Yên Bái đẩy mạnh đào tạo chuyển dịch cơ cấu lao động

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/7/2018 | 8:06:45 AM

YBĐT - Trong 7 năm (2011-2017), tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ giảm được 7,48%. Vừa qua, tỉnh đã xây dựng Đề án "Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Thương mại - du lịch là ngành thời gian tới cần nguồn lao động lớn.
Ảnh: Giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái hướng dẫn dạy nghề nấu ăn.
Thương mại - du lịch là ngành thời gian tới cần nguồn lao động lớn. Ảnh: Giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái hướng dẫn dạy nghề nấu ăn.

Những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Cùng với việc giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp là sự dịch chuyển về cơ cấu lao động, chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương và bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Tuy nhiên, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch còn chậm, trong 7 năm 2011-2017, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ giảm được 7,48% (bình quân khoảng 1,1%/năm). Tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao, hết năm 2017, còn 66,66%, trong khi toàn quốc là 44%.
 
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, để hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm khai thác tối đa lợi thế của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng” để tăng năng suất lao động, vừa qua, tỉnh đã xây dựng Đề án "Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
 
Và để Đề án triển khai có hiệu quả, công tác đào tạo nghề có vai trò cực kỳ quan trọng, là một mắt xích vào chuyển đổi từ lao động sang lao động phi nông nghiệp.

Theo thống kê, giai đoạn 2010-2017, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 103.127 người (bình quân 12.890 người/năm) gồm: cao đẳng, trung cấp 16.661 người (chiếm 16,2%); sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 86.466 người (chiếm 83,8%), trong đó hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 42.845 người (bình quân 5.360 người/năm). Hết năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 51%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên và người học nghề sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đạt trên 70%.

Mục tiêu là giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 66,7% lao động năm 2017 xuống còn 61,9% vào năm 2020 và còn 51,9% vào năm 2025 (bình quân mỗi năm chuyển dịch 1,6% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 4.060 lao động/năm).
 
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ lao động tăng dần từ 14,52% năm 2017 lên 17,32% năm 2020 và tăng lên thành 22,27% vào năm 2025. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tỷ lệ lao động tăng dần từ 18,82% năm 2017 lên 20,76% năm 2020 và tăng lên thành 26,03% vào năm 2025.
 
Bên cạnh những thuận lợi, về địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội… theo dự báo, nhu cầu sử dụng nhân lực giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn sẽ tăng.
 
 
Sinh viên học nghề sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
 
Theo khảo sát, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 26.213 lao động, trong đó: lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 2.000 lao động; lĩnh vực công nghiệp xây dựng 14.281 lao động, trong đó công nghiệp khai khoáng 1.000 lao động; công nghiệp chế biến, chế tạo 10.400 lao động; công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước 250 lao động; xây dựng, giao thông 2.631 lao động; thương mại, dịch vụ 9.932 lao động, trong đó, mạng lưới chợ, hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại 6.650 lao động; mạng lưới kinh doanh xăng dầu 474 lao động, mạng lưới kinh doanh khí hóa lỏng 888 lao động, hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện 210 lao động, trung tâm logistic 420 lao động; kho bãi, cảng cạn 390 lao động, dịch vụ khác 900 lao động.
 
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng lao động của một số doanh nghiệp, dự án được tỉnh thu hút đầu tư tăng. Cụ thể, các công ty may có vốn đầu tư của Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng 12.200 lao động (năm 2017 các doanh nghiệp đã tuyển dụng được 3.488 người, còn thiếu 8.712 người); Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Edge Glass tại xã Bảo Hưng có nhu cầu tuyển dụng: 3.000 lao động; Nhà máy ống thép Hoa Sen (tại Trấn Yên) có nhu cầu tuyển dụng 400 lao động; Dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ: trung tâm thương mại, khách sạn của Tập đoàn Hoa Sen có nhu cầu tuyển dụng khoảng 150 lao động; Dự án Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh cũng có nhu cầu sử dụng lao động. Từ những khảo sát trên cho thấy, việc đào tạo và chuyển đổi lao động là hết sức khả quan.

 Để việc chuyển đổi đạt mục tiêu, đáp ứng nhu cầu sử dụng, cùng bố trí nguồn ngân sách thực hiện việc đào tạo, cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về chuyển dịch cơ cấu lao động.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút, tạo việc làm cho lao động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch; ban hành chính sách đặc thù của tỉnh nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ…
 
Trong đó, đối với công tác đào tạo nghề, hàng năm, cần tổ chức khảo sát, xác định nhu cầu sử dụng lao động của các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; cập nhật thông tin nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của thị trường lao động cả nước.
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề qua: gắn kết giữa các trường cao đẳng, trường trung cấp và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt trong việc bố trí sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của các khu công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu xuất khẩu lao động; ký kết hợp đồng đào tạo nghề giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hợp đồng cung ứng lao động giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp, hợp đồng liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh nhằm đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng tiếp tục thực hiện chính sách về thu hút nhân lực có trình độ cao; bố trí kinh phí để hỗ trợ đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa tại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện.
 
Cần tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm tăng số lao động được hỗ trợ học nghề hàng năm, đặc biệt là số lao động được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa dạy nghề, thu hút các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nghề.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Sơn Lương.

YBĐT - 3 ngày sau lũ, con đường vào thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương vẫn ngổn ngang cây cối, bùn đất từ trên cao đổ xuống. Không ai ngờ con suối Khe Ma ngày thường hiền hòa là vậy mà trong phút chốc đã xé toạc Bản Tủ thành một "đại công trường” của sự đổ nát.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy kiểm tra chỉ đạo đẩy tiến độ thông tuyến đường đi xã Sùng Đô và Nậm Mười

YBĐT - Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy thì trong ngày hôm nay - 22/7, bằng mọi giá, các tổ công tác đặc biệt của huyện Văn Chấn sẽ quyết tâm tiếp cận địa bàn tất cả các xã đang bị cô lập.

YBĐT - Ngay sau bão số 3 đi qua, UBND thành phố Yên Bái đã huy động toàn lực tập trung khắc phục hậu quả.

YBĐT - Tính đến trưa 22/7, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các xã vận động 126 hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, bố trí đất ở tại khu vực an toàn cho 27 nhà trong tổng số 50 nhà bị sập đổ hoàn toàn và nhà di dời khẩn cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục