Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đạt 76,5 năm
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, TS Cengiz Cihan – Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP Việt Nam - cho biết, HDI của Việt Nam đã tăng liên tục trong 27 năm qua. Với chỉ số 0,694 trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 189 nước được đánh giá về chỉ số phát triển con người, thuộc nhóm trung bình cao. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước có chỉ số phát triển con người ở ngay dưới nhóm các nước có chỉ số phát triển con người cao và chỉ cần đạt thêm 0,006 điểm để nâng hạng lên mức phát triển con người cao.
Trong chỉ số phát triển con người, Việt Nam thực hiện tốt trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Số năm đi học trung bình của Việt Nam là 8,2, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và tương đương với mức bình quân của nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Con số này cao hơn đáng kể so với chỉ số của các nước phát triển con người trung bình như mức 7,8 năm của Trung Quốc hay 7,6 năm của Thái Lan…
Trong lĩnh vực y tế, theo ông Cihan, tuổi thọ kỳ vọng của Việt Nam là 76,5 năm, đứng thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Hàn Quốc và cao hơn mức bình quân 76 năm của các nước phát triển con người cao. Báo cáo của UNDP cũng chỉ ra rằng, mặc dù có xu hướng giảm trong giai đoạn gần đây nhưng chi tiêu y tế của Việt Nam (tính bằng % GDP) cao hơn nhiều so với các nước được lựa chọn để so sánh, chỉ thấp hơn Hàn Quốc.
Số liệu thống kê nghèo đa chiều toàn cầu năm 2018 cũng cho thấy những tiến bộ quan trọng của Việt Nam trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 2 về giảm nghèo. Chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam là 0,0197; đứng thứ 31 trong tổng số 105 nước. Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong khi những kết quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của nhiều quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương thường đi kèm với gia tăng bất bình đẳng thì tiến bộ trong phát triển con người ở Việt Nam đi kèm với mức gia tăng bất bình đẳng khá thấp. Về chỉ số bất bình đẳng giới (GII), Việt Nam đứng thứ 67 trong tổng số 160 nước, với GII là 0,304, gần với mức trung bình của các nước trong nhóm Phát triển con người cao (0,289).
Còn nhiều dư địa để cải thiện
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải giải quyết để tăng chỉ số phát triển con người. Trong vấn đề bình đẳng giới, UNDP ghi nhận Việt Nam đã có những động thái để thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ nhưng hiện vẫn còn khoảng cách trong việc tiếp cận lao động và giáo dục giữa nam và nữ.
"Việt Nam là một trong những nước đi đầu khu vực trong việc giảm thiểu bất bình đẳng giới. Song, thị trường lao động hiện số nữ giới có công việc tốt và nắm giữ các vị trí quan trọng trong đơn vị lao động còn ít hơn nam. Số nữ có trình độ học vấn cao cũng thấp hơn do phụ nữ phải đảm đương các công việc gia đình”, TS Cengiz Cihan cho hay.
Bên cạnh đó, đại diện UNDP cũng khuyến nghị Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách giới trong vấn đề giáo dục vì hiện vẫn có sự khác biệt 11,5% giữa phụ nữ và nam giới trong cấp trung học. "Cùng với việc tăng tỉ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành khoa học, toán, cơ khí và xây dựng (hiện tại là 15,4%), Việt Nam sẽ có thể tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, ông cho hay.
Về thành tố thu nhập, Việt Nam vẫn thụt lùi so với các quốc gia trong nhóm lựa chọn để so sánh. Chỉ số tổng thu nhập quốc gia trên bình quân đầu người hàng năm (GNI) của Việt Nam hiện đã được cải thiện nhưng so với các nước khác trên thế giới thì vẫn ở mức thấp trong khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa thu nhập để thúc đẩy chỉ số phát triển con người.
Báo cáo của UNDP cũng chỉ ra rằng dù có nhiều tiến bộ trong giảm nghèo đa chiều ở cấp quốc gia nhưng Việt Nam vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và các nhóm dân cư. Cụ thể, tỉ lệ nghèo đa chiều là 2,1% ở khu vực đô thị trong khi tỉ lệ ở khu vực nông thôn là 6,45%. Số liệu nghèo đa chiều của trong nước cho thấy chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm dân cư. Tỉ lệ của người Kinh là 6,4% so với 76,2% của người H’mông, 37,5% người Dao và 24% của người Khmer.
Mặc dù vậy nhưng UNDP cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để cải thiện chỉ số phát triển con người trong thời gian tới. "Với chỉ số phát triển con người tăng 1,41% từ năm 1990, Việt Nam chỉ còn 4 bậc để vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao. Nếu tăng cường nỗ lực giảm chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân cư, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm vào nhóm các nước có mức phát triển con người cao”, Giám đốc quốc gia UNDP nói.
(Theo baophapluat.vn)