Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 2.294 đơn vị sử dụng lao động với 52.851 người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Thống kê hàng năm, có hàng nghìn lượt giao dịch hồ sơ hành chính về BHXH, BHYT mà các đơn vị BHXH trên địa bàn tỉnh phải tiếp nhận giải quyết, trả kết quả.
Để giảm bớt phiền hà cho các đơn vị giao dịch, BHXH tỉnh đã tích cực triển khai giao dịch hồ sơ điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT qua mạng Internet.
Để đẩy mạnh giao dịch hồ sơ điện tử, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử đến các đơn vị để cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm giao dịch hồ sơ điện tử; tổ chức các lớp tập huấn sử dụng phần mềm giao dịch điện tử cho các đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp đơn vị nào chưa thực hiện được, cơ quan BHXH cử cán bộ đến từng đơn vị tìm hiểu, giúp đỡ khắc phục những khó khăn để có thể thao tác hiệu quả trên phần mềm.
Hàng tháng, hàng quý, BHXH tỉnh đều giao chỉ tiêu kế hoạch cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Quản lý thu để triển khai phát triển đơn vị đăng ký giao dịch hồ sơ điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan BHXH.
Công tác này được BHXH tỉnh đưa vào tiêu chí phân xếp loại hàng quý, hàng năm của từng tập thể đơn vị và của từng cá nhân. Nhờ tích cực triển khai, đến nay, toàn tỉnh có 1.925 đơn vị sử dụng lao động đăng ký thực hiện kê khai hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN qua mạng Internet.
Ông Đào Phùng Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH tỉnh Yên Bái cho biết, việc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giảm thời gian đi lại do không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết, đơn giản các thủ tục giao dịch, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian chờ nhận kết quả giải quyết.
"Thông qua phần mềm kê khai BHXH điện tử được cài đặt, mọi thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ đều được lập và chỉnh sửa trên máy vi tính, gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết, kiểm tra thời hạn giải quyết qua mạng Internet; các loại hồ sơ, giấy tờ đã thực hiện giao dịch được lưu trữ trên phần mềm của hệ thống, thuận lợi cho việc kiểm tra, tìm kiếm và tra cứu thông tin” - ông Nghĩa nói.
Có thể nói, triển khai giao dịch hồ sơ điện tử là một trong những vấn đề then chốt của cải cách hành chính trong lĩnh vực giải quyết các chế độ BHXH.
Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 369 đơn vị sử dụng lao động chưa đăng ký thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Khó khăn trong việc triển khai giao dịch hồ sơ điện tử là trên địa bàn tỉnh còn nhiều đơn vị tham gia BHXH có quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động (có đơn vị chỉ có 3-4 lao động) nên rất ít phát sinh giao dịch với cơ quan BHXH.
Cùng đó, cơ sở hạ tầng nhiều đơn vị rất yếu kém, máy tính chưa đảm bảo, cấu hình thấp không đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm giao dịch điện tử; đường truyền mạng Internet ở một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu, cán bộ thực hiện giao dịch điện tử trình độ công nghệ thông tin cũng còn hạn chế.
Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng lao động về các tiện ích của giao dịch BHXH điện tử; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử; cử cán bộ của đơn vị được phân công làm công tác BHXH được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do cơ quan BHXH phối hợp với tổ chức cung cấp dịch vụ để tổ chức thực hiện, giúp đỡ các đơn vị thực hiện tốt công tác giao dịch hồ sơ điện tử.
Đối với những đơn vị sử dụng lao động có máy tính chưa đáp ứng yêu cầu về giao dịch điện tử thì hỗ trợ, giúp đỡ nâng cấp, kết nối với mạng Internet.
Văn Thông