Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái: Công bố mô hình phòng xử án và trang phục xét xử mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/10/2018 | 10:52:22 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện Thông tư số 01 ngày 28/7/2017 và Quyết định số 1738 ngày 23/11/2017 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao quy định về hình thức phòng xử án và Quy chế cấp phát, sử dụng trang phục mới, ngày 5/10/2018, TAND tỉnh Yên Bái đã công bố mô hình phòng xử án và trang phục xét xử mới theo tinh thần cải cách tư pháp.

Các thẩm phán TAND tỉnh trong trang phục xét xử mới.
Các thẩm phán TAND tỉnh trong trang phục xét xử mới.


TAND là một thiết chế của bộ máy Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, là chỗ dựa của nhân dân về công lý, do đó, hình ảnh của thẩm phán TAND cần phải được xây dựng một cách gần gũi, thân thiện nhưng vẫn bảo đảm tính trang nghiêm, mang tính "quyền lực Nhà nước” khi thực thi công vụ. Một trong những biểu hiện của hình ảnh đó là trang phục xét xử của thẩm phán TAND.
 
Khoác trên mình trang phục xét xử mới, Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh Trần Trung Hải không giấu được sự tự hào: "Nếu như trước đây, mỗi khi đứng trước một phiên tòa xét xử, chúng tôi đơn thuần chỉ ăn mặc chỉnh tề với áo vest thì nay với trang phục xét xử là chiếc áo choàng dài tay, bên trong là áo sơ mi trắng, đeo cà vạt, tôi thấy mình như mang theo tinh thần trách nhiệm lớn lao hơn, nhắc nhở tôi không ngừng nỗ lực, tự trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng điều khiển phiên tòa. Theo đó, lời lẽ và hành vi của thẩm phán phải bảo đảm đúng chuẩn mực đạo đức và đúng pháp luật; khách quan, công tâm, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân và phụng sự đất nước”.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 57 thẩm phán, từ ngày 1/9/2018, TAND tỉnh đã chính thức đưa vào sử dụng trang phục xét xử mới.

Đồng chí Phan Văn Tiến - Chánh án TAND tỉnh khẳng định: "Theo tinh thần cải cách tư pháp, mô hình phòng xử án mới, phía trên bục chỉ có Hội đồng xét xử. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân được bố trí đối diện và ngang hàng với người bào chữa, thể hiện sự bình đẳng giữa các bên để thực hiện đúng nguyên tắc bình đẳng, tranh tụng trong xét xử. Đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Vành móng ngựa - nơi các bị cáo đứng trước đây nay được thay bằng bục khai báo của bị cáo và bục khai báo của những người tham gia tố tụng khác. Điều này thể hiện việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội. Đồng thời, cũng thể hiện tính nhân văn, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thể hiện một người bị truy tố ra tòa chưa được coi là có tội cho đến khi có bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật”.
 
Như vậy, Tòa án chỉ được căn cứ vào những hồ sơ, tài liệu đã được thu thập và quá trình tranh tụng tại phiên tòa để ra một bản án khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.
 
Ngoài mô hình phòng xử án hình sự, mô hình phòng xử án còn phục vụ các phiên tòa khác như: phiên tòa xét xử các vụ, việc dân sự; hành chính, xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án; gia đình và người chưa thành niên.
 
Đặc biệt, đối với mô hình phòng xử án gia đình và người chưa thành niên sẽ được bố trí bảo đảm phù hợp với nguyên tắc "tố tụng thân thiện” đối với người dưới 18 tuổi được quy định trong các đạo luật tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua. Thẩm phán sẽ không mặc áo choàng mà mặc trang phục bình thường khi xét xử.

Việc thực hiện mô hình phòng xét xử và sử dụng trang phục xét xử đã được TAND tỉnh thống nhất thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, do TAND tỉnh đang trong quá trình xây dựng cơ sở mới nên hiện nay chỉ thực hiện mô hình mới tại phòng xử án hình sự.
 
Ngay sau khi trụ sở mới hoàn thành, TAND tỉnh sẽ bảo đảm đầy đủ phương tiện cho tất cả phòng xử án mô hình mới đi vào thực tiễn. Đối với TAND cấp huyện, đặc biệt là với điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn; hàng năm giải quyết lên tới khoảng 3.000 các loại vụ, việc (năm 2018 dự kiến 3.600 vụ, việc), trong đó, 90% án ở cấp huyện, việc thực hiện mô hình phòng xử án đầy đủ sẽ là một quá trình rất dài và cần sự quan tâm lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
Được biết, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã có báo cáo đề nghị các huyện thị, thành ủy quan tâm hỗ trợ cho TAND cấp huyện từ 17 - 25 triệu đồng, có huyện được 30 - 40 triệu đồng để bỏ vành móng ngựa, xây lại bục xét xử theo mô hình mới. Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ, xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc; trong đó, lấy tòa án là trung tâm của hệ thống các cơ quan tư pháp; xét xử là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa là khâu đột phá của cải cách tư pháp.
 
Việc thực hiện mô hình phòng xử án mới và sử dụng trang phục xét xử theo Thông tư số 01 của TAND Tối cao mà TAND tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Mai Linh

Các tin khác
Cô và trò Trường THCS Yên Ninh, thành phố Yên Bái trong giờ thực hành.

YBĐT - Trong những năm qua, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do công đoàn phát động đã thu hút đông đảo nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh tham gia.

Lãnh đạo Agribank Yên Bái bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Lê Thị Đường – 59 tuổi, thuộc thôn Hồng Tiến, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên.

YBĐT- Ngày 15/10, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái (Agribank Yên Bái) đã làm lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Lê Thị Đường – 59 tuổi, thuộc thôn Hồng Tiến, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên.

Phòng học quây bạt của học sinh mầm non miền núi.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT), cả nước còn khoảng 150.452 phòng học để xóa phòng tranh tre nứa lá, bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn, thuê (mầm non 54.700 phòng; tiểu học 71.289 phòng; THCS 21.700 phòng; THPT 2.763 phòng).

YBĐT - Sáng 15/10, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức lớp tập huấn thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục