, công tác chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở được quyết liệt, sát xao, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân. Phải kể đến các quyết định giao bổ sung chỉ tiêu kế hoạch vốn năm 2016 và năm 2017 của UBND tỉnh để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho việc thực hiện Đề án; tăng cường chỉ đạo triển khai Đề án...
 
Khi triển khai Đề án tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình tại các đơn vị để tổ chức rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phục vụ dạy và học.
 
Đồng thời có các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, nhất là đối với các trường bán trú, trường có học sinh trong diện chuyển từ điểm lẻ về điểm chính. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành đã có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời; tích cực chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương thực hiện việc sắp xếp quy mô, thực hiện Đề án đúng tiến độ.
 
Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nỗ lực, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, ban hành kế hoạch cụ thể và các văn bản hướng dẫn cho các cơ sở trường học trong việc thực hiện sáp nhập, xóa điểm trường lẻ, bố trí cơ sở vật chất và đội ngũ chuẩn bị cho năm học mới.
 
Thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và dân chủ các quy trình sáp nhập trường, các quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động đội ngũ, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án.

Đổi thay sau sắp xếp

Sau khi thực hiện sắp xếp, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường. 

Toàn tỉnh hiện có 48 trường phổ thông dân tộc bán trú và 50 trường có học sinh bán trú với quy mô 20.347 học sinh, trong đó có 15.828 học sinh bán trú ở trong trường (chiếm 77,4%). So với trước khi thực hiện Đề án tăng 5.708 học sinh bán trú. 

Các trường tăng cường tổ chức các hoạt động lao động, văn hoá, thể thao và tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù của trường dân tộc bán trú. Tổ chức hướng dẫn các em cách tự học, tự rèn luyện; triển khai hoạt động lao động sản xuất, tăng gia nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và rèn kỹ năng lao động cho học sinh.
 
Đến thời điểm hiện tại, có 43/48 trường dân tộc bán trú tổ chức cho học sinh trồng rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm (các trường có trên 20.000m2 đất để trồng trọt, thu hoạch được trên 42 tấn rau, củ quả; chăn nuôi được trên 10,7 tấn gia súc, 1,5 tấn gia cầm).

Từ việc triển khai Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Đến thời điểm cuối năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 382 trường, 587 điểm trường, 5.966 lớp, 178.946 học sinh, 48 trường phổ thông dân tộc bán trú và 50 trường có học sinh bán trú. So với trước khi thực hiện Đề án giảm 148 trường, giảm 178 điểm trường, giảm 169 lớp, tăng 5.990 học sinh, tăng 5.708 học sinh bán trú. 

Có thể thấy, quy mô, mạng lưới trường lớp từng bước được quy hoạch, sắp xếp ổn định và hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất được tăng cường và từng bước hiện đại. Chất lượng giáo dục có những chuyển biến rõ rệt, nhiều chỉ số đã đạt ở mức khá so với khu vực và cả nước. 

So với năm 2010, tỷ lệ học sinh phổ thông hoàn thành khóa học tăng trên 9%, tỷ lệ bỏ học giảm 1%, công tác phổ cập giáo dục được củng cố, giữ vững và phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, Yên Bái đã có nhiều học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhiều em học sinh đạt thủ khoa các trường đại học trong nước.

Khắc phục khó khăn và điều chỉnh để hiệu quả hơn

Bên cạnh những kết quả trông thấy thì vẫn còn những khó khăn. Một số trường liên cấp có quy mô lớn, cơ sở vật chất độc lập giữa các cấp học, không liền kề nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Một số nơi, điểm trường MN, tiểu học (vùng thấp) có khoảng cách về điểm trường chính xa, giao thông không thuận lợi. 

Trong khi đó nhiều học sinh về học tại điểm trường chính không thuộc diện hưởng chính sách bán trú dẫn đến khó khăn trong việc huy động học sinh ra lớp và đưa đón con đến trường hàng ngày của phụ huynh học sinh. Một số điểm trường nằm trong diện sáp nhập nhưng điểm chính chưa đủ cơ sở vật chất, chưa thể mở rộng quỹ đất, do đó chưa đủ các điều kiện để tổ chức dạy và học tại điểm trường chính sau sáp nhập...
 
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện Đề án cũng gặp phải một số những khó khăn như việc sáp nhập điểm lẻ mầm non chưa đạt kế hoạch. Sau một thời gian tổ chức thực hiện, tại một số điểm tỷ lệ chuyên cần đã ảnh hưởng do đó, huyện mạnh dạn đề nghị xin một số điểm lẻ trở lại. Một số nơi quỹ đất không đáp ứng được yêu cầu, chủ trương”.

Thực tế cho thấy, do sáp nhập các điểm trường lẻ, nên số lượng học sinh bán trú tăng đột biến nên gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung bổ sung các điều kiện thiết yếu như xây dựng các công trình phụ trợ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh, phát động các phòng trào "tương thân, tương ái", đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú.
 
UBND tỉnh Yên Bái đã giao bổ sung nguồn vốn 60,9 tỷ đồng, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa trên 63 tỷ đồng xây dựng các công trình phụ trợ, sửa chữa phòng học, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở và đồ dùng học tập, xây dựng kho thóc khuyến học, hỗ trợ các trường DTBT bước vào năm học mới. Qua đó đã giải quyết phần nào được bài toán khó khăn cơ sở vật chất ở các trường sau sáp nhập. 
 
Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Sau 1 năm triển khai trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Văn Yên tiếp tục chú trọng tuyên truyền, cùng với khảo sát kỹ về các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện để giảng dạy năm học mới, huyện xin điều chỉnh chậm lại lộ trình việc sáp nhập một số điểm để đảm bảo về các điều kiện tốt nhất. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất hiện nay đã và đang xây dựng tại điểm chính, trong đó bằng các nguồn lực đầu tư của tỉnh và nguồn vốn địa phương tranh thủ sự đầu tư xã hội hóa, huyện cam kết về mặt bằng. Ngoài ra các địa phương còn khó khăn, huyện sẽ lồng ghép các chương trình như các chương trình mục tiêu quốc gia”.
 
Sở GD - ĐT đã phát động phong trào "tương thân, tương ái" hỗ trợ học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú; phát động phong trào "Áo ấm mùa đông năm 2016” cho học sinh nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn; tập trung chỉ đạo các giải pháp tích cực nhằm huy động học sinh ra lớp, tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học sinh cũng như những khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh.
 
 
Bữa cơm được cải thiện dinh dưỡng của học trò vùng cao tại trường bán trú.

Những khó khăn, bất cập từ thực tế thực hiện sau một năm triển khai Đề án, Sở GD-ĐT đã kiến nghị rà soát, điều chỉnh một số nội dung sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học. 

Theo đó, tách 20 trường MN có quy mô 200 trẻ MN trở lên ra khỏi những trường phổ thông có cấp học MN thành trường MN độc lập; không sáp nhập 120 điểm trường, trong đó có 74 điểm trường MN ở vùng đặc biệt khó khăn, có khoảng cách so với điểm trường chính từ 4 km trở lên hoặc từ 3-4km nhưng khó khăn về giao thông (qua đèo, suối...), 20 điểm trường MN, tiểu học (vùng thấp) có khoảng cách từ 5km trở lên, giao thông khó khăn, không đảm bảo an toàn, học sinh về học tại điểm trường chính không thuộc diện hưởng chính sách bán trú; 26 điểm trường tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5 và quy mô ổn định, cơ sở vật chất được xây dựng từ bán kiên cố trở lên.
 
Cùng với đó, điều chỉnh lùi thời gian thực hiện sáp nhập đối với 67 điểm trường vào các năm tiếp theo do chưa đảm bảo cơ sở vật chất ở điểm trường chính. Sau khi thực hiện việc điều chỉnh Đề án, đến năm 2020, các trường MN, phổ thông công lập khối cấp huyện có 399 trường, 281 điểm trường; so với mục tiêu ban đầu của Đề án tăng 20 trường (399/379), tăng 120 điểm trường (281/161). Năm học 2017-2018, toàn tỉnh thực hiện sáp nhập 112 điểm trường.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là những điều chỉnh Đề án kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tin chắc rằng, giai đoạn tiếp theo của Đề án sẽ mang tới một diện mạo mới cho giáo dục Yên Bái, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai.

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Phụ nữ thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình tham gia vệ môi trường đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 900 tổ tự quản do Mặt mặt trận Tổ quốc chủ trì thành lập. Các tổ đã vận động thành viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp; vệ sinh đồng ruộng; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cây xanh, đường hoa….

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục