Yên Bái nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2018 | 8:02:24 AM

YBĐT - Đào tạo nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá được tỉnh xác định để đạt mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, hướng dẫn học viên thực hành nghề điện.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, hướng dẫn học viên thực hành nghề điện.

Do đó, để tạo nguồn nhân lực có chất lượng, những năm qua mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề, chương trình và giáo trình đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đã được tỉnh quan tâm đầu tư, chăm lo, từ đó đóng góp vào kết quả đào tạo nghề. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nguồn nhân lực qua đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
 
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản phù hợp với tình hình thực tế. Có thể kể đến Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 19/4/2010 về việc ban hành quy định chế độ khen thưởng đối với giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong hoạt động dạy và học trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 13/10/2014 Quy định chính sách thu hút, đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý; hỗ trợ đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014 - 2016; Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 Quy định một số chính sách phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020...

Từ sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, theo báo cáo của ngành lao động - thương binh và xã hội, hết năm 2017, với 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 5 cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Toàn tỉnh hiện có 535 giáo viên dạy nghề, trong đó: trình độ trên đại học 130 người (chiếm 24,3%); đại học 368 người (chiếm 68,8%); cao đẳng 21 người (chiếm 3,9%); trình độ khác 16 người (chiếm 3%). 

Đa số giáo viên dạy nghề đã đạt chuẩn về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Đồng thời, đội ngũ này tiếp tục được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Với mạng lưới đào tạo và đội ngũ giáo viên giảng dạy, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, ngành lao động - thương binh và xã hội, trung bình mỗi năm có trên 15 ngàn lao động trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề. Do đó, hết năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 51%. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
 
Những khó khăn

Những kết quả đạt được là rất lớn, tuy nhiên, cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất, về kinh phí, những khó khăn về đội ngũ chính là "rào cản” ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề. Bất cập nhất là hiện nay đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có số lượng, chất lượng và cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng nhu cầu về cơ cấu ngành nghề đào tạo. 

Điều này dẫn đến, khi có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề đào tạo thì khả năng học chuyển đổi của giáo viên còn khó khăn.
 
Ngoài các trường cao đẳng, đội ngũ giáo viên dạy nghề của các trường trung cấp và 7 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện còn thiếu. Sau khi sáp nhập, các trung tâm hiện đang thừa giáo viên dạy văn hóa nhưng lại thiếu giáo viên dạy nghề, dẫn đến việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó khăn.

Cùng với những khó khăn kể trên, nhiều chính sách chưa phù hợp đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo. Có thể kể đến chính sách thu hút giáo viên về các trường cao đẳng.
 
Theo Quyết định số 24 và Quyết định số 22/2016/QĐ-UBND, tiêu chuẩn về trình độ, bằng cấp thu hút là thạc sĩ, tiến sĩ, đại học hệ chính quy loại xuất sắc... Mặc dù các tiêu chuẩn quy định này là phù hợp so với yêu cầu của trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao và trường được đầu tư nghề trọng điểm, song trên thực tế, các trường khó thu hút theo chính sách thu hút của tỉnh vì những giáo viên dạy nghề giỏi, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi thường không quay về tỉnh Yên Bái làm việc. 

Bên cạnh đó, về chế độ chính sách, dù giáo viên, giảng viên dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đảm bảo mọi quyền lợi theo chế độ, chính sách.
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế về định mức biên chế, chế độ làm việc tại một số đơn vị sau khi sáp nhập. Cụ thể, về định mức biên chế, tại Điều 15, Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 hướng dẫn cơ cấu tổ chức gồm 1 giám đốc và không quá 2 phó giám đốc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số trung tâm đang dư thừa chức danh phó giám đốc.
 
Hơn thế, việc tuyển dụng và sắp xếp cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa phù hợp, chưa bố trí đủ cơ cấu giáo viên theo các ngành nghề, thiết bị đã được đầu tư cho các đơn vị. Vì với số lượng biên chế hiện có tại các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, sau khi sắp xếp theo vị trí việc làm và định mức lao động đã phát sinh tình trạng, thiếu giáo viên dạy nghề trong khi giáo viên dạy văn hóa ở một số bộ môn tại một số nơi chưa dạy đủ định mức.

Trên thực tế, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề cơ bản thực hiện tốt, song do số lượng giáo viên dạy nghề của các trường chưa đủ nên một số giáo viên phải dạy vượt định mức trong khi kinh phí được phân bổ thấp nên mức tiền lương trả dạy vượt giờ đối với giáo viên chưa đáp ứng so với yêu cầu.
 
Về chính sách đào tạo bồi dưỡng, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ chưa đáp ứng do kinh phí phục vụ cho bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho giáo viên phải tự trang trải và tự chủ nên gặp nhiều khó khăn.

Về chính sách khen thưởng, kỷ luật, dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã quan tâm và sớm hoàn thiện hồ sơ trình khen thưởng, đảm bảo chế độ, chính sách của giáo viên được kịp thời, đúng quy định. Tuy nhiên, việc khen thưởng hàng năm cho cán bộ quản lý và giáo viên của các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên trong tỉnh chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn trong công tác khen thưởng.
 


Đồng chí Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng cờ lưu niệm  cho các đoàn về dự Hội giảng Giáo viên dạy nghề tỉnh Yên Bái năm 2016.

Và giải pháp tháo gỡ
 
Với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh Yên Bái đạt trên 60%, cùng với nhiều giải pháp, tập trung nâng cao nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề cần tiếp tục được quan tâm.
 
Để giải bài toán nguồn nhân lực, cùng với đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào bồi dưỡng kỹ năng nghề nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề..., UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp để làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí lại đáp ứng yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo chuẩn về trình độ.
 
Đồng thời, khuyến khích đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa tại các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên cấp huyện sang thành giáo viên dạy nghề để đáp ứng yêu cầu dạy nghề của địa phương; quan tâm bố trí thêm nguồn kinh phí để tổ chức các lớp nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. 

Ở những vùng khó khăn, cần có nhà công vụ để một bộ phận nhà giáo mới ra trường, nhà ở xa có thể ở lại để chuyên tâm vào chuyên môn...
 
Với tác động của cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, gần như tất cả kiến thức người học có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giáo viên hướng dẫn người học giải quyết các tình huống thực tế, uốn nắn những kỹ năng, thao tác theo yêu cầu. 

Các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai... Do đó, để hoàn thiện bản thân, yêu cầu đội ngũ giáo viên phải tự học, tự nâng cao trình độ kiến thức nghề và kỹ năng nghề.

Nguồn lao động giữ vai trò quyết định sự phát triển, tin rằng với sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực của các cơ sở dạy nghề, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực chất lượng, để đào tạo ra những lao động có chất lượng, phục vụ tốt công cuộc CNH - HĐH.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tiêu biểu được lựa chọn tham gia biểu diễn tại những lễ hội lớn của địa phương.

YBĐT - Phong trào văn hóa, văn nghệ đã góp phần rất lớn vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, thay đổi, xóa bỏ những quan điểm lạc hậu, hủ tục đã ăn sâu vào lối sống, suy nghĩ từ bao đời nay của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, thay vào đó là nếp sống văn minh. 

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông-xuân năm 2018.

Ngày 4/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân năm 2018.

Đồng chí Lê Quốc Phong phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 4/1 tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ hai (khóa XI) đã chính thức khai mạc.

Đầu đạn phủ kín đường làng sau vụ nổ.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang làm rõ nguồn gốc 7 tấn đầu đạn cũ mà bị can Nguyễn Văn Tiến khai thu mua...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục