Đặt tên cho hồ

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2018 | 11:39:57 AM

YBĐT - Thật tuyệt vời cho Yên Bái – thành phố nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng và kiến tạo của con người làm nên một hệ thống đầm hồ sinh thái, thơ mộng giữa lòng thành phố.

Những hồ nước đã góp phần tạo cảnh quan đẹp cho thành phố Yên Bái.  (Ảnh: Thanh Miền)
Những hồ nước đã góp phần tạo cảnh quan đẹp cho thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)

Chỉ tính sơ sơ, hiện có tới 6 hồ lớn ở trung tâm tỉnh lỵ, cũng như ở các phường, xã trên địa bàn thành phố, là những lá phổi xanh và tạo điểm nhấn cho không gian đô thị. Tỷ lệ cây xanh và mặt nước của thành phố Yên Bái đang đạt "tỷ lệ vàng” mà không phải bất cứ đô thị nào cũng có được. Có thể tạm gọi Yên Bái là thành phố của "lục hồ” quả rất xứng danh.

Bắt đầu hành trình từ Minh Bảo - xã phía Đông Bắc của thành phố, nơi có nước biếc, rừng xanh - thanh bình và thơ mộng của khu sinh thái hồ Thuận Bắc rộng trên 17 ha. Trong đó có hồ nước rộng tới 3 ha, bao quanh bởi những khu đồi thấp trồng toàn vải thiều và xoài Vân Du cùng với nhiều hec-ta rừng cây bản địa bao quanh.
 
Cách trung tâm thành phố hơn 4 km, hồ Thuận Bắc từng là một khu sinh thái, giải trí, ẩm thực khá nổi tiếng. Hướng ra trung tâm tỉnh lỵ, là bắt gặp không gian phố thị soi bóng mặt hồ. Tại nơi này có cả một quần thể gồm 3 hồ nhân tạo liên thông lung linh sóng nước, kết hợp với quảng trường, công viên Nhà Thiếu nhi và công viên nước Km5 tạo nên cảnh quan đẹp cho khu vực trung tâm hành chính của tỉnh. Hồ Hào Gia ở phía bên trái đường Điện Biên, nơi có nhà khách Hào Gia – một công trình kiến trúc có lịch sử khá lâu ở thành phố này.
 
Hồ Hào Gia có tên gọi gắn liền với vùng đất xưa kia thuộc sách Hào Gia – tổng Bách Lẫm – tỉnh Hưng Hóa, được thành lập từ năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng. Bên phải đường Điện Biên là hồ "Thủy Lợi” rộng gần 5 ha, tiếp giáp với Quảng trường 19/8. Hồ "Thủy Lợi” có lẽ cũng chỉ là tên "Nôm” gắn với quá trình san đồi, đắp đường, ngăn suối tạo nên hồ điều tiết nước nên quen gọi như thế.
 
Bên trên hồ Thủy Lợi là hồ Nhà Thiếu nhi tỉnh liên thông với hồ Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh trải rộng hơn 5 ha mặt nước. Tuy nhiên, cũng như hồ Thủy Lợi, hồ này cũng chưa có một cái tên "Xứng danh” với vẻ đẹp và công năng của nó.

Tiếp tục hành trình ra trung tâm thành phố, không thể không dừng chân thưởng ngoạn cảnh sắc mênh mang sóng nước của hồ Yên Hòa. Hồ Yên Hòa rộng hơn 10 ha, gắn với địa danh phố Yên Hòa. Hồ Yên Hòa là hồ tự nhiên rộng và đẹp thuộc hàng "Đệ nhất danh hồ” ở thành phố Yên Bái. Đường dạo quanh hồ dài tới vài cây số, được trồng nhiều cây vàng anh, mỗi độ Giêng Hai lại bung nở những chùm hoa lớn vàng tươi sắc nắng.
 
Nằm trên đại lộ Nguyễn Thái Học, hồ Yên Hòa là điểm nhấn quan trọng của công viên Yên Hòa. Hồ Yên Hòa còn được gọi là "hồ Cô Giang” để nhắc nhớ mối tình bi tráng, thủy chung giữa liệt nữ Nguyễn Thị Giang với nhà yêu nước Nguyễn Thái Học trong phong trào kháng Pháp những năm 30 của thế kỷ XX. Đối diện công viên Yên Hòa giờ đây là Vincom Plaza hiện đại soi bóng mặt hồ, càng làm cho khung cảnh nơi này thêm phần lung linh và tươi mới.

Tạm biệt hồ Yên Hòa vào với Nam Cường – một địa danh hành chính tiếp giáp với huyện Trấn Yên, nơi mảnh đất giao hòa giữa cái phồn hoa của phố thị với vẻ thanh bình chốn thôn quê. Trung tâm phường Nam Cường là hồ nước rộng 5 ha, tọa lạc bên bờ một quần thể đình, đền, chùa gắn với lịch sử hình thành vùng đất Nam Cường hàng thế kỷ. Đình, đền, chùa ở Nam cường nổi tiếng linh thiêng và là điểm kết nối trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh trên thành phố Yên Bái. Hàng năm, lễ hội đình và đền Nam Cường thường được tổ chức vào đầu xuân gắn với nhiều trò chơi và sinh hoạt văn hóa dân gian, trong đó phải kể tới hội đua thuyền trên hồ Nam Cường rất hào hứng và đậm đà không khí vui xuân – gắn kết cộng đồng.

Như vậy, điểm qua hành trình trải nghiệm thành phố Yên Bái đã có 4 trên tổng số 6 hồ có tên gọi gắn với lịch sử từng địa danh xứng với giá trị cảnh quan của mỗi khu hồ.
 
Còn 2 khu vực hồ cũng rất ngoạn mục, lại ở trung tâm tỉnh lỵ chưa "có tên xứng danh hồ đẹp” ấy là hồ Thủy Lợi và hồ Nhà Thiếu nhi tỉnh. Vẫn biết việc đặt tên cho hồ cũng như tên đường có nhiều tiêu chí như: gắn với địa danh, lịch sử vùng đất, danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử… rồi cả theo những huyền tích, cách gọi dân gian nữa.
 
Song thiết nghĩ, cũng như hồ Xuân Hương ở Đà Lạt – một hồ nhân tạo từng được "nhân xưng” với cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa gắn với thành phố du lịch, theo năm tháng đã đi vào tiềm thức không chỉ riêng với người dân nơi thành phố ngàn thông.
 
Thành phố Yên Bái của chúng ta đang từng bước xây dựng thành phố văn minh – sinh thái và hiện đại nơi cửa ngõ Tây Bắc. Cùng với những khoảng hồ xanh đã và đang được đầu tư chỉnh trang xây kè kiên cố, thì cũng nghiên cứu, chọn lựa, trưng cầu ý kiến nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đặt tên cho những khu hồ còn lại, góp phần tạo nên dấu ấn đối với du khách khi lên với Yên Bái.

Xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào và tấm lòng công dân với thành phố quê mình, xin mạn phép được nêu lên vài suy nghĩ như vậy. Mong sao, cùng với sự phát triển hướng tới đô thị loại II vào những năm tới, thành phố Yên Bái sẽ ngày càng văn minh – hiện đại và có thêm những tên hồ đầy ý nghĩa, để lại ấn tượng với du khách có dịp đến với nơi đây: thành phố của rừng biếc hồ xanh – văn minh, sinh thái và thơ mộng.   
 
Thanh Tửu

Các tin khác
Chiến sỹ trẻ tham gia kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4.

Sáng 29/3, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tổ chức kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4 cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024.

Nội dung huấn luyện đội ngũ chiến thuật bài “Trung đội dân quân bảo vệ mục tiêu khi có gây rối bạo loạn”.

Ngày 28/3, huyện Yên Bình đã tổ chức ra quân huấn luyện trước rút kinh nghiệm huấn luyện dân quân tự vệ năm 2024 tại xã Bảo Ái.

Phường Nguyễn Thái Học tiến hành kẻ vạch sơn chỉ giới hành lang hai bên tuyến đường Lý Thường Kiệt.

Phường Nguyễn Thái Học là một trong những địa bàn trọng điểm với chợ truyền thống và nhiều điểm chợ tự phát, cùng với đó là các hộ kinh doanh hàng hóa và dân cư tập trung đông. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực để đưa trật tự đô thị (TTĐT) từng bước đi vào nền nếp, góp phần xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II văn minh và hiện đại.

Sáng 29/3, Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng các phương án khi xảy ra tình huống cháy nổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục