Những hệ lụy kép
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, tác hại của lạm dụng rượu, bia với sức khỏe con người rất rõ. Rượu, bia là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm do gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể dẫn đến mắc các bệnh: Tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); Tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); Suy giảm miễn dịch và đặc biệt là ung thư (ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và thêm ung thư vú ở phụ nữ…),
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2014, rượu, bia là nguyên nhân của 8,3% số trường hợp tử vong. Cùng với đó, sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, rượu pha từ cồn công nghiệp là nguyên nhân gây ra hàng trăm vụ ngộ độc với hàng trăm người mắc, hàng chục người tử vong trong thời gian qua.
Ngoài ra, các hệ lụy về mặt xã hội do lạm dụng rượu, bia cũng nghiêm trọng. Đó là tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự… Cụ thể, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) với nam giới trong độ tuổi 15 đến 49. WHO công bố số liệu trong năm 2014, TNGT liên quan đến rượu, bia tại Việt Nam ước tính chiếm 36,2% ở nam giới.
Tỷ lệ nam giới ở Việt Nam uống rượu, bia cao và con số này ngày càng tăng với cả hai giới. Hơn 77% nam giới nước ta sử dụng rượu, bia. Nếu xét riêng tỷ lệ này trong nam giới, chúng ta đứng 29 thế giới, thứ 10 châu Á và thứ hai ở khu vực Đông - Nam Á về sử dụng rượu, bia.
Đây là những thông tin từ hội thảo "Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới các góc nhìn khác nhau” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 3-11.
Bà Trang nêu rõ, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang rất đáng lo ngại. Tỷ lệ vị thành niên/thanh niên có sử dụng rượu, bia tăng gần 10% sau năm năm, từ 51% vào 2003 lên 60% vào 2008. Theo Điều tra sức khỏe học sinh trong trường học năm 2013 của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) khá cao: 47,5%.
Thêm vào đó, 43,8% học sinh từ lớp 8 - lớp 12 đã uống rượu, bia lần đầu tiên trước 14 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và xã hội đối với giới trẻ nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt. Cần có giải pháp đặc biệt bảo vệ giới trẻ tiếp cận quá sớm với rượu, bia, do não bộ của các em chưa hoàn thiện, dùng rượu, bia quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, dễ thấy bất cứ địa điểm nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người tiêu dùng. Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Đây là minh chứng rõ cho việc rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận hơn so với nhiều nước khác.
Nam giới uống nhiều, say; trẻ em mua và uống rượu, bia vẫn diễn ra, và người bán cũng không có biện pháp để cảnh báo hoặc từ chối bán trong các trường hợp này. Rõ ràng, thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động, cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ.
Từng bước giảm lạm dụng rượu, bia
Cũng theo vị đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, ba chính sách mang lại hiệu quả cao trong giảm tỷ lệ sử dụng và tác hại của rượu, bia. Đó là: hạn chế tính sẵn có và dễ dàng tiếp cận với đồ uống có cồn; chính sách thuế, giá nhằm tăng giá đồ uống có cồn; kiểm soát quảng cáo các sản phẩm.
Hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có một số quy định liên quan, nhưng chủ yếu điều chỉnh đối với sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia. Qua đó, dễ nhận thấy một khoảng trống rất lớn, thiếu nhiều quy định mang tính phòng ngừa, giảm thiểu các tác hại của rượu, bia. Cần phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ; việc cung cấp cũng như giảm tác hại của rượu, bia. Do đó, Bộ Y tế đã được Chính phủ giao soạn thảo dự án Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của rượu, bia.
Mục đích dự án Luật là thể chế các chính sách nhằm giảm hậu quả về sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia gây ra thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để PCTH rượu, bia, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, hoàn thiện thể chế về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
Một trong những điểm quan trọng trong xây dựng Luật là ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của người dân; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra.
Dự án Luật hướng tới phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra. Khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng, chống tác hại rượu, bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Để chính sách dễ đi vào cuộc sống
TS Phạm Tuấn Khải, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, nhận xét, cách tiếp cận của dự án Luật chủ yếu theo quan điểm của y tế cộng đồng, trong khi các vấn đề được đề cập án Luật có liên quan tới nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, văn hóa và du lịch mang tính truyền thống - dân gian… Vì vậy, cần mở rộng cách tiếp cận và giải quyết vấn đề để bảo đảm tính toàn diện và tính khả thi của dự án Luật.
TS Phạm Tuấn Khải đề nghị nên gọi là Luật Kiểm soát rượu, bia. Ông cho hay, hiện nay trên thế giới chưa có quốc gia nào ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật Kiểm soát rượu, bia cho thấy rõ hơn mục tiêu, yêu cầu của cơ quan có chức năng quản lý phải tăng cường các biện pháp và có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý những hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức trong việc sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm rượu, bia kém chất lượng.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hơn trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa, hợp pháp. Các tổ chức xã hội và cá nhân cũng có trách nhiệm tham gia cùng với cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát này, tùy theo vị trí và vai trò cụ thể của mình.
TS Phạm Tuấn Khải băn khoăn khi dự án Luật chưa quan tâm đúng mức việc quản lý sản xuất, tiêu thụ, sử dụng rượu thủ công. Trong khi đó, đây lại là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt và cần có những quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh. Thực tiễn đã cho thấy, lượng rượu sản xuất thủ công chiếm tỷ lệ khoảng 70%, và chất lượng không bảo đảm, có nguy cơ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe của người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách. Luật cần quy định cụ thể để kiểm soát thật tốt rượu thủ công.
Nhìn nhận dưới góc độ sức khỏe, GS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cũng hướng về quan điểm nên sửa là Luật kiểm soát tác hại của việc lạm dụng rượu, bia. Trong đó, kiểm soát gắn liền với kiểm soát chất lượng - sản xuất - tiêu thụ.
GS Phan Thị Kim cũng cho rằng, cần thường xuyên giáo dục phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về tác hại của việc sử dung rượu, bia không kiểm soát, thay đổi nhận thức về sử dụng rượu, bia. Cũng cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu không đạt chất lượng an toàn thực phẩm.