Theo dự thảo, phạm vi và đối tượng áp dụng, luật này quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trong tờ trình dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Phản bác lại con số này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng việc thống kê sử dụng đồ uống rượu, bia thường lấy tổng lượng sản xuất, nhập khẩu rồi chia cho đầu người. Tuy nhiên, rượu bia không chỉ dùng để uống mà còn sử dụng nhiều vào trong công nghiệp sản xuất, chế biến thức ăn trong thực phẩm.
"Người Việt Nam rất hào phóng. Tôi đã từng gặp, có người ngâm hàng ngàn lít rượu chỉ để chơi. Nhiều người mua rượu ngoại về để chưng cả tủ đầy. Có người tắm bia nữa nhưng tôi chưa được thấy… Đừng gom hết cả rồi chia đều”, ông Nhưỡng nói.
Trong phiên thảo luận (ngày 11/10), đại biểu Nhưỡng là người phát biểu nhiều nhất về tính khả thi của luật này. Khi ông Nhưỡng phát biểu: "Chúng ta đang uống rượu, tôi nói thật chúng ta đang phản bội lại chính mình”, khiến nhiều người phì cười.
Theo ông Nhưỡng, chúng ta đừng xem rượu, bia là một loại độc dược như ma túy hay thuốc lá mà loại bỏ. Đối với người Việt Nam, "chén chú, chén anh” đã trở thành một nét văn hóa. Bất kể việc gì từ lớn đến nhỏ, vui đến buồn đều có rượu, bia. Đã là văn hóa, thì cần điều chỉnh văn hóa đó cho lành mạnh, thay vì cấm đoán này kia.
"Nhà có giỗ, hàng xóm qua: mời bác qua nhà làm chén rượu. Tiệc vui, việc hỉ họ cũng mời qua làm chén rượu, chứ có ai mời qua làm chén cơm đâu!”. "Tại sao phòng chống tác hại của rượu, bia? Vậy chúng ta có phát huy mặt ưu điểm của rượu, bia không? Nói đi nói lại để thấy chúng ta đang phiến diện vấn đề. Đừng nhìn vấn đề quá tiêu cực, mọi thứ đều màu đen. Hãy đánh giá mọi thứ trên bình diện khoa học và phải công bằng. Rượu đã có đời sống văn hóa cả nghìn năm nay. Văn hóa rượu cao lắm… Vitamin uống nhiều còn chết nói gì đến rượu, bia. Phải làm sao tạo ra đời sống văn hóa lành mạnh, chứ không phải chúng ta coi rượu, bia là là độc dược phải loại bỏ”.
Sau ông Nhưỡng, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ phát biểu. Ông Xuân ủng hộ Luật nhưng sự chuẩn bị và thời điểm ra đời theo ông chưa phù hợp. Vấn đề này trước mắt nên dừng lại ở nghị định. Còn ra luật thì phải xem xét, vì phạm vi tác động đến toàn xã hội.
Ông Xuân cho hay: những lần tiếp xúc cử tri ông có đưa ra thông tin về dự án luật này, thì cử tri địa phương ông phản đối. Rượu, bia hiện hữu trong đời sống văn hóa của người dân từ lâu nay, việc ra luật như vậy là rất khó khả thi. "Nói thật, tôi đến địa phương của các vị, chúc rượu thôi đã là không thương tiếc, lên bờ xuống ruộng rồi. Khi bàn tới việc này, thì thấy bản thân mình cũng có liên quan”.
Một đại biểu khác phát biểu tranh luận, lập tức ông Xuân phát biểu đáp lại: "Tiếp xúc cử tri, chúng tôi có cả biên bản ngày tháng hẳn hoi. Không phải một hai ý kiến đâu, mà nhiều người không đồng thuận. Thử xem lại luật phòng, chống tác hại thuốc lá mấy năm trước. Lúc đó không phải tất cả cử tri đều đồng thuận hay sao. Nhưng thực tế thì sao: đồng thuận nhưng hút vẫn hút”, ông Xuân phát biểu và cho rằng: chúng ta đừng đơn giản chỗ này.
Giáo sư (GS) Nguyễn Việt Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng các ý kiến của đại biểu đóng góp ý kiến nào cũng có lý. Và cá nhân ông cũng có ý kiến riêng của mình. Theo vị GS này nhìn ở mọi góc độ, rượu, bia đều không tốt nếu nói đến vấn đề sức khỏe. Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Trẻ cố gắng làm ra kinh tế để có tiền. Nhưng khi có bệnh rồi thì bán hết tất cả vì sức khỏe. Ở giai đoạn này thì nói thế này, nhưng ở giai đoạn khác thì nói khác.
"Nếu chúng ta cấm hết toàn bộ có được không? Nói thật đã ban hành cái gì mà không có tính khả thi thì đừng ban hành, người ta cười cho”, ông Tiến nói và nhấn mạnh việc không thể cấm toàn bộ, không thể bỏ toàn bộ. Những điều cấm như việc bán qua mạng internet là phi thực tế, không thể cấm được...
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Mục đích soạn thảo luật để bảo vệ sức khỏe người dân thông qua việc giảm mức tiêu thụ và kiểm soát quảng cáo, chứ không muốn hủy hoại hệ thống sản xuất, văn hóa ẩm thực. Hiện nay, hơn 100 nước đã có luật này, kể cả những nước là quê hương sản xuất rượu trên thế giới.
Bộ trưởng Y tế cho rằng, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia, rượu hàng đầu thế giới. Bệnh tật từ bia rượu cũng rất nhiều. Trong khi thu nhập của người dân vẫn còn ở mức thấp. Trước mắt, việc hạn chế rượu bia để giảm thiểu vấn nạn tai nạn giao thông. Bà Tiến hy vọng khi luật được thông qua sẽ có hiệu quả.
(Theo TPO)