Sát cánh giúp nhau vượt lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/10/2017 | 2:26:29 PM

YBĐT - Hình ảnh các chiến sĩ công an, quân đội, dân quân và thanh niên tình nguyện áo đẫm mồ hôi, cần mẫn giúp dân trong cơn hoạn nạn, được đồng bào vô cùng trân trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các hộ bị thiệt hại do lũ quét tại thôn Suối Giao, xã Xà Hồ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các hộ bị thiệt hại do lũ quét tại thôn Suối Giao, xã Xà Hồ.

Hát Lừu là xã bị thiệt hại nặng nhất huyện Trạm Tấu trong trận lũ vừa qua, với 9 người chết và mất tích, nhiều người bị thương và toàn bộ diện tích hoa màu của người dân đang đến kỳ thu hoạch bị vùi lấp, 34 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 11 nhà bị trôi, 11 nhà bị vùi lấp do sạt ta - luy.

Ngay trong đêm xảy ra lũ ống, lực lượng quân sự ở địa phương đã chia nhỏ lực lượng, cơ động ở nhiều điểm, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mất tích dọc hai bên bờ suối, cũng như san gạt nền nhà, nền đường bảo đảm giao thông đi lại.

Để giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, đoàn công tác của huyện Trạm Tấu đến từng hộ để nắm tình hình, hỗ trợ ban đầu mỗi nạn nhân bị thiệt mạng 10 triệu đồng; hỗ trợ 11 nhà bị sập hoàn toàn mỗi nhà 6,2 triệu đồng gồm 5 triệu đồng tiền mặt, 50 kg gạo, 2 kiện mì tôm và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác. Lực lượng giáo viên, dân quân, bộ đội, công an trong ngày thứ bảy, Chủ nhật đã đồng hành cùng dân khắc phục hậu quả lũ quét.
 
Chị Hà Thị Thu Hường - Giáo viên Trường Tiểu học Bản Công cho biết: nhận được thông báo của Hiệu trưởng, toàn bộ giáo viên đã đến Hát Lừu giúp dân dọn dẹp nhà cửa, hót rác, bùn đất, gặt lúa trong 2 ngày.

Chị Đinh Thị Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Bản Mù cùng hơn 20 giáo viên của xã cũng vượt gần 20 cây số đường núi về xã Hát Lừu giúp dân gặt lúa. Bên thửa ruộng của mình, bác Hà Văn Đỉn, dân tộc Thái ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu bùi ngùi tâm sự: "Nhà mình bị lũ cuốn trôi mất rồi! Bây giờ phải ở nhờ người thân và nay được cán bộ tới gặt giúp, tôi rất cảm ơn mọi người!".

Trong khó khăn, nghĩa tình của người lính Cụ Hồ thực sự đã làm vơi bớt đau thương, mất mát ở nơi đây. Đồng chí Dương Trung Viên - Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trạm Tấu cho biết: "Đơn vị đã huy động tất cả lực lượng đi khắc phục hậu quả thiên tai. Ngay từ 7 giờ sáng 11/10, chúng tôi đã tập hợp quân số, ngoài lực lượng làm chuyên môn và nắm tình hình, còn lại được phân công thành các mũi tìm kiếm cứu nạn, tập trung về xã Hát Lừu tháo dỡ, vận chuyển nhà của dân rời khu vực nguy hiểm, san gạt bùn, đất tại các hộ bị ảnh hưởng của lũ”.
 
Hình ảnh các chiến sĩ công an, quân đội, dân quân và thanh niên tình nguyện áo đẫm mồ hôi, cần mẫn giúp dân trong cơn hoạn nạn, được đồng bào vô cùng trân trọng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở, sự góp sức tình nguyện của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên những ngày qua giúp nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả, là những việc làm thiết thực góp phần chia sẻ, động viên đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Sau Hát Lừu thì Xà Hồ cũng là xã bị thiệt hại nặng. Toàn xã có 8/9 thôn, bản giao thông bị chia cắt, cô lập; 4 người bị thương, 14 nhà bị sập trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng và đến nay chỉ có thể tiếp cận bằng đường mòn nhưng cũng rất khó khăn. Huyện chỉ đạo xã bằng mọi cách phải tiếp cận với những thôn, bản hiện đang bị chia cắt, khẩn trương cứu trợ người dân trong lúc nguy cấp.
 
Khi nhận được thông tin đã tiếp cận được với thôn Suối Giao - thôn bị thiệt hại nặng nhất ở Xà Hồ, chúng tôi cùng đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Đỗ Đức Duy dẫn đầu và lãnh đạo huyện Trạm Tấu lên đường đến thôn này. Tuyến đường vào thôn Suối Giao đã bị phá hủy gần hết do sạt lở đất, cuốn trôi nhiều cầu cống. Bởi vậy, để đến được Suối Giao, khi đến xã Hát Lừu phải đi bộ mất hơn 3 giờ vượt dốc núi trơn trượt và các khe suối.

Thăm hỏi bà con trong thôn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ân cần động viên, chia sẻ những khó khăn với các hộ bị thiệt hại do lũ quét. Đồng chí Đỗ Đức Duy dặn dò cán bộ thôn phát huy cao độ tinh thần đoàn kết của nhân dân cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Tỉnh hỗ trợ cho các hộ có nhà bị sập và lũ cuốn trôi mỗi hộ 25 triệu đồng; hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm thiết yếu. Đồng chí chỉ đạo xã cần tranh thủ thời tiết không mưa để vận chuyển gạo hỗ trợ về cấp phát cho các hộ bị ảnh hưởng bão lũ và không để dân thiếu đói...

Gia đình anh Thào A Chua là một trong bốn hộ của thôn bị cuốn trôi nhà và hiện đang được bố trí ở cùng với họ hàng. Anh Chua buồn bã chia sẻ: "Lũ cuốn trôi mất hết rồi! Bây giờ chỉ biết nhờ bà con giúp đỡ thôi. Tôi cảm ơn sự quan tâm của tỉnh và huyện đến thăm, tặng quà giúp chúng tôi khắc phục khó khăn”.

Kể về cái hôm kinh hoàng ấy, anh Thào A Chảnh - Trưởng thôn Suối Giao nhớ lại: "Đêm 10/10 thấy mưa lớn có thể xảy ra lũ quét, lãnh đạo xã đã gọi điện cho tôi đi báo các hộ di chuyển người đến chỗ an toàn hơn để ở nhờ. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 11/10, nghe thấy nhiều tiếng động lớn, tôi và một số người chạy đến nhà ông Thào A Vàng thì thấy chỉ còn mỗi nền đất, nhà cửa bị lũ cuốn trôi hết. Soi đèn pin thì thấy 3 người bị đất vùi lấp và chúng tôi đã kịp thời cứu nên có 1 người bị thương nhẹ, 2 người bị thương nặng”.

Được biết, việc cấp cứu 2 người bị thương nặng hết sức khó khăn, vì tuyến đường duy nhất từ thôn đến trung tâm huyện bị chia cắt hoàn toàn. Bà con đã phải dùng cáng đưa các nạn nhân đi tắt đường rừng gần 8 km để cấp cứu. Sau khi xảy ra lũ quét, bà con trong thôn đã đưa các hộ bị mất nhà đến ở tạm tại hội trường thôn. Ông Thào A Gư - Trưởng ban Mặt trận thôn cho biết: "Các hộ bị cuốn trôi nhà và tài sản không còn gì cả. Tôi đã cùng Bí thư Đảng ủy xã và Trưởng thôn đi vận động các hộ không bị ảnh hưởng mưa lũ ai có đồ dùng, quần áo hay có gạo thì góp gạo, người có nhiều thì góp nhiều, có ít góp ít để giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại”.

Do ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn xã Xà Hồ có 4 người bị thương; 14 nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn, có 9 nhà phải di dời khẩn cấp, rất nhiều nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Xã đã phân công và huy động các lực lượng chia nhau đến các thôn, bản cùng nhân dân khắc phục hậu quả. Riêng ở thôn Suối Giao, xã đã huy động 60 người, trước mắt là khắc phục nhà cửa và di chuyển các hộ bị thiệt hại nặng; đồng thời, tiến hành tìm quỹ đất, đề nghị với huyện để di dời các hộ đến nơi an toàn.
 
Đối với các thôn, bản khác ở Xà Hồ, theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã sẽ khẩn trương tổ chức lực lượng khắc phục các tuyến đường liên thôn, bản để đảm bảo việc đi lại, sau đó khẩn trương vệ sinh môi trường, làm nhà tạm cho những hộ mất nhà cửa; khẩn trương tiến hành tìm quỹ đất cho các hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp để họ làm nhà, ổn định sản xuất, đảm bảo cuộc sống.

Theo thông tin từ ông Mùa A Đế - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, đến nay đã tiếp cận được hết các thôn, bản bị chia cắt sau mưa lũ bằng đường rừng. Tuy nhiên, trên địa bàn xã tiếp tục có mưa nên hầu hết các tuyến đường đến những thôn, bản của xã đi lại hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận chuyển gạo cứu trợ cho các hộ dân. Dẫu vậy, người dân ở các thôn, bản vẫn đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp thóc, gạo chia sẻ với những gia đình gặp khó khăn.

Tại Phúc Sơn, huyện Văn Chấn  sau lũ, vẫn hoang tàn đổ nát. Ông Lường Văn Hoa - Bí thư Chi bộ thôn Bản Ngoa cho biết: "Tôi năm nay đã 60 tuổi mà chưa thấy trận lũ nào khủng khiếp như vậy. 7 giờ sáng ngày 11, dòng suối Thia biến thôn Bản Ngoa thành biển nước mênh. Hơn 100 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước và cánh đồng ngô xanh tốt đầu thôn bị san phẳng, tài sản, lợn, gà thì chưa thể thống kê được”. Chị Hà Thị Ứt cùng thôn rưng rưng nước thở than: "Tài sản cả nhà tôi bấy lâu nay đã bị lũ cuốn hết cả rồi! Cuộc sống gia đình tôi tới đây không biết sẽ ra sao?”.
 
 
Các lực lượng được huy động giúp người dân xã Phúc Sơn dựng lại nhà sau lũ.
 
Cùng chung cảnh ngộ là gia đình ông Đồng Văn Chà. Khi lũ về, cả gia đình ông thoát nạn nhưng thóc gạo, lợn, gà cùng nhiều tài sản khác cũng bị lũ cuốn sạch. Ở Phúc Sơn người ta nhắc nhiều đến trường hợp của em Hoàng Văn Vinh vì em đã mất bố, mẹ và 2 người em trong trận lũ này. Em may mắn thoát nạn vì đang đi làm phụ xây ở Bắc Giang.

Thống kê chưa đầy đủ, trận lũ sáng 11/10 quét qua xã Phúc Sơn đã làm 4 người thiệt mạng, 14 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 12 nhà bị lũ cuốn trôi, hơn 80 ha lúa bị ngập và đất đá vùi lấp, tài sản của dân thì vẫn chưa thể thống kê hết.
 
Đồng chí Hà Biên Cương - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: "Những hộ mất nhà cửa được xã bố trí ở nhờ văn hoá các thôn và trường tiểu học xã, huy động bà con cho mượn chăn chiếu và các nhu yếu phẩm cần thiết”. Khi chúng tôi đến thôn Bản Ngoa, lực lượng, thanh niên, dân quân vẫn hối hả giúp dân dọn dẹp nhà cửa, sớm khôi phục cuộc sống trở lại bình thường.
 
Anh Lường Văn Hùng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Phúc Sơn mấy ngày nay chưa về nhà vì tất bật giúp dân ổn định cuộc sống. Anh biết: "Chúng tôi đã huy động 50 người có mặt tại hiện trường để giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn. Khi nước rút thì giúp bà con sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, ổn định cuộc sống. Đến nay, các hộ dân bị ngập đã cơ bản dọn dẹp xong bùn đất”.
 
Bên cạnh giúp dân dọn dẹp nhà cửa, xã Phúc Sơn cũng đã tìm được khu đất để bố trí làm nhà cho các hộ bị sập nhà hoàn toàn. Ngoài ra, xã cũng đang tìm quỹ đất tiếp theo cho các hộ ven suối thuộc vùng nguy hiểm. 
 
Quang Thiều - Anh Hải - Văn Thông -Quyết Thắng

Các tin khác
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học học cơ sở Lý Tự Trọng, xã Nậm Có tiếp nhận gạo hỗ trợ cho học sinh ngày 28/3

Ngày 28/3, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn đã tổ chức giao gạo hỗ trợ học sinh tại các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Cửa hàng quần áo thương hiệu Việt đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng thu hút người tiêu dùng Yên Bái.

Những năm qua, nhiều mặt hàng thời trang thương hiệu Việt luôn cập nhật theo xu hướng thời trang thế giới, không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt với giá cả hợp lý cùng với các sản phẩm OCOP địa phương… ngày càng chiếm được sự tin tưởng, ưa chuộng của người dân Yên Bái. Qua đó góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo thành thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng.

Việc cấp nước sinh hoạt được duy trì hoạt động phụ thuộc vào nguồn điện từ Điện lực Yên Bình cung cấp.

Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái vừa có thông báo về việc tạm ngừng cấp nước sinh hoạt toàn thành phố Yên Bái, trung tâm huyện Yên Bình từ 6h00 đến 17h45 ngày 29/3/2024 và hủy ngừng cấp nước ngày 30/3/2024.

ĐVTN xã Hồ Bốn tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn tại bản Háng Đề Chu.

Thực hiện kế hoạch của Đoàn cấp trên về tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đồng loạt tổ chức các hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh” tình nguyện cùng với nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế tại chỗ cùng nhau xây dựng bản, làng ngày càng sáng, sanh, sạch, đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục