Chúng tôi đến thăm NVH thôn Nam Hồng vừa đúng lúc đội văn nghệ thôn đang tập luyện. Trong căn nhà khang trang, kiên cố, nhìn đội hình văn nghệ thôn di chuyển đều dặn, uyển chuyển các điệu múa.
Anh Lâm Trung Đức - Trưởng thôn vui vẻ giới thiệu: "Nhờ được chính quyền xã tạo điều kiện và sự đồng lòng, đóng góp, ủng hộ của nhân dân nên chúng tôi mới có NVH khang trang, rộng rãi, có loa đài, bàn ghế, trống, quạt... đầy đủ. Thôn chúng tôi 99% là dân tộc Tày, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng khi được huy động đóng góp xây dựng NVH bà con rất nhiệt tình ủng hộ”.
Được biết, trước đây, khi chưa có NVH, mỗi lần thôn tổ chức họp triển khai các chương trình, chủ trương của Đảng, Nhà nước thì nhà của người dân được nhờ làm nơi hội họp. Những lần như vậy, mỗi người tham gia họp phải mang theo một chiếc ghế để ngồi họp. Vì vậy, nhận thấy lợi ích của việc xây dựng NVH, khi được huy động đóng góp tiền của, ngày công xây dựng, người dân trong thôn đều sẵn sàng ủng hộ.
Chị Lương Hồng Tự ở thôn Nam Hồng cho biết: "Có nhà văn hóa, nhân dân có nơi để sinh hoạt tập thể, các con các cháu chúng tôi có địa điểm sinh hoạt hè, được vui chơi tránh xa các nơi nguy hiểm như ao, suối”.
Cũng như ở thôn Nam Hồng, khi có chủ trương làm NVH, thôn Khuôn Bổ cũng được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với 100% là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vận dụng sự sáng tạo trong việc xây dựng NVH, thôn Khuôn Bổ đã chia việc xây dựng thành nhiều hạng mục nhỏ, mỗi hạng mục nhỏ huy động sự đóng góp của nhân dân từ 300 - 500 nghìn đồng.
Qua đó, NVH khang trang, rộng rãi dần dần được hình thành, góp phần xây dựng thôn Khuôn Bổ tiến tới Nông thôn mới.
Ông Phạm Xuân Toàn - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, xã Hồng Ca đã tập trung rà soát, bố trí quỹ đất để xây dựng NVH. Kinh phí xây dựng 13/13 NVH của các thôn, bản trên địa bàn hầu hết đều do nhân dân tự đóng góp. Mặc dù đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhưng khi có chủ trương làm NVH, bà con đều hưởng ứng, sẵn sàng đóng góp tiền của, ngày công xây dựng".
"Từ khi có NVH thôn, bản, bà con có chỗ để sinh hoạt cộng đồng, nhiều chương trình tập huấn như: chăm sóc, chọn giống cây, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, tuyên truyền phòng, chống cháy rừng, thiên tai, bão lũ; bảo vệ môi trường, ăn ở vệ sinh… được triển khai nhanh chóng, kịp thời, rộng rãi đến đông đảo nhân dân. Nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn cũng được thành lập và hoạt động hiệu quả” - anh Toàn nói.
Có thể nhận thấy, NVH các thôn, bản ở xã Hồng Ca đang đóng vai trò quan trọng trong cố kết cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thắt chặt tình làng nghĩa xóm vì quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lê Thương