Năm nay là năm đầu tiên cả 3 kỳ tuyển sinh đầu cấp học tiểu học, THCS, THPT cùng chịu cảnh gia tăng số lượng học sinh như vậy. Là năm học đầu cấp tiểu học của trẻ sinh năm 2012 (rồng vàng), lứa trẻ sinh năm 2007 (lợn vàng) vào lớp 6 và "dê vàng” (2003) vào lớp 10.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của lứa "dê vàng” mới kết thúc, có hơn 1.000 em học sinh không được học trong các trường THPT công lập của tỉnh mới thấy sức ép của việc gia tăng dân số đột biến ở các năm "vàng” theo quan niệm dân gian như thế nào.
Mặc dù tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 không phải thi tuyển và cũng sẽ không có trẻ nào không được vào trường học, nhưng áp lực xã hội không hề giảm.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Yên Bái, năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh sẽ tuyển mới lớp 1 là 19.093 trẻ và lớp 6 là 14.727 trẻ. So với số liệu của toàn tỉnh đầu năm học 2017 - 2018 thì năm học 2018 - 2019 tăng hơn 2.400 trẻ vào lớp 1 và tăng hơn 800 trẻ vào lớp 6.
Thành phố Yên Bái luôn là địa phương có chỉ tiêu vào đầu cấp cao hơn cả các địa phương khác trong toàn tỉnh. Năm học 2018 - 2019, số trẻ thành phố tuyển mới vào lớp 1 là 2.076, số vào lớp 6 là 1.816. So với năm học 2017 - 2018, cả tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 đều tăng đột biến.
Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái, năm học 2018 - 2019 được giao chỉ tiêu tuyển mới 8 lớp 6 với 360 em (tăng 1 lớp 6 so với năm học trước). Trường được tuyển sinh các em học sinh có hộ khẩu tại địa bàn phường Nguyễn Thái Học và phường Nam Cường (trừ thôn Cường Bắc).
Cô giáo Hoàng Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đang tiếp nhận hồ sơ của các em theo đúng kế hoạch phân tuyến của Phòng GD-ĐT thành phố. Chúng tôi căn cứ theo danh sách tên, địa chỉ từng em của Phòng gửi xuống để tiếp nhận hồ sơ nên không có tình trạng chen lấn nộp hồ sơ hay phải đấu chọi, dù gia tăng số lượng trẻ nhập học”.
Đối với việc tăng lớp 6 so với năm học trước, Trường THCS Lê Hồng Phong cũng giống nhiều trường trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Tuy vậy, thực hiện sự chỉ đạo chung của ngành, nhà trường sẽ có kế hoạch chỉ đạo giáo viên khắc phục khó khăn, dạy thừa giờ, dạy kéo môn ngoài nhiều phần việc kiêm nhiệm.
Mặc dù là địa phương có kinh nghiệm nhiều năm trong việc xử lý phân luồng học sinh đầu cấp học, song việc đồng loạt gia tăng số lượng học sinh đầu các cấp học cũng khiến ngành GD-ĐT thành phố Yên Bái phải "đau đầu”.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Yên Bái cho biết, thành phố có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý tình trạng tăng đột biến số trẻ ra lớp đầu cấp học. Dù năm nay áp lực cả tiểu học và THCS, song chúng tôi vẫn sử dụng biện pháp phân tuyến học sinh theo địa chỉ, do đó, không có trường hợp quá tải ở bất kỳ đơn vị trường học nào. Các đơn vị trường học được sắp xếp đầy đủ số lớp, cơ sở vật chất nếu tăng số lượng lớp.
"Tuy vậy, việc gia tăng số lượng trẻ đầu cấp đồng loạt như năm nay khiến việc thiếu giáo viên của thành phố càng thêm phần khó khăn. Hiện tại, ngành GD-ĐT thành phố yêu cầu các nhà trường trước mắt khắc phục khó khăn, mặt khác ngành sẽ đề nghị được tuyển dụng mới để đáp ứng yêu cầu dạy và học” - ông Hà nói.
Bên cạnh áp lực gia tăng về số lượng học sinh đầu cấp năm nay, thì việc chọn trường, chọn lớp lâu nay tồn tại trong suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh học sinh cũng khiến cho việc tuyển sinh đầu cấp ở thành phố càng thêm áp lực.
Trong những ngày này, nhiều phụ huynh rỉ tai nhau rằng: "Năm nay đông như thế, nên muốn vào được trường này, trường kia phải mất tiền chục triệu”.
Không rõ các thông tin đó từ đâu, song Phòng GD-ĐT thành phố khẳng định, tất cả trẻ tiểu học và THCS trên toàn thành phố được đi học đúng độ tuổi. Ngành GD-ĐT thành phố có trách nhiệm không để một em nào không được đến trường vì bất kỳ lý do gì.
Do đó, rất nhiều năm nay, thành phố thực hiện phân tuyến học sinh đảm bảo công bằng về số ki-lô-mét tới trường của các em học sinh. Việc phân tuyến dựa trên điều tra phổ cập, cơ sở vật chất, lượng giáo viên của từng trường...
Cùng phối hợp với chính quyền địa phương, công an các phường sở tại để việc phân tuyến được đảm bảo. Các đơn vị trường học căn cứ theo danh sách phân tuyến để tuyển sinh. Do đó không thể có tiêu cực trong tuyển sinh.
Có thể thấy, từ việc tâm lý sinh con năm "vàng” đến tâm lý chọn trường chọn lớp càng làm cho việc tuyển sinh đầu cấp nhiều áp lực, nhất là ở thành phố. Áp lực ấy bắt nguồn từ chính phụ huynh học sinh dẫn đến áp lực cho ngành GD-ĐT và cao hơn đã tạo áp lực cho xã hội.
Hệ quả của vấn đề này có lẽ chưa dừng lại việc tuyển sinh đầu cấp tiểu học, THCS, cao hơn là tuyển sinh đầu cấp THPT mà xa hơn nữa là vấn đề giải quyết việc làm sau này cho những lứa công dân "vàng”.
Thanh Ba