Đẩy lùi tình trạng lạm dụng rượu, bia

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/11/2018 | 8:09:18 AM

YBĐT - Rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến trên ba khía cạnh: xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động này, Chính phủ đã và đang tiến đến giải pháp kiểm soát sự nguy hại của các chất có cồn.

Từ các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua từng năm được thể hiện qua 3 tiêu chí: mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người và ở nam giới; tỷ lệ người dân có uống rượu, bia và tỷ lệ người uống rượu, bia ở mức nguy hại. 

Hiện ba tiêu chí này ở Việt Nam đều có tỷ lệ cao so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội với giới trẻ (Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ). Hơn thế, tình trạng uống rượu, bia ở mức nguy hại tăng rất cao và phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi, nông thôn. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ uống rượu được sản xuất thủ công không đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc trong tỷ trọng tiêu thụ rượu, bia ở nước ta chiếm khoảng 74,3%. Trong đó, người dân ở các địa phương vùng cao dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu cũng là điều hết sức đáng bàn. 

Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thực quản...); gây rối loạn tâm thần; bệnh tim mạch; bệnh tiêu hóa... mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội đó là: bạo hành gia đình, tội phạm, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, bất bình đẳng giới... 

Mặt khác, gần đây nhiều vụ ngộ độc do sử dụng phải rượu giả, rượu pha chế từ cồn công nghiệp đã khiến nhiều người mất mạng. Nhiều vụ buôn bán trái phép, kinh doanh rượu lậu cũng được cơ quan chức năng phanh phui. 

Trước thực trạng trên, tháng 7/2015, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban. 

Theo đó, Bộ Y tế chủ trì xây dựng Dự án Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, hiện các tỉnh, thành phố đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật và đã hoàn thiện hồ sơ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội. 

Tỉnh Yên Bái đã có 28 ý kiến từ cơ quan chức năng, các đại biểu đã có 7 ý kiến xác đáng để góp ý vào dự thảo Luật, những vấn đề đề ra đều rất sát với thực tế tại cơ sở, cần có sự điều chỉnh. 

Bên cạnh đó, các tỉnh thành trên cả nước đã có những biện pháp kiểm soát bước đầu như: cấm sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, trong bữa ăn trưa ngày làm việc; xử phạt các vi phạm lạm dụng rượu bia đối với công chức, viên chức, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc rượu, bia...

Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, hạn chế lạm dụng rượu bia nhưng việc tuân thủ pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng rượu bia còn rất thấp, nhất là các hộ tự sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ còn nhiều bởi lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. 

Nguyên nhân chính do rượu, bia là mặt hàng rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận ở mọi lúc, mọi nơi và pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh, chưa điều chỉnh đầy đủ nên chưa hiệu quả và đang bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Để đẩy lùi tình trạng lạm dụng rượu bia trong cộng đồng, ngăn chặn rượu lậu tràn vào từ các quốc gia khác, ngăn chặn rượu giả, rượu kém chất lượng sản xuất trong nước, Chính phủ cần sớm ban hành Luật 

Phòng, chống tác hại của rượu bia; quy định rõ chất lượng rượu tự nấu; có chế tài xử phạt nghiêm đối với vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh buôn bán và sử dụng rượu… Từ đó mới từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Trần Minh

Các tin khác
Chiến sĩ trẻ trong giờ học Điều lệnh Công an nhân dân.

Cách đây hơn một tháng, những bạn trẻ còn bịn rịn, lưu luyến phút chia tay mà hôm nay đã chững chạc, rắn rỏi hơn hẳn trong bộ quân phục; vẻ trang nghiêm trong tiết học điều lệnh, tập trung cao độ trong buổi học quân sự, nghiệp vụ… Chuyện những những người lính trẻ tại Tiểu đoàn Huấn luyện, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên khen thưởng và tặng quà cho người dân tiêu biểu xã Nậm Có.

Huyện tập trung tuyên truyền, nhân rộng những tập thể, cá nhân trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới… bằng nhiều hình thức đa dạng

Lực lượng công an Trấn Yên diễn tập vây bắt tội phạm tại xã Nga Quán.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, hành động, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dâ, góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật và giảm thiểu các loại tội phạm phát sinh.

Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái nơi xảy ra sự cố

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục