Kỷ niệm 55 năm thành lập Trường THPT Thác Bà (1962 - 2017)

Tiếp tục đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/11/2017 | 12:44:55 PM

YênBái - YBĐT - Từ khi thành lập đến nay, Trường THPT Thác Bà đã 7 lần chuyển địa điểm khác nhau để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng dưới sự lãnh đạo và giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh Yên Bái.

Thầy giáo Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Thác Bà (thứ 5, bên phải) trao đổi công tác chuyên môn với các cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.
Thầy giáo Ma Quang Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Thác Bà (thứ 5, bên phải) trao đổi công tác chuyên môn với các cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Những năm đầu của thập kỷ 60, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, huyện Yên Bình đã có hệ thống giáo dục cấp I, cấp II. Để đáp ứng nguyện vọng học tập của con em các dân tộc trong huyện tiếp tục được học lên cấp III, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận đề nghị của ngành giáo dục tỉnh Yên Bái về việc mở trường cấp III huyện Yên Bình. Tháng 11/1962, Trường Liên cấp II-III, huyện Yên Bình được thành lập tại phủ Yên Bình, tháng 9/1963, Trường chính thức mang tên Trường cấp III Yên Bình. Tháng 11/1992, Trường đổi tên thành Trường Phổ thông trung học Thác Bà. Tháng 5/2001, đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Thác Bà.

Từ khi mới thành lập, Trường Liên cấp II-III Yên Bình có 2 lớp 8, cơ sở vật chất ban đầu, nhà ở giáo viên, lớp học, chỉ là tranh tre, nứa lá; bàn ghế là những mảnh ghép. Đến năm 1963, Trường được tách ra thành Trường cấp III Yên Bình, với 9 thầy cô giáo và 83 học sinh. 

Do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nhà trường cùng với nhân dân phải rời phủ Yên Bình sơ tán đến đồi Lim - Linh Môn, xã Yên Bình. Trải qua từng giai đoạn lịch sử và đáp ứng nguyện vọng học tập cho học sinh, Trường tiếp tục được chuyển từ thôn Linh Môn đến thôn Bỗng - xã Yên Bình đến tháng 9/1971, Trường được chuyển đến thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên.

Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc lần thứ 2, để đảm bảo an toàn cho công tác dạy và học, tháng 9/1972, huyện Yên Bình đã quyết định sơ tán nhà trường đến thôn Cây Thị, xã Yên Bình. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong giai đoạn này là đảm bảo an toàn cho thầy và trò với phương châm: "Dạy tốt - học tốt”, học đi đôi với hành, gắn liền với lao động sản xuất, động viên thầy và trò tham gia nhập ngũ chống Mỹ cứu nước, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 90%.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ và ngành giáo dục, nhằm phát triển kinh tế - chính trị - xã hội, tháng 9/1974, nhà trường được chuyển từ thôn Cây Thị, xã Yên Bình đến đồi Đu Quay, thôn Phúc Khánh, xã Vĩnh Kiên. 

Tại đây, vào tháng 11/1975 Chi bộ nhà trường được thành lập do đồng chí Phạm Duy Đản làm Bí thư. Từ đây nhà trường đã phát triển quy mô trường lớp, dạy đủ các môn học, trong đó có môn ngoại ngữ - Nga văn; đồng thời, mở rộng địa bàn tuyển sinh thu hút đông đảo con em các dân tộc từ huyện Lục Yên đến các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ về học tập. 

Cùng với đó là đẩy mạnh công tác dạy học bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân địa phương, tăng cường công tác lao động tăng gia sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao. Năm 1978 - 1979, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc, nhà trường đã đón nhận 72 học sinh từ các vùng biên giới về học, đồng thời động viên 25 học sinh lên đường nhập ngũ bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Bước sang giai đoạn từ 1981 đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, nhà trường được tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất của UBND huyện Yên Bình tại khu phố 8 - thị trấn Thác Bà, đánh dấu một bước phát triển mới. 

Từ đây, nhà trường có điều kiện thuận lợi để phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. 55 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy chính quyền, sự quan tâm của ngành giáo dục, Trường THPT Thác Bà đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào. 

Kể từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo được 16.780 học sinh, chất lượng giáo dục từng bước được khẳng định. Trong đó, có hàng nghìn học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục được đẩy mạnh. 

Trong 55 năm qua, nhà trường đã có 167 đội tuyển với 1.365 học sinh tham dự trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; 17 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm bình quân đạt 93,7%. Vui hơn, từ mái trường này đã có nhiều học sinh đã trở thành giáo sư, tiến sỹ, tướng lĩnh, sỹ quan trong quân đội, công an, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nhà quản lý, người lao động giỏi, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu như các Tiến sỹ: Lưu Đức Khảm, Nông Văn Hải, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Văn Vượng...; Thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Sỹ; Thiếu tướng Hoàng Minh Ngọc, Thiếu tướng Hoàng Ngọc Thành. 

Đáng mừng hơn, từ mái trường tranh, tre, nứa, lá ban đầu, với sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của nhà trường, đến nay, Trường đã có cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện với 22 phòng học xây dựng kiên cố; 6 phòng học bộ môn. Đội ngũ giáo viên của nhà trường không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với 61 người, trong đó có 8 thầy cô có trình độ thạc sỹ. Nhà trường có chi bộ Đảng với tổng số 32 đảng viên.

Với những kết quả trên, nhiều năm liên tục nhà trường được công nhận Trường tiên tiến xuất sắc. Có 1 nhà giáo đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 4 nhà giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú”; 68 lượt nhà giáo được công nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, 42 nhà giáo được tặng thưởng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục”; 2 lần nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý của các bộ, ngành và địa phương.

Đất nước đã và đang bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, vững bước trên con đường đổi mới, đồng thời cũng đang đứng trước nhiều thách thức mới. Để góp phần vào nhiệm vụ chung đó, đòi hỏi nhà trường phải không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng dạy và học.



Thế hệ học trò hôm nay.

Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò Trường THPT Thác Bà tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục, như "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. 

Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện "dạy chữ”, "dạy người” và định hướng nghề cho học sinh; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi; học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

Đổi mới công tác quản lý theo hướng khoa học, hiệu quả, phù hợp điều kiện nhà trường. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua việc cử giáo viên đi đào tạo nâng cao trình độ, đẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. 

Thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua "Dạy tốt - Học tốt”, nguyện noi gương và tiếp bước thế hệ cha anh, các em học sinh ngày hôm nay không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện với khẩu hiệu "Vì ngày mai lập nghiệp; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trên mọi lĩnh vực” xứng đáng với huyện Yên Bình anh hùng và tỉnh Yên Bái giàu truyền thống hiếu học.

Ma Quang Thủy (Hiệu trưởng Trường THPT Thác Bà)

Các tin khác
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học học cơ sở Lý Tự Trọng, xã Nậm Có tiếp nhận gạo hỗ trợ cho học sinh ngày 28/3

Ngày 28/3, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn đã tổ chức giao gạo hỗ trợ học sinh tại các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Cửa hàng quần áo thương hiệu Việt đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng thu hút người tiêu dùng Yên Bái.

Những năm qua, nhiều mặt hàng thời trang thương hiệu Việt luôn cập nhật theo xu hướng thời trang thế giới, không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt với giá cả hợp lý cùng với các sản phẩm OCOP địa phương… ngày càng chiếm được sự tin tưởng, ưa chuộng của người dân Yên Bái. Qua đó góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo thành thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng.

Việc cấp nước sinh hoạt được duy trì hoạt động phụ thuộc vào nguồn điện từ Điện lực Yên Bình cung cấp.

Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái vừa có thông báo về việc tạm ngừng cấp nước sinh hoạt toàn thành phố Yên Bái, trung tâm huyện Yên Bình từ 6h00 đến 17h45 ngày 29/3/2024 và hủy ngừng cấp nước ngày 30/3/2024.

ĐVTN xã Hồ Bốn tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn tại bản Háng Đề Chu.

Thực hiện kế hoạch của Đoàn cấp trên về tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đồng loạt tổ chức các hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh” tình nguyện cùng với nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế tại chỗ cùng nhau xây dựng bản, làng ngày càng sáng, sanh, sạch, đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục