Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, huyện Lục Yên có diện tích tự nhiên 81.001 ha, dân số 111.981 người, (tính đến 31/12/2017) gồm 18 dân tộc cùng chung sống, có 23 xã và 1 thị trấn với 300 thôn bản, tổ dân phố.
Những năm qua, Lục Yên đã làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các phong trào xây dựng thôn, làng, bản, tổ dân phố.
Từ nhận thức làng văn hóa là nơi huy động sức mạnh cộng đồng khôi phục nền văn hóa dân tộc, cũng là nơi tự giác bàn bạc những quy định trong thôn, bản để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế làm đẹp cuộc sống, vươn tới sự phát triển toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thời gian qua, công tác xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã được triển khai đến các xã, thị trấn.
Các thôn, làng, bản trong huyện đã tự xây dựng cho mình những hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện sống, thuần phong mỹ tục của địa phương, các bản quy ước đều có những quy định cụ thể vận động nhân dân làm tốt công tác xã hội, từ thiện nhân đạo.
Thành tích nổi bật là 100% trẻ em đến tuổi đều được đến trường, người già cô đơn, người có công, trẻ em tàn tật được chăm sóc chu đáo, thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, đồng tình quan tâm đẩy lùi tệ nạn xã hội, phát huy tính tự quản của nhân dân.
Tính đến đầu tháng 9/2018, Lục Yên có 24/24 xã, thị trấn xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa. Nhiều xã có 100% số làng, bản ra mắt xây dựng và được công nhận đạt chuẩn văn hóa như xã Khai Trung, Minh Chuẩn, Liễu Đô, Yên Thắng…
Việc xây dựng thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa được hầu hết người dân quan tâm và hưởng ứng thực hiện. Nhân dân trong các làng văn hóa đều có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, có cảnh quan môi trường sạch đẹp, bản sắc văn hóa luôn được gìn giữ và phát triển.
Ông An Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Các làng văn hóa không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà còn chú trọng đến cuộc sống tinh thần của người dân. Phong tục, tập quán, cảnh quan, ứng xử, giao tiếp, những bản sắc văn hóa tốt đẹp được phát huy, đồng thời cũng loại bỏ những hủ tục lạc hậu".
Đối với đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, đây là việc làm không đơn giản vì đã có những tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong nếp nghĩ và cách sống của người dân. Cụ thể như việc di dời chuồng trại từ gầm sàn ra ngoài thực sự được coi là một cuộc cách mạng, việc này được hầu hết các làng quy định trong quy ước.
"Hiện tại, 100% các làng văn hóa đền có đội văn nghệ, đội thể thao thường xuyên hoạt động, các đội văn nghệ được các nghệ nhân cao tuổi tham gia nhằm phát huy vốn văn hóa dân gian, đồng thời truyền dạy vốn văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ” - ông Nam thông tin.
Điều đáng phấn khởi là hệ thống nhà văn hóa thôn, bản ngày càng được xây dựng khang trang hơn, công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao được quan tâm; các làng văn hóa đều chú trọng xây dựng đường giao thông nông thôn, hàng năm nhân dân đóng góp tiền và hàng ngàn công lao động để xây dựng đường quang ngõ sạch, đi lại thuận lợi.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 284/300 thôn, làng, bản, tổ dân phố đã ra mắt xây dựng, trong đó 262/300 được công nhận và duy trì danh hiệu đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới, có 220/300 thôn, làng, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Quang Thiều